Sau khi đọc xong bài này và nhiều kênh tt khác em cân nhắc có nên mua chung cư không?
(Dân trí) - Bỏ tiền tỷ mua chung cư với mong muốn được hưởng những tiện ích hơn hẳn nhà mặt đất. Thế nhưng, nhiều người không khỏi "sốc" vì văn hóa, cách cư xử giữa các cư dân trong tòa nhà.
dantri.com.vn
Dân trí
Bỏ tiền tỷ mua chung cư với mong muốn được hưởng những tiện ích hơn hẳn nhà mặt đất. Thế nhưng, nhiều người không khỏi "sốc" vì văn hóa, cách cư xử giữa các cư dân trong tòa nhà.
Bị đuổi việc, trễ giờ làm vì… mải tìm xe
Chuyển về sinh sống ở một chung cư quận Hoàng Mai, Hà Nội đầu năm 2018 nhưng chưa đầy 1 năm, anh Chính không khỏi bức xúc vì văn hóa để xe của các cư dân trong tòa.
"Hầm xe của tòa nhà khá rộng, được chia thành nhiều khu, phân theo từng loại xe. Nhưng vì tâm lý muốn chọn vị trí đẹp, thuận tiện nên nhiều người bất chấp để xe lung tung, sai chỗ.
Xe tôi được bố trí chỗ gần cổng hầm nhưng mỗi sáng đi làm, chuyện xe không cánh mà bay luôn tiếp diễn. Một số người dắt xe tôi đi chỗ khác, thậm chí để hớ hênh giữa lối đi chỉ vì muốn xe mình có vị trí đẹp. Dậy sớm đi làm nhưng nhiều khi tôi vẫn đến trễ vì mất thời gian tìm xe", anh Chính nói.
Đỉnh điểm nhất lần xe anh "lạc trôi" tận vài chục mét, tìm không ra phải nhờ bảo vệ check camera. "Buổi sáng đông xe ra vào, tôi nhờ mãi bảo vệ mới kiểm tra được. Hôm đó công ty có buổi họp quan trọng, tôi tới muộn, lại đúng đợt cắt giảm nhân sự nên bị cho thôi việc luôn", anh nhớ lại chuyện mất việc hồi cuối năm 2019.
Nhấn để phóng to ảnh
Xe "bốc hơi", bị di chuyển lung tung khiến nhiều khổ chủ đau đầu mỗi sáng đi làm. Ảnh: T.T
Bức xúc vì văn hóa gửi xe nơi chung cư, anh Chính nhiều lần báo cáo sự việc tới ban quản lý. Thậm chí, anh đăng bài vào nhóm cư dân tòa nhà để nhắc nhở mọi người nâng cao ý thức chung nhưng đều không hiệu quả. Bỏ tiền tỷ mua nhà để được hưởng những tiện ích hơn hẳn nhà mặt đất nhưng anh Chính chán nản vì sự thật phũ phàng.
Sau những lần "kêu cứu" không thành, anh phải sắm thêm ổ khóa, cố định xe một chỗ. Khi cất xe, anh còn khóa luôn cổ xe cho "chắc ăn".
Cùng chung nỗi khổ như anh Chính, chị Phương (một cư dân ở chung cư quận Hà Đông, Hà Nội) cũng không khỏi "tăng xông" khi nhắc đến chuyện gửi xe ở chung cư. Mỗi tháng, chị đóng phí gửi xe là 80.000 đồng/tháng nhưng số tiền sắm sửa, trang bị cho xe còn lớn hơn nhiều lần.
"Khi thì xe mất gương, mất mũ bảo hiểm, khi thì dính bẩn vì chẳng hiểu những túi rác to đùng từ đâu "chễm chệ" trên xe. Có lần thấy hàng xóm bức xúc vì xe bị lấy mất… IC, nào ngờ tuần sau chính xe tôi lại thành mục tiêu của bọn trộm cắp. Đến giờ làm, lấy xe ra nổ máy thì không đi được.
Loay hoay mãi, tôi đành dắt xe lại rồi bắt xe ôm đi làm. Mấy lần đi muộn vì xử lý sự cố. Để xe trong hầm, tuân thủ đúng quy định như thế mà tôi thấy không khác gì vứt xe ở vỉa hè", chị Phương bức xúc.
