Có “bàn cân” xe, quốc lộ 5 thưa vắng bất thường
(Dân trí) - Ngày 9/4, Tổng cục Đường bộ phối hợp Cục CSGT đường bộ - sắt Việt Nam ra quân kiểm tra và xử phạt xe quá tải trên quốc lộ 5. Tuy nhiên khi “bàn cân” được đặt xuống cũng là lúc các phương tiện vận tải, đặc biệt là xe container “tự nhiên” thưa vắng.
Sau một ngày làm việc cật lực, lực lượng chức năng chỉ phát hiện được dăm ba trường hợp vi phạm.
CSGT yêu cầu một xe dừng kiểm tra tải trọng
Biết chắc nếu chạy xe là bị bắt
Sáng 9/4, trên quốc lộ 5, tại Km79 + Km80 thuộc địa phận xã Lê Thiện, huyện An Dương, TP Hải Phòng, các nhà chức năng đã tiến hành đặt trạm cân di động. Đây là tuyến giao thông quan trọng nối Hải Phòng - Hà Nội. Vậy mà ngày 9/4, họa hoằn lắm mới có xe tải, xe container lưu hành qua đây. Nếu có cũng chở hàng ít hơn. Sự thưa vắng này thật khác thường!
Điều này cho thấy các doanh nghiệp vận tải đều đã nắm được thông tin về đợt ra quân xử phạt xe quá tải nên đã tìm cách đối phó lực lượng chức năng.
Anh Nguyễn Minh Văn, chủ một doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội có gần 50 đầu xe tại Hải Phòng, cho biết: “Cả đêm qua mất ngủ vì biết chắc nếu các đầu xe hôm nay chạy trên tuyến đường này sẽ gặp chuyện. Vì đến bây giờ doanh nghiệp cũng không biết nhà nước áp dụng hình thức cân trọng lượng nào. Nếu áp dụng cân đầu trục thì đa số xe của các đơn vị vận tải vi phạm, như đối với xe container, phần đầu xe quá nhẹ tải nhưng phần hàng lại quá tải. Hay ví như đối với hàng đông lạnh, các đầu xe gắn hệ thống làm lạnh nặng hàng tấn nên làm sao tránh không bị tuýt còi?”.
Ông Bùi Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên vận tải Tân Đức Thành Hải Phòng nêu ý kiến, doanh nghiệp của ông được thuê vận chuyển các container từ cảng biển lên đường bộ. Số container này đều từ nước ngoài, đã được kẹp chì, theo tiêu chuẩn quốc tế. Tính trung bình 1 container 40 feet có trọng lượng 32 tấn, cộng với trọng lượng xe khoảng 20 tấn. Như vậy chưa lưu hành cũng biết phương tiện vi phạm trọng tải rồi.
Một xe đầu kéo có hai khoang chứa container nhưng chỉ chở 1 container
Không thể phạt tiền xong rồi lại cho đi
Sự “bối rối” của các doanh nghiệp vận tải là có nguyên nhân. Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng nói, xử lý nghiêm tình trạng quá tải là đáng làm và phải làm dứt điểm. Tuy nhiên hiện nay chúng ta có cân quá tải, có phạt nhưng chưa có thiết bị nâng hạ tải và bến bãi tập kết, bảo quản hàng hóa sau xử lý. Như vậy phát hiện rồi phạt tiền. Phạt tiền xong lại cho đi thì đường vẫn hỏng, nguy cơ tai nạn vẫn tiềm tàng.
Hơn nữa tiêu chuẩn tải trọng của các feet hàng từ nước ngoài là tiêu chuẩn cho phép trên tuyến đường của họ. Khi về Việt Nam tải trọng cho phép khi lưu hành giảm hẳn. Doanh nghiệp vận tải không thể tự ý tháo dỡ hàng. Như vậy trong vấn đề này đang thiếu một sự đồng bộ, sự hợp lý để việc xử phạt phương tiện chở quá tải đạt hiệu quả và mang lại yếu tố bền vững.
Cùng quan điểm, Đại tá Bùi Đình Chiến - Trưởng phòng CSGT Hải Phòng - trao đổi, việc triển khai các trạm cân di động là cần thiết để bảo vệ các tuyến đường trước sự tàn phá của xe quá tải. Tuy nhiên, nên chọn nơi gần cảng để đặt trạm cân, sẽ thuận tiện cho việc hạ tải và bảo quản hàng hóa. Việc đặt trạm cân di động tại nơi xa cảng sẽ phát sinh nhiều chi phí như thuê kho bãi, phương tiện hạ tải. Nếu phát hiện quá tải thì dứt khoát phải hạ tải. Còn nếu chỉ nộp tiền phạt rồi cho đi việc xử phạt không có ý nghĩa.
Ngày đầu tiên ra quân kiểm tra, xử lý xe vi phạm quá tải trên tuyến quốc lộ 5, lượng xe tải lớn, xe container lưu thông trên đường rất thưa thớt. Trong khi đó tại các cảng của Hải Phòng, nhất là cảng Chùa Vẽ, xe container đậu kín các kho bãi. Xe tải, xe container cũng dạt vào đậu tạm đầy trên đường. Đây là động thái đối phó của các doanh nghiệp vận tải.
Xe quá tải nằm chờ "hết cân thì chạy"
Một lái xe đang cho xe đậu trên đường 5 đoạn qua Quán Toan nói: “Tôi đang cho xe tạm chờ, đến khi nào hết cân thì chạy”.
Theo kế hoạch, đợt kiểm tra, xử lý này sẽ kéo dài 20 ngày (9 - 28/4). Không biết các doanh nghiệp “đối phó” được bao lâu? Việc này sẽ tác động xấu tới hoạt động kinh doanh và xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp sản xuất, cũng như các doanh nghiệp vận tải.
Ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết, trước mắt cơ quan chức năng chủ yếu xử lý các phương tiện chở tổng trọng tải quá mức cho phép. Đối với hình thức xử phạt xe cân đầu trục, ban đầu sẽ nhắc nhở, yêu cầu viết cam kết không tái phạm, tuyên truyền, sau đó mới xử phạt.
Thu Hằng