Cuba xách dép cho Đan Mạch cụ ơi! 100 năm nữa chưa bằng. Cuba được bảo hiểm y tế toàn dân nhưng chất lượng bảo hiểm y tế thì thấp.
Lương bác sỹ ở Cuba làm bệnh viện công là 50 đô/tháng, lương bác sỹ ở Đan Mạch 12,000 đô mỗi tháng. Bằng nhau về cái gì?
Chất lượng bác sỹ Đan Mạch tốt hơn đẳng cấp hơn Cuba rất nhiều.
Bệnh viện Đan Mạch có các trang thiết bị tối tân mà bệnh viện Cuba không thể có được. Lấy tiền đau mà mua sắm nhiều thiết bị trị giá hàng triệu đô?
Cuba thiếu thốn đến mức không đủ khả năng chi trả rất nhiều xét nghiệm định kỳ, và các xét nghiệm y tế đắt tiền.
Thuốc men thì toàn loại rẻ đừng có mơ được dùng thuốc tốt với BHYT ở Cuba nhé.
Còn về giáo dục ư? Cũng chỉ có điểm giống nhau về "miễn phí" từ phụ huynh, chi trả từ public money, nhưng chất lượng thì rất khác nhau. Giáo viên Cuba nhận lương 30 usd/mỗi tháng. Với mức lương đó thì không thể có nhiều giáo viên tốt được. Người có năng lực không làm việc với mức lương 30$/tháng. Giáo viên như thế chỉ đủ năng lực xóa nạn mù chữ toàn dân mà thôi.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận hệ thống y tế tốt nhất thế giới là ở Cuba. Cuba có chuẩn y tế rất cao, hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện cho mọi người dân, hoàn toàn miễn phí, cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng cao, ưu tiên phòng bệnh và chữa bệnh giai đoạn sớm.
Phương Tây phải học tập nền y tế Cuba
Ngọc Ý
Các bác sĩ và nhân viên y tế Cuba dỡ các thùng thuốc và dụng cụ y tế cứu trợ tại sân bay Freetown, Sierra Leone, tháng 10-2014.
(TBKTSG) - Sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế hơn nửa thế kỷ với Cuba, có một làn sóng háo hức tìm cơ hội đầu tư và làm ăn với đất nước này, cũng như một làn sóng khác cảnh báo sẽ có nhiều cản trở, nhiều khó khăn, bởi hạ tầng lạc hậu, bộ máy chính quyền chậm chạp... Thế nhưng có ít nhất một lĩnh vực ở Cuba mà các nước tiên tiến nhất cũng phải học hỏi, đó là y tế.
Ngoại giao y tế
Các bản tin từ phương Tây vẫn mô tả Cuba như một nước vô cùng nghèo, yếu kém về mọi mặt kinh tế và xã hội, do ảnh hưởng của lệnh cấm vận kinh tế từ Mỹ. Tuy nhiên, báo chí đã có “cái nhìn ngạc nhiên” khi Cuba là đất nước gần như khởi xướng và gửi nhân viên y tế tham gia chống lại dịch Ebola ở Tây Phi sớm nhất, đông nhất. Tờ Forbes bình luận, dường như có nhiều điều mà phương Tây có thể học được từ Cuba, nhất là lĩnh vực y tế.
Cuba có một lịch sử lâu dài của hoạt động tình nguyện quốc tế và ngoại giao y tế với đội quân áo trắng của họ. Cuba có 50.000 nhân viên y tế được triển khai trên toàn thế giới, cả trong mọi lĩnh vực lẫn với vai trò đội phản ứng khẩn cấp.
Ví dụ, tổ chức Operation Miracle của Cuba đã thực hiện các cuộc phẫu thuật đục thủy tinh thể và điều trị khắp Nam Mỹ, khôi phục lại thị lực cho gần 3,5 triệu người qua nhiều năm, đổi lại họ tiếp nhận vốn, trợ cấp dầu, và đầu tư. Họ đã cung cấp dịch vụ chăm sóc cũng như phòng chống bệnh sốt rét ở châu Phi, đã giúp đỡ 40% nạn nhân ở Haiti sau trận động đất năm 2010 và bệnh dịch tả theo sau đó. Năm 2005, với trận động đất ở Pakistan, Cuba gửi 2.400 nhân viên y tế đến và chữa trị cho hơn 70% nạn nhân ở Pakistan, để lại 32 bệnh viện dã chiến và hàng ngàn học bổng y khoa cho đất nước này...
