Bác Đoàn mới trả lời phỏng vấn tại đây, phóng viên hỏi cũng hay phết, em copy paste từ báo lại để các cụ tiện đọc.
Trải lòng của thượng tá CSGT chạy bộ bắt cướp
Thượng tá Đoàn nhận rằng, việc rượt theo hai tên cướp là liều lĩnh, nhưng ông phải làm vì không muốn vô cảm. Ông coi trọng đồng lương, nhưng không coi trọng tiền.
Tối 2/11, Thượng tá CSGT Lê Đức Đoàn đã vứt lại xe máy, một mình chạy bộ rượt đuổi hai tên cướp iPhone trên phố Cao Bá Quát, Ba Đình (Hà Nội). Ông cảnh sát 53 tuổi đã tóm gọn một tên cướp cao lớn sinh năm 1991. Đây không phải là lần đầu tiên thượng tá CSGT này bắt cướp. Ông còn nổi tiếng vì nhiều lần cứu người tự tử trên cầu Chương Dương, nơi ông làm nhiệm vụ phân luồng giao thông và vừa được tặng thưởng danh hiệu "Công dân ưu tú Thủ đô".
- Khi rượt theo hai tên cướp to khỏe, ông có nghĩ mình có thể gặp nguy hiểm về tính mạng, có nghĩ đến vợ con ở nhà?
- Tôi coi người phụ nữ bị cướp như con mình. Trật tự xã hội của mình dù có 141, có lực lượng bảo vệ rất tốt, nhưng đôi lúc vẫn còn những tình trạng như hôm 2/11, một người phụ nữ đáng tuổi con mình, người ta hô bị cướp như thế thì mình không thể làm ngơ. Nói thật cũng liều lĩnh. Tôi là thương binh. Tôi đã một lần kề cận với cái chết. Tôi rất hiểu. Nói thật cũng lo cho gia đình, bản thân, con cái nếu mình chẳng may có bị làm sao.
Tôi rượt đuổi cỡ 15-20 phút, nhưng tôi không tri hô. Theo kinh nghiệm, nếu tôi hô cướp thì đối tượng có thể hoảng loạn đẩy ngã, gây thương tích cho các ông bà già đang tập thể thao, vì vậy tôi quyết đuổi theo và khi tiếp cận gần tôi quật ngã nó luôn.
Nhưng bắt xong tôi cũng thấy lo chứ. Liều lĩnh không? Có liều lĩnh. Dũng cảm không? Cái này để nhân dân đánh giá, nhưng liều lĩnh thì có. Tôi không muốn vô cảm với đồng loại. Bởi vì cháu nó đáng tuổi con mình, tài sản không biết là đáng giá bao nhiêu, nhưng bị hai thanh niên to khỏe tấn công và cướp thì mình không thể làm ngơ.
Thượng tá Lê Đức Đoàn. Ảnh: Thùy An
- Ông có mấy người con?
- Tôi có hai đứa. Tôi rất tự hào về hai đứa con. Cháu lớn đã tốt nghiệp đại học, còn đứa em hiện là sinh viên năm thứ hai. Vợ chồng tôi luôn giáo dục cho con phải cố gắng học và học hành đến nơi đến chốn.
Vợ tôi làm công chức nhà nước. Gia đình không phải là sung túc, cũng không có nghề tay trái làm thêm, chỉ hoàn toàn dựa vào đồng lương theo cấp bậc hàm và theo thời gian công tác.
- Hiện tại lương của ông được bao nhiêu một tháng?
- Lương thượng tá được hơn 10 triệu cộng với khoảng hai triệu tiền thương binh thì được hơn 12 triệu đồng.
- Mức lương đó mà sống ở Hà Nội và nuôi hai con học hành thì không phải là dư giả?
- Không dư giả, đặc biệt là nuôi hai đứa con ăn học. Hai con tôi đều học trường chuyên, thi đại học điểm rất cao. Tôi rất yên tâm và rất hài lòng. Tôi coi đấy là tài sản cực kỳ vô giá. Tôi tự hào, ngẩng cao đầu vì các con, mặc dù có thể là tôi nghèo.
- Nhưng mức lương đó cũng chỉ mới đây mới có, trước đây thì có lẽ thấp hơn nhiều. Ông có bao giờ bị vợ cằn nhằn về chuyện tiền nong?
- Không. Vợ tôi là người biết chi tiêu, biết liệu cơm gắp mắm. Nhà tôi không dư giả, đến giờ tôi vẫn đi xe Wave S, con tôi cũng thế, cũng đi xe Wave S. Để đủ sống thì cũng phải tiết kiệm, chứ chi tiêu quá đà cũng không được.
- Người ta hay kêu chuyện CSGT nhận hối lộ, ông đã bao giờ nhận hối lộ chưa?
- Tôi nói thật là chưa, vì tôi rất thương đồng loại. Tôi không thể.
- Đó là một việc rất khó, ông nghĩ sao về những người nhận hối lộ?
- Đó là một câu hỏi khó. Tôi không thể phủ nhận. Ai cũng biết có những nơi, có những người khi thực thi công vụ gây khó khăn bức xúc cho nhân dân. Đấy chỉ là những con sâu. Anh thử tưởng tượng, nếu một ngày, một giờ không có lực lượng CSGT trên đường thì trật tự an toàn giao thông và xã hội như thế nào. Mình cần phải có cái nhìn toàn diện như thế.
- Điều đó đúng, nhưng dù sao trong xã hội hiện nay, những người như ông là hiếm, không phải tự nhiên người ta tặng ông danh hiệu công dân ưu tú. Ông nghĩ thế nào về đồng tiền?
- Lương của mình được nhà nước phát theo quân hàm, thời gian và chế độ thương tật. Tôi rất trân trọng đồng lương đó.
Nhưng hỏi tôi tiền có quan trọng không? Không quan trọng lắm.
Tôi cảm thấy hai vợ chồng làm công chức với đồng lương như thế là đủ rồi. Đủ chi tiêu trong điều kiện của mình cho phép. Ai chả muốn đi ô tô, ai chả muốn có nhiều tiền, ai chả muốn cho con đi du học. Hoặc người trẻ ai chả muốn được mặc bộ quần áo đẹp. Lấy đâu ra? Mình không thể làm điều sai. Phải theo điều kiện cho phép.
Tôi theo điều kiện đồng lương của mình được lĩnh hàng tháng. Đó là chọn lựa, mỗi người chọn cho mình một giá trị riêng.
- Tôi quan sát thấy nhiều người qua đường mỉm cười, vẫy tay chào ông. Thấy ông thường nhắc nhở người đi đường đội mũ bảo hiểm, đi đúng làn đường thay vì bắt họ lại. Tại sao ông làm vậy?
- "Phải là người lao động chân chính", Lênin nói vậy. Người công an chân chính phải có trái tim nồng ấm, có đầu lạnh và có bàn tay sạch. **** mình đang cố làm. Tôi cũng đang cố gắng làm. Các anh cũng thế, còn trẻ cũng phải cố gắng. Tôi nghĩ rằng là, trong xã hội có rất nhiều người như tôi chứ không phải ít.
Còn về chuyện nhắc nhở, nhiều người ở nông thôn ra họ không biết đường, mình chỉ cho người ta, bác phải đi đường này, đường kia. Tôi coi đó là phận sự. Tôi cũng nói với các con tôi như thế. Tôi làm được điều đó là vì tôi có trái tim nồng ấm.
Nhiều người cứ đi qua đường gặp là “Chú Đoàn! Cháu chào chú!”. Tôi cảm thấy đó là phần thưởng lớn nhất mà nhân dân ban tặng cho. Như chuyện tôi cứu người tự tử, chủ yếu là do dân báo. Làm ở đây tôi có thể ngẩng cao đầu vì được dân tin, mến.
- Có bao giờ các con ông phàn nàn về chuyện nhà không được bằng bạn bằng bè, kinh tế không được dư giả?
- Con tôi nó hiểu. Hai đứa nó ngoan lắm. Cả hai đứa đều học đại học dân sự. Con trai thi 25,5 điểm. Con gái thi 25,5 điểm, á khoa của trường. Tôi tự hào lắm.
Rất nhiều người, sau khi tôi được công dân ưu tú thủ đô, kể cả trước đây nữa, biết tôi là thương binh, trái gió trở trời, tôi ốm nghỉ mấy hôm, không đi làm, là người ta gọi điện hỏi thăm. Có những người có điều kiện kinh tế, người ta có quà biếu, nhưng tôi không nhận, chỉ cảm ơn.
- Ông có bao giờ gọi điện thoại để cứu xe?
- Đây cũng là chuyện khó nói. Ai chả có người nhà, người thân, người quen. Có, chứ không phải không. Người thân ở nông thôn ra, có những lúc lầm lỡ đi nhầm đường thì mình bảo: "Thôi, mình ở đây mình nhắc nhở người ta. Mong các bạn chiếu cố". Tôi không thể phủ nhận chuyện đấy.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Zing.vn / Infonet.vn