Mỗi lần xe bị mất cắp, chị lại phải thay thế phụ tùng khá tốn tiền. Chưa kể lúc nào cũng nơm nớp lo có ngày cả chiếc xe cũng biến mất. Nhiều lần chị khiếu nại với ban quản lý hay góp ý trong những buổi họp cư dân tòa nhà nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện. Chị đành tìm chỗ gửi ngoài với giá cao gấp vài lần để ở hầm chung cư.
Vỡ trận vì thang máy quá tải
Ám ảnh vì cảnh tắc đường mỗi ngày nhưng với chị Mai (khu đô thị HH Linh Đàm, quận Hoàng Mai), chuyện đi thang máy còn "khốn khổ" gấp bội.
Ở tòa chung cư chị ở có 3 thang máy dành cho cư dân từ tầng 1 đến tầng 20, 2 thang máy hoạt động từ tầng 20 đến hết, còn 1 thang máy dùng được cho toàn bộ các tầng. Nhà chị ở tầng 19, chỉ sử dụng được 3 thang máy đầu tiên.
Vì là điểm đến cuối cùng nên khi gia đình chị Mai muốn xuống thì được vào thang máy đầu tiên nhưng khi đi lên thì phải chờ qua các tầng lần lượt.
Tòa nhiều tầng, cư dân đông đúc, vào giờ cao điểm là thang máy "vỡ trận". Nhà ở vị trí không thuận lợi nên chị buộc phải tìm cách khắc phục. Sáng chị Mai đi làm sớm, 7h có mặt ở thang máy, chỉ chậm chút là cabin đầy người. Tuy nhiên, buổi chiều tan làm về, để lên được nhà, có khi phải mất cả nửa tiếng.
"5 rưỡi về đến nhà là sảnh chung cư đã chật kín người đứng chờ thang máy. Ngoài người tay xách nách mang đi chợ về, cả những người bán hàng online kéo giỏ đầy đồ, chiếm dụng thang máy để đi giao hàng nữa nên cabin chật cứng. Lắm lúc thang bị treo vì quá tải. Chưa kể tầm đó nhiều nhà đến giờ cho con ăn, cho con ra bấm nút thang máy nghịch lung tung để dỗ chúng. Nên cứ tới tầng ấy là thang dừng dù bên trong chẳng có ai ra. Cabin chật chội, thang máy cứ đi lại dừng, tôi chóng cả mặt. Có hôm chật vật cả nửa tiếng mới lên được nhà", chị Mai cho hay.
Nhấn để phóng to ảnh
Văn hóa đi thang máy tưởng chuyện nhỏ nhưng là nỗi ám ảnh không xuể của nhiều người dân sống ở chung cư. Ảnh: M.A
Không chỉ ám ảnh cảnh chen chúc, chờ đợi thang máy, chị Mai còn "phát hoảng" với ý thức giữ gìn vệ sinh chung của một số cư dân. Người thì xả rác, người thì nuôi chó, để chúng xả thải ra thang máy gây bốc mùi khai thối mất vệ sinh. Cũng vì sự thiếu ý thức này mà nhiều khi từ nhà xuống dưới, chị đành đi thang bộ, vừa đỡ ức chế, vừa giúp rèn luyện sức khỏe.
Sau này, từ ý kiến của nhiều cư dân, ban quản lý chung cư đã lắp đặt thêm camera cũng như đưa ra quy định về mức phạt với những hành vi thiếu ý thức thì tình trạng này mới giảm đi ít nhiều.
Trong khi đó, chị Ngọc (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã 2 lần chuyển nhà vì mâu thuẫn với cách cư xử của hàng xóm. "Dù chẳng chung dãy hay cách nhau cả vài căn nhưng ở chung cư mà, một nhà mở loa hát thôi là cả tầng nghe thấy hết. Một vài lần không sao nhưng nhiều lần quá tôi phải nhắc.
Nhà thì có người già, trẻ nhỏ, nhà thì có phụ nữ mới sinh. Cuối tuần đã đành, đây cả trưa lẫn đêm vẫn hát hò ầm ĩ. Mà cứ phải mở loa to. Sau dần mất hết cả tình làng nghĩa xóm. Sau vì công việc nên gia đình mình cũng quyết chuyển nhà luôn cho đỡ phiền", chị nói.
"Đất chật người đông", chung cư "mọc lên như nấm". Tuy nhiên, bỏ tiền tỷ ra để có không gian sống hợp lý nhưng thực tế cho thấy, không ít người phải "dở khóc, dở cười" vì ám ảnh bởi những nỗi khổ xuất phát từ văn hóa, cách cư xử của một bộ phận cư dân ở chung cư.
Thảo Trinh