Đây là nhật ký của em về chuyến hành trình trên đất Lào, giọng văn không hay và giờ chắc cũng đã thay đổi nhiều nhưng em cũng post để cccm tham khảo thêm:
LÀO, YÊN BÌNH VÀ THƠ MỘNG
19h30, ngày 05.06.2014, từ Hà Nội chúng tôi xuất phát đi du hý đất nước Lào, người anh em thân thiết của chúng ta. Đúng 6h sáng hôm sau chúng tôi đến cửa khẩu Cầu Treo, thuộc địa bàn huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Chúng tôi phải đợi đến 8h, giờ làm việc mới được làm thủ tục xuất cảnh để sang phía bên kia, cửa khẩu Nam Pao, huyện Khamkheuth, tỉnh Bolikhamxai, Lào.
Ấn tượng đầu tiên là đường ở Lào chất lượng khá tốt, nền đường rất nhẵn. Không lỗ chỗ, vá víu, nhiều ổ voi, ổ gà như đường miền núi ở ta. Mà có lẽ cũng chẳng riêng miền núi, ngay thủ đô mà ổ ma mút còn đầy rẫy. Và đặc biệt ít xe, thông thoáng. Hai bên đường thưa thớt người dân. Suốt con đường từ cửa khẩu về Vientiane, xuyên qua quá nhiều cánh rừng già thưa vắng bóng người là những căn nhà sàn làm bằng gỗ theo kiểu truyền thống, đơn giản nhưng phía dưới nhà sàn lại bóng loáng những chiếc xe hơi bán tải. Và trên dọc tuyến đường chúng em đi cơ man nào là Toyota Hilux, Prado, Huyndai Acent, Sonata, Stratex. chút lại gặp một chiếc xe sang Lexus.
Có đi ô tô trên đất Lào mới thấy dân Lào ít thế nào và đất Lào rộng ra sao, cũng phải lâu lâu mới bắt gặp một thị trấn nhỏ.
Vientiane đón chúng tôi bằng một trận mưa khá to, nặng hạt.
Vientiane, thủ đô còn ngái ngủ là một thành phố với những ngôi chùa hình chóp màu vàng và những khối kiến trúc Pháp bên dòng sông Mekong hùng vĩ, cạnh nước láng giềng Thái Lan.
Lịch sử của Vientiane cũng đơn giản như những người dân nơi đây. Được chính thức lập làm thủ đô của vương quốc Lan Xang (triệu voi) năm 1560. Đến năm 1827. Vientiane từng bị tàn phá bởi quân Xiêm và kể từ đó nó gần như bị lãng quên trong sự hoang tàn tiêu điều. Tới khi thực dân Pháp đô hộ, Vientiane trở thành thủ đô của nước Lào, thuộc quyền bảo hộ của Pháp. Nên ở thủ đô Vientiane, họ dùng tiếng Pháp là chủ yếu. Ngay bảng tên đường cũng được phiên âm bằng tiếng Pháp.
Những thập kỷ gần đây, nhiều thứ đã thay đổi một cách nhanh chóng. Ở Vientiane bây giờ xe bốn bánh, các cửa hiệu bán đồ cao cấp, các boutique là điều rất bình thường. Vậy mà vẻ ngoài của người Vientiane lại rất đỗi bình thường. Họ chẳng bao giờ vội vã trước bất cứ việc gì. Bởi thế Vientiane là nơi để đắm chìm vào một nhịp sống chậm rãi và bình thản, điều mà người ta không thể tìm kiếm ở thủ đô của nhiều nước châu Á bây giờ.
Những danh lam mà chúng tôi đã được đến thăm tại Vientiane:
Đền Wat Sisaket: ngôi chùa quan trọng nhất ở Vientiane và cũng là ngôi đền duy nhất còn sống sót sau những cuộc tàn phá năm 1827 mà không bị hủy hoại. Sauk hi Vientiane bị tàn phá bởi quân Xiêm, hầu hết cư dân Vientiane bị trục xuất sang Thái Lan. Nhưng ngay cả khi đã tan hoang, Sisaket cũng không bị ảnh hưởng. Wat Sisaket gây ấn tượng bởi những hành lang với các bức tường được trang trí bằng hơn 2000 hình ảnh Đức Phật bằng gốm sứ.
Pha That Luang, biểu tượng của Phật giáo tiểu thừa, được xây từ năm 1566. Chùa cao 45 thước, bao quanh là các tháp phụ, sơn thếp. Không chỉ có kiến trúc độc đáo, quý giá mà không gian tuyệt đẹp nơi đây đã thu hút rất nhiều du khách ghé thăm khi đặt chân đến Vientiane.
Haw Phra Kaew, ngôi hùa tọa lạc tại Setthathirath road, được xây dựng vào năm 1565 theo lệnh của vua Setthathirath. Không chỉ có kiến trúc cổ kính với mái tam giác thấp và hoành tráng, ngôi chùa còn lưu giữ bức tượng Phật ngọc được mang về từ Thái Lan và một khuôn viên vô cùng xinh đẹp, yên tĩnh. Ngôi chùa đá từng bị phá hủy và đến thế kỷ XIX trong cuộc chiến tranh với quân Siem và sau đó đã được vua Annouvong xây dựng lại y như bản cũ
Khải hoàn môn Patuxay, Patuxay trong tiếng Lào có nghĩa là chiến thắng. Được xây dựng từ năm 1958, phần dưới và ngoài mô phỏng theo đài Arc de Triumphe tại Paris, nhưng phần trên và trong gồm những nét kiến trúc, phù điêu đặc thù Lào.
Vườn Phật Buddha park cách Vientiane 25 km về phía Đông Nam, với hơn 200 bức tượng Phật giáo và các nhân vật trong Hindu giáo làm bằng bê tông. Nơi đây nổi bật với bức tượng Phật khổng lồ đang chống tay dài 40m, đây là 1 trong những điểm đến nổi tiếng của thủ đô.
Vientiane chưa có trung tâm thương mại và siêu thi theo đúng nghĩa nhưng bù lại có chợ sáng - Talat Sao rất to. Tên là chợ sáng nhưng chợ mở cửa đến 4h chiều, hàng hóa chủ yếu là đồ truyền thống và toàn bộ tầng trên là các quầy bán vàng bạc. Người dân Lào rất chuộng màu vàng và đồ mỹ ký vàng. Tóc họ cũng nhuộm vàng khè hay còn gọi là vàng lông bò.
Người Lào có tiếng là thân thiện, thật thà và đôn hậu nên khách có thể xem và mặc cả thoải mái mà không sợ họ tức giận. Tuy nhiên nếu ai chỉ định đi mua sắm thì không nên chọn Lào. Đồ trang sức mặc dù được ưa chuộng như vậy nhưng mẫu mã và kiểu dáng khá lỗi thời. Những mẫu dây chuyền và lắc tay, khi tôi còn học đại học thì ở Việt nam mình đã có và đã tinh xảo hơn rất nhiều. Quần áo cũng vậy, ngay giáp Thái Lan nhưng đa phần là hàng Trung Quốc lỗi mốt, có khi là hàng ế ẩm của các nước lân cận chuyển sang.
Để khám phá Vientiane, bạn có thể đi bộ hoặc thuê xe đạp, thứ bạn có thể dễ dàng thuê được ở bất cứ đâu trong thành phố với giá thuê khoảng 3$ hoặc thậm chí rẻ hơn. Nếu đi xa, bạn có thể đi tuk tuk (thay thế cho taxi. ( Ở Lào cho phép xe tải lắp thêm hai hàng ghế để chở khách, gọi là xe tuk tuk).
