http://tamnhin.net.vn/vu-song-da-ha-dong-cu-dan-keu-cuu-chu-tich-ha-noi-8400.html
Cư dânSông Đà-Hà Đông: Cư dân 'kêu cứu' Chủ tịch Hà Nội
Cập nhật: 09:05 | 11/01/2018
Cư dân toà nhà hỗn hợp Sông Đà-Hà Đông đã gửi đơn "kêu cứu" đến ông Nguyễn Đức Chung- Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Sau nhiều lần gửi đơn thư đề nghị tới các cơ quan chức năng sở tại cùng sự nỗ lực vào cuộc của UBND Quận Hà Đông, UBND và Công an phường Văn Quán nhưng cho đến nay, những khúc mắc tại toà nhà hỗn hợp Sông Đà – Hà Đông (131 Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn chưa được giải quyết ổn thoả. Thái độ “chây ì” đến khó hiểu cùng cách xử lý sự việc bằng “vũ lực” của chủ đầu tư dự án này khiến cư dân tiếp tục gửi đơn đến Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội để “kêu cứu”…
Theo nội dung đơn, cư dân toà nhà phản ánh rằng: Dù toà nhà đã đi vào sử dụng từ đầu năm 2010, nhưng mãi đến năm 2016, sau nhiều nỗ lực kêu gọi của tập thể cư dân, Chủ đầu tư Dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thi Sông Đà (mã chứng khoán SDU) mới tổ chức cho cư dân bầu Ban quản trị (BQT) toà nhà. BQT này đã được công nhận chính thức theo Quyết định số 10974/QĐ-UBND được UBND Quận Hà Đông ban hành ngày 15/11/2016.
Tập thể cư dân cũng trình bày rằng, sau một thời gian sinh sống tại đây, hiện nay toà nhà đã có hiện tượng bị xuống cấp nghiêm trọng và nảy sinh rất nhiều vấn đề nổi cộm khiến cư dân vô cùng bức xúc.
Cư dân toà nhà hỗn hợp Sông Đà-Hà Đông tại 131 Trần Phú đang cầu cứu cơ quan chức năng
Những vấn đề này xoay quanh công tác ban giao hồ sơ tòa nhà và phí bảo trì; công tác PCCC trong toà nhà; việc chủ đầu tư ngang nhiên mang tài sản chung đi thế chấp ngân hàng và việc chủ đầu tư cùng công ty “con” của mình là Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh dịch vụ SDU đã thuê nhiều nhân viên của Công ty Dịch vụ bảo vệ Thiên Trường Việt Nam và Công ty dịch vụ bảo vệ Vân Long cùng nhiều đối tượng côn đồ lạ mặt đến gây rối tại tầng hầm toà nhà, gây mất an ninh trật tự trong khu vực và khiến tinh thần cư dân rất hoảng loạn.
Nội dung đơn “kêu cứu” cho thấy, SDU liên tục chậm trễ, và có thái độ trì hoãn, không chịu bàn giao hồ sơ toà nhà cùng phí bảo trì cho BQT theo đúng các quy định đã được Quốc hội ban hành trong Luật nhà ở số 65/2014/QH13 và theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Cùng với đó, sau 6 năm đi vào hoạt động, toà nhà này mới được Cảnh sát PCCC Thành phố Hà Nội xác nhận nghiệm thu về công tác PCCC (theo văn bản 172/NT-PCCC-P3 ngày 29/7/2016). Tại thời điểm hiện tại, cư dân cho rằng hệ thống PCCC tại đây hoạt động không bình thường. Cảnh sát PCCC Hà Nội đã vào cuộc, lập biên bản sự việc và kết luận: Chủ đầu tư chưa bàn giao hệ thống PCCC cho BQT (theo biên bản làm việc ngày 21/11/2017).
Cư dân “tố” rằng, chủ đầu tư cũng đã ngắt toàn bộ hệ thống báo cháy tự động và đặt toà nhà vào trạng thái có nguy cơ cháy nổ cao trong một thời gian dài. Chỉ đến khi Cảnh sát PCCC vào cuộc thì chủ đầu tư mới thuê một đơn vị đến bảo dưỡng và lắp đặt thiết bị PCCC nhưng đến nay vẫn rất sơ sài và chất lượng rất kém.
Trước sự việc các cơ quan chức năng chưa giải quyết được sự việc, cư dân toà nhà hỗn hợp Sông Đà-Hà Đông đã gửi đơn "kêu cứu" tới Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội
Về việc chủ đầu tư đặt phòng kỹ thuật điện trong hành lang thoát hiểm, cư dân cho rằng việc này vi phạm nghiêm trọng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. Cư dân cũng rất lo lắng rằng nếu xảy ra cháy nổ ở phòng kỹ thuật điện này thì hàng nghìn cư dân sẽ không có lối thoát ra ngoài, nỗi sợ hãi về nguy cơ này cũng luôn thường trực và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ.
Phản ánh trong đơn, cư dân toà nhà nêu rằng: SDU đã ngang nhiên thế chấp toàn bộ tầng sinh hoạt cộng đồng (tầng 5) của toà nhà để vay tiền tại Tổng Công ty Cp Tài chính Dầu khí (nay là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam –PVComBank) từ năm 2012 mà không có sự đồng ý của những người đồng sở hữu là các cư dân toà nhà.
Đồng thời, Công ty MTV dịch vụ SDU cũng mang quyền khai thác, sử dụng 2 tầng hầm H1 và H2 thuộc phần tài sản chung của toà nhà để thế chấp vay tiền tại Ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Tân Bình.
Theo phản ánh, trong vòng 13 ngày từ ngày 15/12/2017 đến ngày 29/12/2017, đã 3 lần Công ty MTV dịch vụ SDU thuê bảo vệ của Công ty Thiên Trường và Công ty Vân Long kết hợp cùng nhiều đối tượng côn đồ, có vẻ ngoài “bặm trợn” đi cùng người được cho là ông Hoàng Văn Tuấn – Trưởng phòng Tổng hợp của Công ty, tiến hành chặn xe ra-vào hầm, ép cư dân sử dụng vé gửi xe do Công ty bảo vệ Thiên Trường phát, đồng thời có dấu hiệu huỷ hoại tài sản tại tầng hầm H1, uy hiếp cũng như đe doạ, khủng bố tinh thần cư dân và dùng vũ khí đánh bị thương ông Nguyễn Đức Quyết – Trưởng Ban quản lý toà nhà.
Những người này còn ngang nhiên đe doạ cư dân, chửi bới những người có ý định phản đối, đập phá máy quẹt thẻ (trông xe), đi lại ngông nghênh hút thuốc lá trong hầm H1 (dù trong tầng hầm nghiêm cấm hút thuốc lá vì khả năng cháy nổ rất cao).
Cư dân toà nhà cho biết, việc Công ty TNHH MTV dịch vụ SDU sử dụng bạo lực để “trấn áp” cư dân và BQT cũng như Ban Quản lý hiện hành của toà nhà để tiến hành “chiếm đóng” 2 tầng hầm cũng như giành quyền vận hành, quản lý và khai thác thương mại khiến cho cư dân tại đây luôn sống trong trạng thái bất an, lo sợ việc người của chủ đầu tư cùng nhiều đối tượng “đầu gấu” có thể “ập” đến bất cứ lúc nào.
Lo lắng về sự an toàn của mình, cũng như của toàn bộ cư dân toà nhà; đi kèm áp lực về việc nỗ lực giải quyết sớm sự việc để tìm lại môi trường sống êm ả cho toàn bộ cư dân cùng dư chấn về việc bị nhiều đối tượng lạ mặt đẩy ngã trong cuộc xô xát ngày 27/12/2017 khiến ông Đỗ Thái Sảng – Trưởng BQT toà nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khoẻ, tinh thần sa sút và luôn trong trạng thái mệt mỏi.
Trước những vấn đề tồn tại chưa được giải quyết, hàng trăm hộ dân đang sinh sống tại toà nhà này cùng BQT đồng lòng ký tên vào đơn tố cáo gửi đến ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cùng các cơ quan chức năng có liên quan để “kêu cứu” với mục đích sự việc sẽ được giải quyết.