Mỹ cũng bắt chước Việt Nam
Bê bối chạy điểm thi ở Mỹ: 33 phụ huynh đã ra hầu toà
Trong số 50 người bị buộc tội, có 33 phụ huynh đã phải ra hầu tòa và nếu bị kết án, cái giá mà họ phải trả cũng rất nghiêm khắc.
Vụ chạy điểm thi gây rúng động nước Mỹ
Vụ bê bối chạy điểm thi tại Mỹ bị phanh phui hồi đầu tháng 3 vừa qua gây rúng động bởi các phụ huynh chạy điểm cho con em họ là những ngôi sao hàng đầu của Hollywood như Felicity Huffman hay Lori Loughlin, những ông chủ của các tập đoàn lớn như Greg Abbot và vợ Marcia Abbot, nhà sáng lập của International Dispensing; Jane Buckingham, CEO của Trendesa; Gordon Caplan là đồng chủ tịch công ty luật Willkie Farr & Gallagher; Douglas Hodge, cựu CEO công ty quản lý quỹ đầu tư Pimco; William McGlashan Jr., giám đốc điều hành TPG Capital; Agustin Huneeus, doanh nhân ở Thung lũng Napa.
Hơn thế nữa, các trường mà họ muốn con em họ được vào đều là những trường nổi tiếng về bề dày truyền thống giáo dục và tuyển lựa sinh viên khắt khe như Đại học Yale, Đại học Georgetown, Đại học Stanford, Đại học Nam California (USC) và Đại học Texas.
Chính vì thế, họ không ngần ngại chi tổng cộng 25 triệu USD cho William Rick Singer, kẻ chủ mưu vụ này, dưới hình thức các khoản từ thiện vào quỹ Key Worldwide Foundation để hắn lo lót tiền cho những người có liên quan. Trong đó nổi bật nhất là Igor Dvorskiy, hiệu trưởng của một trường tư ở Los Angeles, bởi ông này nắm quyền quan trọng trong các kỳ thi ACT (thi chuẩn hóa năng lực) để quyết định việc vào đại học ở Mỹ.
Những đối tượng sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc
Theo các công tố viên Mỹ, Singer sẽ phải nộp phạt ít nhất 1 triệu USD và nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với mức án 25 năm tù.
Cũng theo các công tố viên Mỹ, trong số 50 người bị buộc tội, có 33 phụ huynh đã phải ra hầu tòa và nếu bị kết án, cái giá mà họ phải trả cũng nghiêm khắc không kém gì Singer. Những người dính líu sâu vào việc chạy điểm hoàn toàn có thể bị kết án tới 20 năm tù. Tuy nhiên, nếu chịu hợp tác và nộp khoản tiền phạt 20.000 USD, họ sẽ được đề xuất giảm nhẹ mức án tù.
Làn sóng tẩy chay những ngôi sao mua điểm
Dù đã lên tiếng xin lỗi người dân Mỹ về hành vi sai trái của mình, các ngôi sao Hollywood cũng không tránh khỏi làn sóng tẩy chay các sản phẩm có sự tham gia của họ. Felicity Huffman là người bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi bộ phim hài lãng mạn Otherhood mà cô thủ vai chính đã bị Netflix dừng lịch công chiếu vào ngày 26/4 vừa qua. Theo giới quan sát, động thái này của Netflix là nhằm xoa dịu “cơn giận dữ của đa số phụ huynh người Mỹ khác trước những bất công mà Huffman và những sao Hollywood khác gây ra cho con cái của họ”.
Nhiều ngôi sao hàng đầu Hollywood cũng đã phản ứng gay gắt trước bê bối gian lận thi cử mà các đồng nghiệp của mình có liên quan. Nghệ sĩ hài Ben Dreyfuss không ngần ngại mỉa mai: “Tôi vào đại học theo cách rất cổ điển: Đó là để danh tiếng của cha mình làm hộ mọi thứ”. Nghệ sĩ Lena Dunham cũng thẳng thắn chỉ trích: “Tất cả những người có dính líu đến bê bối chạy điểm nên tự gom tiền thành lập một trường đại học “danh tiếng” của riêng mình và mời Lori Loughlin (1 trong những ngôi sao dính bê bối-ND) đến đứng lớp với nụ cười thật tươi”.
Lời chỉ trích rất sâu cay của nữ nghệ sĩ Lena Dunham dành cho người đồng nghiệp Lori Loughlin trên trang twitter cá nhân của cô.
Trong khi đó, các thí sinh có liên quan đến bê bối chạy điểm đều bị xử lý theo nhiều hình thức khác nhau. Theo đó, những học sinh đang nộp đơn vào các trường sẽ bị từ chối tiếp nhận, trong khi những sinh viên đã vào học sẽ bị xem xét cho thôi học tùy từng trường hợp cụ thể.
Thậm chí, một số huấn luyện viên thể thao có tên trong cáo trạng của các cơ quan điều tra Mỹ trong vụ việc này cũng đã bị các trường sa thải ngay lập tức. Cụ thể, đại học Stanford đã sa thải huấn luyện viên đội đua thuyền John Vandemoer. Ông này bị buộc tội nhận tiền để đưa học sinh vào chương trình đào tạo đua thuyền tại Stanford. Trong khi Đại học California tại Los Angeles (UCLA) cũng đã đình chỉ công tác đối với Jorge Salcedo, huấn luyện viên trưởng đội bóng đá của trường với lý do tương tự Đại học Stanford.
Dù vậy, với nhiều sinh viên tự thi vào các trường đại học bằng chính năng lực của mình, điều này là chưa đủ. Isabel Li, sinh viên trường đại học California chia sẻ: “Hàng nghìn sinh viên như tôi đã phải làm việc miệt mài, nhận vài công việc để làm một lúc, tham gia rất nhiều hoạt động vì cộng đồng và nỗ lực để đạt điểm cao bằng thực lực lại ít có cơ hội để vào những trường mà chúng tôi mơ ước chỉ vì những kẻ như họ”.
Cùng chung quan điểm với Li, Thomas David, một sinh viên Đại học Yale, bày tỏ sự thất vọng: “Tôi thấy thật buồn khi những người xứng dáng có một chỗ học tốt lại bị đẩy ra rìa bởi một lũ trẻ nhà giàu mà bố mẹ chúng sẵn sàng bỏ tiền để lót đường cho cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn cho chúng”.