Khi mặt trời bắt đầu xuống bóng, người dân thành phố đổ ra bờ sông Mekong dạo mát. Những đám đông tập aerobic ngoài trời, bắp với thịt nướng xèo xèo trên than hồng và khu chợ bên sông nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Mùi vị hấp dẫn từ hàng trăm quầy đồ nướng ngoài trời dễ khiến khách đi bộ phải rẽ vào. Có thịt gà, thịt lợn, thịt bò nướng, tôm, cua nướng nhưng nhiều nhất vẫn là các loại cá nướng. Giá cả phải chăng. Vị của bia lào tuyệt ngon.
Lần đầu tiên uống bia Lào, có lẽ vì quá đói nên đắng miệng hay sao mà ngụm đầu tiên tôi uống thấy chẳng khác gì bia Việt Hà cả. Nhưng sau đó thì cảm nhận được bia Lào uống khá ngon, đậm và thơm.
Vientiane gần đây cũng đang chứng kiến sự bùng nổ của cuộc sống về đêm, với rất nhiều quán bar. Một trong những nơi thú vị nhất là Wine 95 (trên đường Satthathirath) với một sảnh khá sành điệu ở tầng trên. Gần đó Khop Chai Dew (cũng ngay tại góc đường Setthathirath và Nam Phou) lúc nào cũng đông như nêm cói, đây vốn là nơi dành cho tiệc tùng với dàn nhạc sống phục vụ hằng đêm.
Ngoài ra bạn có thể đi xem các trận Muay Thái. Nhưng đúng với bản tính của người Lào, những trận đấu không mang tính đối khánh cao mà giải trí nhiều hơn, có thể bắt gặp cả những người Lào cổ vũ bằng những điệu mua Lăm Vông.
Thành phố thứ 2 của Lào mà chúng tôi chọn đến là Luong Prabang. Cố đô Luong Prabang đã được UNESCO công nhận là di tích lịch sử và văn hoá của thế giới năm 1995 với nhiều di tích lịch sử, tôn giáo, chùa và làng cổ kính với những kiến trúc và chạm trổ độc đáo. Đặc biệt thác nước Kuang Si được ca ngợi như "viên ngọc xanh giữa rừng nhiệt đới".
Ở Luong Prabang bây giờ người Hoa là chủ yếu, chiếm đến 50% dân ở đây, còn lại 30% là người Lào, 20% còn lại là người Thái và người Việt. Trung Quốc đã mua hàng nghìn ha đất, sông hồ rồi cho dân làm trang trại trồng rau, nuôi gia súc không hiểu bán cho ai vì dân ở đây họ có cần đâu
Có thể nói Luong Prabang là vùng đất tiêu biểu, là linh hồn của đất nước Lào. Bởi vậy đã có không ít người cho rằng, chưa đến Luong Prabang coi như chưa đến Lào. Nằm lọt trong thung lũng rộng lớn và bằng phẳng, Luong Prabang là kết quả sự hợp long giữa dòng Nậm Khàn và dòng sông hùng vĩ Mekong. Chắc rằng sẽ chẳng có ai không bị cuốn hút trước vẻ đẹp thơ mộng đầy bí ẩn của một địa danh với những huyền thoại này.
Bạn có thể ghé thăm những ngôi chùa với đặc trưng mái chồng lớp, rêu phong cổ kính, cong vút những đầu đao đầu nóc hiện hữu nơi nơi trong thành phố nhỏ xinh này. Hoặc bạn có thể cưỡi voi, “đặc sản” trên đất Lào
Con voi tôi được cưỡi là voi cái, nàng mới 40 tuổi. Tôi đã chọn con voi to nhất, chẳng may lại là con ham ăn nhất. Nàng vừa đi vừa tha thẩn tìm đồ ăn. Chốc chốc nàng lại vục vòi vặt cây ăn, có lẽ vì ăn khá nhiều nên nàng voi của tôi coi mọi nơi, mọi chỗ đều là toilet riêng hết.
