Kính thưa các cụ,
Nhân dịp phương tiện của nhà cháu cũng bị khóa đăng kiểm theo thông báo của CA tỉnh Hà Tĩnh. Mặc dù có cụ ủng hộ phạt nguội, có cụ không ủng hộ nhưng đứng ở góc độ pháp lý thì nhà cháu thấy ngành công an và ngành GTVT đang lạm quyền, tức đang hành xử vượt quá quyền của mình.
Nếu việc phạt nguội có đầy đủ cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi cho người dân thì nhà cháu rất ủng hộ. Tuy nhiên, hiện các quy định mà BGTVT đang áp dụng dường như cưỡng ép và đã bị Bộ Tư Pháp tuýt còi rồi mà vẫn bỏ qua.
Vẫn biết là con kiến kiện củ khoai nhưng nếu không hành động thì tư duy áp đặt người dân vẫn luôn hiện hữu ở các quan chức. Trước khi quyết định dự thảo văn bản này, nhà cháu cũng đã hỏi người trong ngành và được biết kết quả có chiều hướng như vụ cắm biển ở Cầu Giấy.
Tuy nhiên, theo xu hướng mà các cụ nhà ta ngày xưa làm trước khi quyết định đánh quân Nguyên Mông, nhà cháu xin thêm ý kiến của các cụ có nên khởi kiện vụ này ra tòa án không?
Kèm theo là dự thảo công văn gửi Cục đăng kiểm - BGTVT
Rượu nhà cháu đã chuẩn bị để tiếp nhiệt tình các cụ tham gia.
Do không up được file pdf nên nhà cháu xin paste nội dung dự thảo văn bản như dưới đây:
Kính gửi: [Điền vào đây]
Trên cơ sở thông tin từ các phương tiện và mạng xã hội về việc nhiều phương tiện đã bị từ chối đăng kiểm theo yêu cầu của cơ quan cảnh sát giao thông – Bộ Công An. Ngày [Điền vào đây], chúng tôi có kiểm tra về thông tin của phương tiện có biển đăng ký [ABC] và phát hiện có thông tin về tạm dừng kiểm định trong phần “Nội dung thông báo” theo CV [Điền vào đây] ngày [Điền vào đây] của Phòng CSGT DB-DS Hà Tĩnh.
Về vấn đề này, chúng tôi có ý kiến và đề nghị như sau:
Thứ nhất, mục đích của đăng kiểm theo Luật Giao Thông Đường Bộ là nhằm bảo đảm quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới khi tham gia giao thông đường bộ. Ngoài 02 mục đích này ra, không còn mục đích nào khác. Điều này cũng đã được Ông Đồng Ngọc Ba, ********** Cục Kiểm tra văn bản, đại diện Bộ Tư Pháp xác nhận.
Thứ hai, đơn vị đăng kiểm xe cơ giới được thành lập để cung cấp dịch vụ công là thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới. Xem xét Nghị Định 139/2018/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới cho thấy không có quy định nào yêu cầu hoặc bắt buộc Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới từ chối cung cấp dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới khi có nghi ngờ người điều khiển phương tiện cơ giới vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Thứ ba, Luật Giao Thông Đường Bộ không có quy định về việc phối hợp giữa ngành công an (Bộ Công An) với ngành giao thông (Bộ GTVT) về việc xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ ngoài trừ việc phối hợp bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cung cấp số liệu đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, dữ liệu về tai nạn giao thông và cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe (Điều 85.3 Luật Giao Thông Đường Bộ).
Thứ tư, trừ trường hợp quy định tại Điều 56 Luật Xử Phạt Vi Phạm Hành Chính (những trường hợp xử lý vi phạm hành chính không phải lập biên bản vi phạm), quy trình xử lý hành vi vi phạm hành chính bắt buộc phải được lập Biên bản vi phạm. Đặt biệt là Điều 56.1 Luật Xử Phạt Vi Phạm Hành Chính còn quy định rõ “
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.”. Tuy nhiên, đến nay Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ một thông báo, biên bản, quyết định xử phạt nào về hành vi vi phạm này.
