“Con ông cháu cha”, là con cháu của những người có uy quyền. Nếu chúng ta chia thành ngữ này ra làm hai thì sẽ thấy không có gì là trái khoáy cả. “Con ông” là con của những ông “hét ra lửa” phần đời, còn “cháu cha” là cháu gọi bằng chú hoặc bằng bác của những vị “mửa ra khói” trong phần đạo.
Theo đấy, chúng ta có thể đoán đây không phải là một thành ngữ cổ, có lẽ nó chỉ xuất hiện khoảng 100 năm trở lại đây thôi, từ nửa cuối thế kỷ XIX, lúc người Pháp dưới chiêu bài bảo vệ các cha cố giảng đạo ở Việt Nam đã đem quân xâm chiếm nước ta. Tuy không nên vơ đũa cả nắm nhưng phải nói là trong số các giáo sĩ Tây phương có mặt hồi ấy ở Việt Nam đã có những vị đóng vai trò cố vấn bày mưu tính kế cho đạo quân xâm lược. Ăn theo các giáo sĩ phương Tây là khá đông những cha cố người Việt ở các làng các tỉnh, như linh mục Trần Lục thường gọi là Cha Sáu. Những người lính “áo dòng” này làm việc đắc lực cho Pháp, rất được họ tin dùng, ban cho nhiều quyền hành nên nghiễm nhiên trở thành những ông quan “áo dòng” ở các địa phương. Một người làm quan cả họ được nhờ. Các cha cố không có vợ con nhưng có những thân thích gọi họ bằng chú bằng bác. Thế là một hạng “cháu cha” được hình thành, tha hồ bắt nạt, hà hiếp dân đen. Người dân thời ấy dưới sự áp bức song hành của bọn quan lại thối nát của triều đình và của nhóm tân quan “áo dòng” với sự hỗ trợ của đám “cháu cha” đã cay đắng để lại cho chúng ta thành ngữ “Con ông cháu cha” mà chúng ta đang sử dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày.
Cũng nên biết là trong tiếng Pháp có danh từ “népotisme” nói về việc một vài vị giáo hoàng ngày xưa ở châu Âu vì tình thân thích đã lạm dụng quyền hành ban rất nhiều đặc quyền đặc lợi cho đám cháu gọi mình bằng chú bằng bác. Đây là một truyền thống không tốt đẹp gì, nhưng thỉnh thoảng vẫn bị các chức sắc trong giáo hội lợi dụng và vô tình làm giàu thêm cho kho tàng thành ngữ dân gian của chúng ta.