Thức ăn chủ yếu của voi là chuối, mía, dứa. Mỗi ngày một con voi có thể ăn hết 25 kg chuối
Đường phố khu trung tâm Lào rất sạch sẽ và thoáng đãng. Đi trên đường, tôi không thấy khói bụi ô nhiễm, cũng không thấy rác thải trên thành phố. Nhưng dù sao Lào cũng là một đất nước đang phát triển với tốc độ xây dựng cao nên những cung đường bao quanh các thành phố cũng không thể tránh khỏi khói bụi xây dựng và bụi đất đỏ, một đặc trưng của Lào.
Người Lào khi tham gia giao thông trên đường cũng chậm rãi, từ từ, không chen lấn, cũng không phóng nhanh vượt ẩu. Trong suốt quãng hành trình trên đất nước Lào, tôi không nghe thấy có những tiếng còi xe rú inh ỏi, không có sự vội vàng khi đi trên đường. Người Lào chấp hành luật giao thông thực sự nghiêm túc.
Một ngày làm việc của người Lào thường bắt đầu từ 9h sáng và kết thúc vào 16h30 chiều, kể cả ngành dịch vụ như trông coi bảo tàng hay có những nhà hàng, quán bar đóng cửa vào mỗi chủ nhật hàng tuần. Dường như cuộc sống của họ không bon chen, xô bồ cũng không có gì hối hả, vội vàng.
Người Lào yêu chuộng cuộc sống hiền hòa, êm ái. Và đây cũng là một trong những bản sắc của dân tộc Lào. Đứng trước mâu thuẫn, xích mích, người Lào thường có sự kiềm chế rất lớn. Họ thường ra chùa để nhờ nhà sư phân xử hộ. Những nơi đô thị, nơi tập trung như chợ búa, bến tàu, bến xe thường rất ít xảy ra cãi cọ, chửi bới, xô xát lẫn nhau.
Đa số tín ngưỡng Lào là đạo Phật, các chùa chiền rất nhiều và có những kiến trúc phức tạp mang đậm nét văn hóa tâm linh người Á Đông. Buổi sáng 5h, mọi người có thể ra đường xem lễ khất thực (một nét văn hóa đặc thù nhưng rất nổi tiếng ở Lào) sẽ thấy được sự trang trọng và rất thành tâm của những người dân nơi đây.
Tu hành là một bước ngoặt quan trọng đối với mỗi thanh thiếu niên Lào (nam giới). Việc đi tu trở thành tục lệ phổ biến đối với người Lào.
Người Lào rất quý con, dù trai hay gái. Đặc biệt những vùng có tục gửi rể, con gái được quý hơn.
Ở vườn, đất rất rộng nhưng người Lào không trồng nhiều rau xanh. Ngoài số rau ít ỏi trong vườn, trên nương rẫy, người Lào còn dựa vào nguồn hoa quả nữa.
Ớt là loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của người Lào. Ớt chín, phơi lên đem gác bếp để ăn quanh năm và ớt ở đây thì cay thôi rồi.
Do ăn xôi là chủ yếu nên người Lào hay ăn các món khô, đậm đà như xào, nấu. Hầu như người Lào thích ăn các món nướng, lùi. Từ rau xanh đến các loại quả, của người Lào đều ăn sống chứ không luộc.
Về cơ bản, món ăn Lào khá giống Việt Nam nên dễ thưởng thức và gần gũi. Các món không nên bỏ qua là các món nướng, lạp sưởn và xôi trắng.
Tuy còn nghèo và chưa phát triển nhưng Lào đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách về một đất nước xanh tươi và thanh bình, với những con người hồn hậu, chất phác. Nhiều người đã đến và cũng đã nhiều lần quay lại để được đắm mình trong những giây phút chậm rãi nhẹ nhàng, thanh thản trong vòng xoay gấp gáp của xã hội hiện đại.