5000 tỷ đồng cải tạo, quy hoạch cầu Long Biên thành bảo tàng sống: Liệu có khả thi?
17:08 | 20/09/2011
Kiến trúc sư Nguyễn Nga thuyết trình tại Hội thảo
(ĐCSVN) - Lại thêm một cuộc hội thảo nữa được tổ chức để trưng cầu ý kiến các chuyên gia về Dự án “Quy hoạch bảo tồn, cải tạo và phát triển cầu Long Biên và khu vực xung quanh cầu” do kiến trúc sư Nguyễn Nga, Tổng Giám đốc Công ty Cầu Rồng đề xuất. Nhưng cũng như lần trước, cuộc hội thảo diễn ra ngày 20/9 tiếp tục nhận được ý kiến nhiều chiều từ các chuyên gia, chủ yếu là các kiến trúc sư và các nhà văn hoá.
Dự án hay, độc đáo, táo bạo, nhưng...
Cầu Long Biên, cây cầu lịch sử bắc ngang sông Hồng từ lâu đã đi vào tiềm thức của người dân Thủ đô. Hàng chục năm nay, khi Hà Nội đã có nhiều cây cầu mới bắc qua sông Hồng và sứ mệnh giao thông đối với cầu Long Biên không còn nặng nề như trước nữa, người ta bắt đầu tranh luận về việc nên ứng xử với cây cầu lịch sử này như thế nào? Mặc dù đã có nhiều ý tưởng đề xuất nhưng cho tới nay chưa có ý tưởng nào lại lớn, độc đáo và táo bạo như ý tưởng của bà Nguyễn Nga.
Với kinh phí gần 5.000 tỉ đồng, trong vòng 10 năm, bà dự định sẽ cải tạo và quy hoạch cầu Long Biên thành bảo tàng sống, khu văn hoá, du lịch bậc nhất giữa lòng thủ đô.
Theo đề án, cây cầu sẽ được nâng cao 3m để tàu thuyền đi lại; được nới rộng và được gắn pháo trên những nhịp cũ để giữ lại ký ức một thời hào hùng của lịch sử dân tộc. Đường ray ở chính giữa sẽ dành riêng cho các hoạt động văn hóa sáng tạo. Những nhịp cầu sẽ được bao phủ bởi những tấm kính trong suốt và một không gian lớn sẽ được dành để triển lãm mô hình tàu hỏa chạy bằng hơi nước, các toa tàu cổ trở thành quán cà phê, nhà hàng. Phần gầm cầu gồm 131 vòm cầu dọc phố Gầm Cầu và Phùng Hưng sẽ được cải tạo thành những khu vườn treo, tạo ra những phòng triển lãm nghệ thuật truyền thống. Khu bãi giữa sông Hồng sẽ được đắp cao, xây kè thành công viên tự nhiên với làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải... Bên bờ Bắc, về phía Gia Lâm sẽ dựng tháp Sen - bảo tàng nghệ thuật đương đại có hình dáng bông hoa sen đang hé nở - loài hoa sắp trở thành "Quốc hoa" Việt Nam.
K
hông những thế, trong dự án này bà Nga còn hy vọng xây dựng tuyến phố đi bộ xanh mang tên "Đại lộ hòa bình", xuất phát từ Nhà hát Lớn, qua Vườn hoa Lý Thái Tổ tới phố Hàng Ngang, Hàng Đào… đến Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cầu Long Biên. Trên lộ trình này, tháp nước Hàng Đậu sẽ được cải tạo thành bảo tàng, giới thiệu các bộ sưu tập cổ vật thể hiện giá trị văn hóa của người Việt, trở thành điểm dừng chân hấp dẫn cho du khách bốn phương.
Mới chỉ điểm qua, cũng có thể thấy đây là một “siêu dự án” không chỉ bởi khoản kinh phí khổng lồ mà còn vì ý tưởng quá táo bạo của người đàn bà bé nhỏ nhưng có cái đầu lớn (theo nhận xét của Giáo sư Hoàng Chương).
Xuất phát từ tình yêu Hà Nội, bà Nguyễn Nga - Việt Kiều có 40 năm sống ở Pháp đã ấp ủ ước mơ biến cây cầu giao thông lịch sử thành Trung tâm văn hoá lịch sử của cả nước. Trong bối cảnh cây cầu với hơn trăm năm tuổi, trải qua chiến tranh với thương tích đầy mình, chức năng giao thông đã bị xuống cấp trầm trọng, trong tương lai biến nó thành bảo tàng văn hoá là ý tưởng quá hay nhưng từ ý tưởng đến hiện thực hoá nó là cả một khoảng cách xa, liệu bà Nga có thực hiện được?
GS. Hoàng Chương trả lời báo chí
... Liệu có khả thi?