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, nói về các nhân viên y tế tình nguyện Cuba: “Họ luôn là những người đầu tiên đến và người cuối cùng rời đi. Họ vẫn còn ở lại sau các cuộc khủng hoảng. Cuba có thể tự hào về hệ thống chăm sóc sức khỏe của mình, một mô hình tiêu biểu cho nhiều quốc gia”.
Tương tự, việc đào tạo bác sĩ cho các nước kém phát triển đã là mục tiêu lớn của người Cuba, với 2.000 sinh viên tốt nghiệp y khoa mỗi năm ở Đại học Escuela Latinoamericana de Medicina (ELAM). Theo Giáo sư Robert Huish của Đại học Dalhousie, số bác sĩ mà Cuba gửi đến hỗ trợ các nước kém phát triển nhiều hơn số bác sĩ đến từ các nước G8 cộng lại, cụ thể là khoảng 20% trong số 68.600 nhân viên y tế của nước này.
Tinh thần thiện nguyện thể hiện rõ nhất qua những hành động của họ trước dịch Ebola chết chóc ở Tây Phi. Trong khi Mỹ chỉ gửi đi 170 nhân viên y tế, thì Cuba gửi 461 bác sĩ và y tá, nhiều nhất trong số các quốc gia gửi nhân viên y tế đến hỗ trợ Tây Phi. Đó là chưa kể các tình nguyện viên của Tổ chức Bác sĩ không biên giới, các nhóm truyền giáo và hàng trăm tình nguyện viên đang chuẩn bị lên đường. Đây là con số khá ấn tượng nếu so sánh sự chênh lệch dân số của hai nước: dân số Cuba chỉ đạt hơn 11 triệu, trong khi Mỹ là 317 triệu.
Theo The Guardian và The New York Times, chính tinh thần tình nguyện y tế của Cuba, nhất là trong việc chống lại đại dịch Ebola, cùng những thành tích ấn tượng về y tế của nước này là một trong những nguyên nhân chính khiến cộng đồng quốc tế đưa ra áp lực đòi hỏi lệnh cấm vận kinh tế với Cuba phải được dỡ bỏ.
Những bài học về hệ thống y tế
Hệ thống y tế Cuba tập trung mạnh vào phòng bệnh, sử dụng các phương tiện kỹ thuật thấp nhưng đặc biệt hiệu quả. Giáo dục được ưu tiên hàng đầu, nhất là giáo dục về chăm sóc sức khỏe ban đầu và sức khỏe tình dục, thuốc tránh thai được miễn phí. Chăm sóc y tế phổ thông được miễn phí, mọi người đều có y tá và hộ lý gia đình.
Từ những năm 1980, Cuba đã đưa ra chương trình bác sĩ gia đình, trong đó các nhân viên y tế, bác sĩ phụ trách từng khu vực dân cư và chịu trách nhiệm về các vấn đề giáo dục y tế và y tế dự phòng cho khu vực này, với tỷ lệ 1 nhân viên y tế trên 159 người dân!
Chính chiến lược tập trung vào giáo dục và y tế dự phòng, tận dụng các nguồn lực này đã khiến y tế Cuba trở thành nền y tế hiệu quả nhất, bảo đảm mọi công dân nghèo nhất đều tiếp cận được với dịch vụ y tế.
Trong khi Mỹ đứng thứ 3 thế giới về chi trả cho chăm sóc y tế, tiêu tốn 17,9% GDP cho y tế (năm 2011), Cuba chỉ tiêu 10% GDP của mình cho y tế, ngang với Na Uy, Thụy Điển, Anh và Canada.
Mỹ thu lại gì từ khoản đầu tư tài chính khổng lồ này? Không nhiều lắm. Tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong ở Cuba (4,2 trên 1.000 trẻ) thấp hơn ở Mỹ; tỷ lệ trẻ chết dưới 5 tuổi cũng rất thấp; tuổi thọ bình quân thì tương đương với Mỹ (78 tuổi) và cao hơn đến 30 năm so với tuổi thọ bình quân của đất nước Haiti láng giềng. Đó là những gì Cuba đạt được với sự cách biệt giàu nghèo rất lớn giữa hai nước.
Dù có đồng ý hay không về y tế phổ thông hay chương trình y tế nhà nước bao cấp, ở Mỹ vẫn có sự cách biệt lớn về tiếp cận y tế. Một nghiên cứu mới đây của NPR and Propublica nhấn mạnh rằng các bệnh viện thường tính tiền bệnh nhân nghèo nhiều hơn bệnh nhân có bảo hiểm. Nghiên cứu này cũng phát hiện các bệnh viện phi lợi nhuận còn trừ lương của người nghèo ở nhiều bang. Bệnh viện Heartland là một ví dụ, đã lấy đi 25% tiền lương sau thuế của một bệnh nhân cộng với 9% lãi suất, khiến họ thành con nợ suốt đời.
Theo WHO, hệ thống y tế của Cuba được công nhận trên thế giới là xuất sắc và hiệu quả, đáng để mọi đất nước học hỏi. Bất chấp nguồn lực hạn chế và ảnh hưởng của lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đối với đất nước này, Cuba vẫn bảo đảm mọi thành phần dân chúng đều có thể được chăm sóc y tế tương tự như các nước phát triển. Năm 2014, Cuba giữ ghế thứ 67 trong Hội đồng Y tế thế giới.
Y tế dự phòng và bao cấp y tế chỉ là một phần câu chuyện. Trước hết, sự phối hợp các chính sách y tế địa phương, khu vực và ở mức quốc gia luôn được ưu tiên. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc phòng chống và đẩy lùi bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, sự kết hợp các hoạt động đa ngành được điều phối chặt chẽ. Sự thiếu phối hợp, hay liên kết yếu giữa các ngành, các cơ quan y tế với nhau sẽ trở nên nguy hiểm, có khi chết người.
Điều này có thể được chứng minh với chuyện, Cơ quan Phòng chống dịch của Mỹ (CDC) vẫn để y tá đã nhiễm Ebola từ bệnh nhân Thomas Duncan ở Dallas, đi trên một chuyến bay thương mại.
WHO cho rằng người ta kết luận người dân trên thế giới không tiếp cận với y tế là do thiếu thốn các nguồn lực, nhưng thực tế, đó là do những người lãnh đạo các chính phủ thiếu cam kết chính trị bảo vệ công dân yếu thế nhất của họ về mặt y tế. Và Cuba chính là một ví dụ xuất sắc về chính sách cam kết đó.
Trong chuyến thăm Havana tháng 7, Margerat Chan, Giám đốc WHO nói, Cuba là đất nước duy nhất có hệ thống y tế gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và phát triển. Đó chính là con đường đúng đắn, bởi sức khỏe con người chỉ có thể tốt hơn nhờ đổi mới. Bà cũng khen ngợi nỗ lực của những người lãnh đạo đất nước đã coi y tế là trụ cột của phát triển.
Rõ ràng nhiều thứ ở Mỹ còn là niềm mơ ước và không có sẵn ở Cuba, nhưng có thể nói về y tế ở đây đã đạt được với một mức độ hiệu quả nhất so với chi phí của xã hội.
Một trong những đặc điểm khác biệt lớn nhất giữa của hệ thống y tế Cuba và Mỹ cũng như các nước phương Tây là các nước này tập trung vào chữa bệnh hơn là phòng bệnh. Điều này tạo ra những thị trường khổng lồ và béo bở cho các nhà sản xuất các loại trang thiết bị, dụng cụ khám, xét nghiệm, cũng như các loại thuốc đắt tiền.
Và như tờ The Guardian nói, hệ thống y tế Cuba có thể “làm nước Mỹ phải xấu hổ”.