Thứ năm, Luật Giao Thông Đường Bộ, Luật Xử Phạt Vi Phạm Hành Chính không quy định về trách nhiệm gián tiếp của chủ xe đối với người khác khi người đó điều kiển phương tiện cơ giới có hành vi vi phạm Luật Giao Thông Đường Bộ trừ các hành vi (i) để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2
[1] Điều 23 Nghị Định 46/2016/NĐ-CP; (ii) giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4
[2] Điều 23 Nghị Định 46/2016/NĐ-CP;
Thứ sáu, đối tượng của hoạt động đăng kiểm là xe cơ giới trong khi đối tượng của hành vi vi phạm là người điều khiển phương tiện xe cơ giới. Việc đăng kiểm xe cơ giới cho thấy phương tiện có đủ điều kiện tham gia giao thông hay không chứ không dựa trên nghi ngờ về hành vi vi phạm của người đã điều khiển phương tiện cơ giới đó. Như vậy, quý cơ quan đang nhầm lẫn về các đối tượng này và đang có dấu hiệu lạm quyền.
Thứ bảy, một trong các quy định cấm (không được thực hiện) trong kiểm định xe cơ giới là từ chối kiểm định cho xe cơ giới khi không có lý do chính đáng (Điều 4.1 Thông Tư 70/2015/TT-BGTVT). Mặc dù Cục Đăng Kiểm Việt Nam và (các) đơn vị đăng kiểm xe cơ giới áp dụng Khoản 6, Điều 4 Thông Tư 70/2015/TT-BGTVT để từ chối việc đăng kiểm. Tuy nhiên quy định này không phù hợp với Nghị Định 63/2016/NĐ-CP, Nghị Định 139/2018/NĐ-CP, Luật Giao Thông Đường Bộ, Luật Xử Phạt Vi Phạm Hành Chính và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Cụ thể là Luật Giao Thông Đường Bộ chỉ cho phép ********* Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện, tiêu chuẩn và cấp giấy phép cho cơ sở đăng kiểm xe cơ giới; quy định và tổ chức thực hiện kiểm định xe cơ giới, không hề cho phép ********* Bộ Giao Thông Vận Tải được quyền quy định “thêm” nội dung như Khoản 6, Điều 4 Thông Tư 70/2015/TT-BGTVT.
Thứ tám, đăng kiểm ngoài nghĩa vụ của chủ phương tiện còn là quyền được đảm bảo an toàn của chủ phương tiện khi đưa phương tiện vào tham gia giao thông. Do vậy, việc từ chối hay tạm dừng đăng kiểm được hiểu là xâm phạm quyền của chủ phương tiện theo quy định tại Điều 55.3 Luật Giao Thông Đường Bộ.
Cuối cùng, ngày [ ], ********** Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư Pháp cũng đã gửi văn bản số [ ] yêu cầu Bộ GTVT dừng áp dụng quy định tại Khoản 6, Điều 4 Thông Tư 70/2015/TT-BGTVT nhưng không nhận được sự hợp tác từ Bộ GTVT.
Bằng văn bản này, Chúng tôi đề nghị quý Cơ quan tiến hành gỡ bỏ ngay thông tin của phương tiện có biển đăng ký [ABC] trên hệ thống đăng kiểm của quý Cơ quan để Chúng tôi có thể thực hiện quyền đăng kiểm đối với phương tiện có biển đăng ký [ABC]. Trong trường hợp Chúng tôi không thể thực hiện quyền đăng kiểm đối với phương tiện có biển đăng ký [ABC], Chúng tôi sẽ tiến hành các bước tiếp theo để bảo vệ quyền của mình.
Trân trọng,
[1] Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt) thực hiện hành vi vi phạm: Chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ, chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ, chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ, chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này.
[2] Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300 km thực hiện hành vi vi phạm: Chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ, chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ, chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ, chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ.