Em có lưu bài viết em tâm đắc của 1 bạn Kiến trúc sư về chuyện này, bác đọc tham khảo nhé:
Phong thuỷ là một bộ môn “khoa học” đang chi phối đời sống của người dân và đặc biệt là chi phối hình thái đa phần các ngôi nhà Việt Nam hiện đại. Nhưng lại có một câu phổ biến trong ngành kiến trúc là “thầy phong thuỷ là KẺ THÙ của kiến trúc sư”. Tại sao lại có mối “thù hằn” mâu thuẫn lớn đến như vậy khi bản chất và thiên trách của cả hai đều là tạo lập môi trường sống tốt nhất cho chủ nhà? Bài viết theo quan điểm cá nhân này của tôi hy vọng sẽ là một góc nhìn trong sáng hơn cho các bạn, đặc biệt là các anh chị em chủ đầu tư đang và sắp có ý định xây dựng ngôi nhà cho mình.
---
Trước hết, theo tôi, phong thuỷ là một quan điểm không được giới khoa học chính thống công nhận, nhưng sự tồn tại của nó trong nhân dân hàng ngàn năm là sự công nhận và khẳng định giá trị tốt nhất về nó. Những bậc hiền sỹ lưu danh sử sách châu Á như Khổng Minh Gia Cát Lượng, Ngô Dụng, Lưu Cơ, hay của Việt Nam như Tả Ao, Nguyễn Bỉnh Khiêm, đều là những bậc thầy phong thuỷ.
Lần theo lịch sử xuất hiện và phát triển của phong thuỷ cũng là những dữ liệu dân gian truyền miệng mù mờ, nhưng có thể khẳng định cũng như võ công, phong thuỷ chia ra làm vô cùng nhiều “phái” với cách tính toán, “chiêu thức” và kết quả nghiên cứu hoàn toàn khác nhau dựa trên những nền tảng luận điểm khác nhau. Trong đó, luận điểm của phái Loan đầu – Lý khí là luận điểm thuận theo trời đất, thuận theo đặc điểm tự nhiên của khu đất, công trình, đã được những bậc vĩ nhân kể ở bên trên lấy làm cơ sở lý luận của mình.
Tóm tắt cho các bạn hiểu đơn giản, phái lý khí lấy điều kiện tự nhiên xung quanh làm cơ sở để xác lập các tính toán bố trí cho căn nhà, dựa trên khái niệm về “khí”, khái niệm cơ bản của từ “phong” trong chữ phong thuỷ. Khí tốt (sinh khí) sẽ làm cuộc cống trong căn nhà vừa khoẻ vừa tốt. Căn nhà hướng nào đón gió tự nhiên mát mẻ thì mở, hướng nắng nóng thì che chắn, đường xá xung quanh, sông ngòi sẽ quyết định cửa giả, góc view, bố cục căn nhà dựa vào những điều kiện sống tốt nhất tự thân của khu đất sẽ là cơ sở thiết kế cho căn nhà. Đây chính là những quy tắc thiết kế của chính kiến trúc hiện đại, kiến trúc bền vững, chứ còn gì xa lạ!
Đây cũng phải chăng chính là những kinh nghiệm cơ bản nhất mà dân gian đã lưu truyền bao đời nay? Chúng ta ai cũng biết những câu ca dao như “lấy vợ hiền hoà, làm nhà hướng nam”. Căn nhà Việt Nam đơn sơ qua ngàn năm thường chọn hướng nam để cất, chính là hướng đón gió mát lành mùa hè, ngược với hướng gió lạnh mùa đông, tránh nắng gắt trực tiếp Đông – Tây. Tất cả những quan điểm này tôi nghĩ bất kỳ ai đi học phổ thông cũng đã từng biết.
---
Nhưng thế kỷ 20 với sự xuất hiện của đô thị hoá, những toà nhà cao tầng bắt đầu mọc lên. Những khái niệm xây dựng hoàn toàn mới xuất hiện, mà phong thuỷ cổ đại không hề biết đến và có thể nhắc đến. Nhưng trời và đất, những quy luật tự nhiên vẫn vậy, không hề thay đổi. Những nhà xây dựng nhận ra là khi xây một toà nhà căn hộ cao tầng lên, những căn nhà quay về hướng tránh được nắng và đón gió mát vẫn là những căn hộ tốt nhất. Vậy những căn hộ còn lại, làm sao mà bán được khi mà một toà nhà chung cư quay tới đủ 8 hướng?
Vậy là những chủ đầu tư xây dựng bắt đầu tìm kiếm và lục lại những thứ lưu truyền trong quá khứ để tìm một lời giải “tâm linh” cho việc marketing bán hàng. Và “phong thuỷ bát trạch” (Bát trạch Minh Cảnh) là sự cứu cánh cho họ. Một phái phong thuỷ nhỏ lẻ ở vùng nông thôn Trung quốc, không có chỗ đứng so với các phái học thuyết phong thuỷ đình đám, chỉ tồn tại lưu lắt mới mấy trăm năm qua lấy năm sinh của gia chủ phối Bát quái ra cung phi bản mệnh và liên hệ với tám hướng để định cát hung – tốt xấu giữa căn nhà với người ở trong nhà. Mà cung phi bản mệnh là như thế nào? Cung phi chia ra làm đôi, định ra những người theo Tây Tứ Trạch và Đông Tứ Trạch. Vậy là hướng nhà nào cũng có người “hướng tốt”. Ngay cả những căn chung cư cao tầng quay ra hướng chính Tây, nắng nóng chói chang nay cũng trở thành những căn nhà bán chạy với những người “mệnh Tây”.
Chỉ vài chục năm ngắn ngủi vừa qua, dưới sự cổ xuý của giới bất động sản Hongkong, Đài Loan, Trung quốc, Singapore, Bát trạch đột ngột trở thành một phái phong thuỷ nổi tiếng và phổ biến hơn cả. Điều này cũng lan sang Việt Nam trong quá trình đô thị hoá tấp nập và trong giai đoạn được gọi là “Mạt pháp” trong tôn giáo, tín ngưỡng và những giá trị tinh thần.
Cũng bởi cốt lõi phi khoa học của Bát trạch (một căn nhà không hề được đảm bảo các điều kiện tự nhiên, không hề được bố trí logic, hợp lý mà chỉ cần tuân theo các nguyên tắc cứng nhắc của phái này về cái gọi là “hợp tuổi”) & sự quá đơn giản để ai cũng có thể thao thao phán về phong thuỷ (trong khi các lý thuyết về lý khí thực sự phức tạp hơn, cần kiến thức chuyên môn của kinh dịch hoặc am hiểu về khoa học, đời sống hoặc kiến thức về kiến trúc) nên sinh ra một thế hệ các “thầy phong thuỷ” tự phong phục vụ cho các “khách hàng mới”.
Chính thứ “phong thuỷ rởm”, “phong thuỷ nguỵ khoa học” này là kẻ thù của Kiến trúc sư!
Trong giới hành nghề hiện nay, không có nhiều thầy phong thuỷ có thể am hiểu về lý khí, loan đầu, tính toán được huyền không phi tinh. Chỉ với hai thông số duy nhất là Tuổi chủ nhà & Hướng nhà (thậm chí không thèm đến hiện trạng đo đạc khảo sát), có thể ngoáy ra một phương án kiến trúc “khủng khiếp” và phán tốt xấu. Kinh hãi nữa là khi các “thầy” có chiếc la kinh làm công cụ hành nghề, trông rất nguy hiểm (tôi đã từng mua 1 chiếc để nghiên cứu, nhưng bỏ không 7 năm nay). Chiếc la kinh không có tội, nhưng quá trình hành nghề thiết kế, tôi và nhiều anh em kiến trúc sư đã chứng kiến cảnh nhà đang vuông vắn phải quay ngẹo nhiều đồ đạc trong nhà, đặc biệt là còn làm bếp nấu lệch khỏi bàn bếp để “đúng góc tốt hướng tốt trong la kinh” tạo ra những thứ biến dị quái thai trong kiến trúc & cả đời sống.
Những cao thủ, những bậc thầy thật sự về phong thuỷ hiện nay vẫn còn không ít, nhưng đa phần là làm đào tạo ở những viện nghiên cứu, trung tâm uy tín, thực hiện những vụ lớn, những công trình lớn quy mô, hoặc rút về ẩn tự xem tự chiêm nghiệm cho mình và người thân là chính. Vậy là bỏ ngỏ gần như toàn bộ thị trường công trình vừa và nhỏ với chi phí tham khảo tư vấn thấp cho một bộ phận không nhỏ nguỵ phong thuỷ.
Căn nhà truyền thống là nơi cư ngụ cho nhiều thế hệ gia đình, an cư từ đời này sang đời khác. Vậy nếu ngày trước theo bát trạch, cứ mỗi khi cha mất con lên thành “chủ nhà”, căn nhà lại phải dời cửa, đổi bàn thờ, bố trí lại hết nhà cửa cho thuận theo “tuổi”? Không hề.
"Một căn nhà tốt là căn nhà bất kỳ ai cư ngụ cũng được an yên, và ngược lại một căn nhà bất hợp lý, trái với tự nhiên và những quy tắc thiết kế là căn nhà không dùng được cho bất kỳ ai."
Rồi quan điểm về hướng bàn thờ gia tiên. Hướng nhà luôn trùng với hướng bàn thờ, cũng là để thuận theo các nghi lễ. Các bạn vào đình đền miếu mạo, lăng tẩm cung điện hay các ngôi nhà Việt truyền thống sẽ thấy được điều đó. Vậy theo bát trạch, cứ một thế hệ mới lên vai chủ nhà là lại phải đập đi, di dời bàn thờ cho …đúng hướng tốt???
Thứ hai, cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại mấy trăm năm trước khi phong thuỷ bát trạch ra đời, nhà chỉ là nhà ở nông thôn 1 tầng, không có sự xuất hiện của cầu thang, thang máy, Wc khép kín trong nhà, xung quanh là sân vườn đồng ruộng. Căn nhà vuông vắn, rộng lớn. Giờ đem những thứ định hướng đó vào căn nhà phố, dăm bảy cạnh, xung quanh là đường xá tấp nập, hàng xóm và vô số điều kiện xã hội, hạ tầng mới mẻ nữa, chưa kể là tới những toà nhà cao ốc đồ sộ. Chỉ có một cách giải duy nhất là chính địa thế, chính bản thân khu đất mới đem ra lời giải tốt nhất về điều kiện sống của con người sống trong căn nhà đó. Những căn nhà phố vì vấn đề chen chúc của phố thị tạo ra những hình méo, cái hay cái giỏi của người thiết kế là tận dụng được mọi góc cạnh và biến hoá mọi góc cạnh đó hợp lý, chứ không phải là cắt đi 1/3 đất để ngôi nhà trở thành hình vuông vức nhàm chán cứng nhắc và tạo ra những không gian chết thừa thãi chỉ để “tránh thắt hậu” hay xoay vị trí WC và thang tùm lum không theo một trật tự nào. Tôi đã từng kinh hãi chứng kiến có những “thầy” phong thuỷ còn hoàn toàn không biết đọc hồ sơ bản vẽ kiến trúc khi phương án mới mẻ và hiện đại, vậy mà có thể đứng ra “phán” phương án cho cả Kiến trúc sư lẫn gia chủ.
Ép những khái niệm khiên cưỡng phi logic và phi nhân văn vào việc kiến tạo căn nhà là một tội ác với người sống trong căn nhà đó.
---
Không thể chỉ nhìn vào luận đoán của 8 cung Tốt - Xấu trong căn nhà mà đã vội vàng quy kết ra một cấu trúc nhà. Phong thuỷ, một tinh hoa của văn hoá Á Đông, cuối cùng cũng chung một mục đích như các thuật làm nhà phương Tây, cũng là để tạo một Môi trường sống tốt nhất cho con người. Và cuối cùng, nên nhớ rằng Phong thuỷ Dương trạch chỉ là 1 trong 5 yếu tố ảnh hưởng đến Sự thịnh vượng hạnh phúc của một con người (theo quan điểm của Kinh Dịch), và xếp thứ yếu cuối cùng. Đó là Phúc đức, chân Mệnh, Đức hạnh, Âm trạch (mồ mả) và Dương trạch. Nhà có “hướng đẹp” mà gia đạo vô phúc, bản thân kém cỏi làm điều xấu, đạo đức thấp kém, mồ mả không chăm lo thì kết quả cũng chẳng ra sao.
Kết lại bài viết khá dài này, là một câu nói của người thầy phong thuỷ đầu tiên của tôi trong buổi kết thúc khoá học cách đây 8 năm, ghi sâu vào đầu tôi. “Người làm phong thuỷ thật sự là người biết cách khắc chế, hoá giải được mọi trường hợp hình thế “xấu” của ngôi nhà để đem lại sự an bình cho chủ nhà, chứ không phải là chê bai, hù doạ, đem lại tâm lý lo lắng bất an cho chủ nhà”.