Trong 2 cuộc hội thảo tổ chức gần đây (15/7 và 20/9) bà Nga đều dành nhiều tâm huyết để thuyết trình dự án của mình. Qua thuyết trình, ai cũng có thể nhận thấy lợi ích và ý nghĩa mà dự án mang lại là vô cùng to lớn. Nếu thực hiện được, nó không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hoá của người dân mà còn làm cho bộ mặt thủ đô thêm khang trang hơn. Có mặt tại các cuộc hội thảo thăm dò ý kiến do bà Nga tổ chức hầu hết các chuyên gia đều tán đồng và ủng hộ ý nghĩa tốt đẹp và khâm phục tầm nhìn xa, táo bạo của chủ dự án nhưng không ít người bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của nó.
Có mặt tại hội thảo, Giáo sư Hoàng Chương có cả một bài phát biểu dài ủng hộ ý tưởng độc đáo và táo bạo của bà Nga. Giáo sư khẳng định ” đây là một sáng kiến, một ý tưởng hay của nữ kiến trúc sư Việt Kiều Nguyễn Nga. Cầu Long Biên là một chứng nhân lịch sử, một chứng tích của hai cuộc kháng chiến thần kỳ của nhân dân Việt Nam anh hùng. Cho đến hôm nay cầu Long Biên thật xứng đáng trở thành một bảo tàng sống, thành một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng, thành một điểm sáng văn hoá và du lịch trong tương lai ở Hà Nội.” Trong bài diễn văn của mình, Giáo sư Hoàng Chương còn dành một phần đáng kể để so sánh ý tưởng cải tạo và quy hoạch cầu Long Biên của bà Nga với ý tưởng xây dựng cầu vượt sông Hoàng Phố- cây cầu đẹp nhất của Trung Quốc hiện nay. Giáo sư khẳng định “ ý tưởng và sơ đồ bảo tàng cầu Long Biên của bà Nga chẳng thấm vào đâu so với cây cầu Hoàng Phố. Vấn đề là chúng ta có dám nghĩ, dám làm, tức là làm cho bộ mặt văn hoá Thăng Long- Hà Nội cổ kính được khang trang hơn, hiện đại hơn, đời sống văn hoá của người Hà Nội thêm phong phú hơn, người dân cả nước cũng như khách thập phương đến Hà Nội không chỉ có viếng Lăng Bác Hồ, thăm di tích Văn Miếu, hoặc dạo quanh hồ Hoàn Kiếm mà phải cần có những địa chỉ văn hoá khác đặc biệt như bảo tàng cầu Long Biên tương lai.” Tuy nhiên khi trả lời phỏng vấn của phóng viên, giáo sư Hoàng Chương cũng bày tỏ băn khoăn: để thực hiện được dự án này cái khó nhất là phải làm thay đổi nhận thức của con người. Cụ thể là phải làm thay đổi những suy nghĩ thực dụng của người dân nước nghèo quen làm ăn nhỏ lẻ. Phải thuyết phục được chính quyền và nhân dân dám dấn thân, dám mạo hiểm đầu tư cho tương lai với kế hoạch dài hơi.
GS Hoàng Đạo Kính trả lời báo chí
Đồng quan điểm với Giáo sư Hoàng Chương, phát biểu và trả lời phỏng vấn báo chí, Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, Uỷ viên BCH Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Nguyên phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam cũng khẳng định: Để biến cầu Long Biên từ chức năng giao thông sang văn hoá không khó, cái khó là chúng ta phải vượt qua cả một rừng thủ tục rườm rà. Nào là thủ tục biến cầu từ di sản thành di tích. Thủ tục để loại bỏ giao thông đường sắt thành thiết chế văn hoá lịch sử. Thủ tục để giải phóng mặt bằng....Giáo sư khẳng định: “ những đề xuất của công ty Cổ phần Cầu Rồng và kiến trúc sư Nguyễn Nga chỉ là những ý tưởng ban đầu, thể hiện cách tiếp cận hiện đại đối với một di sản quý hiếm và vạch ra hướng phát huy tác dụng và khai thác cũng phù hợp với cách ứng xử hiện đại. Những ý tưởng về bảo tàng hoá và sinh động hoá bản thân cây cầu, tổ chức vườn treo trên đường dẫn lên cầu, tổ chức các gian hàng trong không gian vòm dưới đường dẫn, bảo tàng mỹ thuật đương đại bên kia sông với hình thái kiến trúc mới lạ...là những gợi ý phù hợp, có triển vọng phát huy tốt. Hãy coi đây chỉ là một phác thảo. Phác thảo này chỉ trở thành Dự án khi có sự ủng hộ của Chính quyền thành phố và khi tìm được tiếng nói chung với ngành giao thông...Chúng ta chớ nên quá đi sớm vào các vấn đề kiến trúc và kỹ thuật. Hãy ủng hộ cho tâm huyết và năng lực sáng tạo của một người phụ nữ- kiến trúc sư từ Pari về với Thủ đô, để dấn thân vào những việc và những khởi xướng mà mấy ai có đủ gan và chỉ để dám làm".
http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/Preview/PrintPreview_En.aspx?co_id=30111&cn_id=479910
Em nói thật làm được điều này bản thân con đường gốm sứ mới phát huy tác dụng mang tính du lịch của nó
Làm được như cô Nguyệt Nga này thành công là một điều tốt đấy ạ.