Án có chiến dịch rồi ạ:
Cần nghiêm trị tội phạm chống người thi hành công vụ
(ANTĐ) - Theo Cục CSĐT tội phạm về TTXH, tính riêng từ năm 2009 đến nay đã xảy ra 1.108 vụ, trong đó có 225 vụ chống lại lực lượng Cảnh sát, trong đó năm 2009 xảy ra 749 vụ, có 207 vụ chống lại lược lượng Cảnh sát. Đáng báo động là 6 tháng đầu năm 2010 tình trạng chống người thi hành công vụ lại gia tăng với việc xảy ra 359 vụ, có 76 vụ chống lại lực lượng Cảnh sát, so với 6 tháng đầu năm 2009 tăng 24 vụ.
Kịp thời bắt giữ đối tượng gây rối và chống người thi hành công vụ
Gia tăng và phức tạp
Đối tượng chống người thi hành công vụ đa dạng, từ số đối tượng phạm tội nguy hiểm, có tiền án, tiền sự, đến số đối tượng phạm tội lần đầu hoặc ngay cả cán bộ công nhân viên Nhà nước, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Tính chất hành vi chống trả tấn công ngày càng manh động, nguy hiểm, thể hiện ý thức coi thường pháp luật của một bộ phận công dân. Phương tiện, công cụ mà đối tượng sử dụng gây án rất đa dạng, từ vũ khí nguy hiểm đến vật dụng thông thường, trong đó số vụ dùng súng, dao, kiếm, mã tấu… chiếm 14,5%, dùng gậy, gạch đá chiếm 23%, sử dụng phương tiện giao thông đâm trực tiếp vào Cảnh sát chiếm 8%.
Số vụ chống trả lại lực lượng Công an đang làm nhiệm vụ chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ chống người thi hành công vụ. Đáng lưu ý trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống ma túy tình trạng chống lại lực lượng Cảnh sát trong quá trình điều tra, bắt, khám xét dẫn giải tội phạm ma túy diễn ra phổ biến, các đối tượng sử dụng vũ khí nóng, bơm kim tiêm dính máu nhiễm HIV để chống cự, gây khó khăn, nguy hiểm cho cán bộ truy bắt, dẫn giải đối tượng. Trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông đã triển khai quyết liệt nhiều kế hoạch, biện pháp, ra quân thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 32/CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông. Số vụ chống lại lực lượng Cảnh sát giao thông cũng gia tăng. Riêng năm 2009 đã xảy ra 97 vụ chống lại lực lượng Cảnh sát giao thông làm 1 đồng chí hy sinh và 32 đồng chí bị thương.
Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, song những nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, nhất là những tranh chấp về đất đai, về kinh tế, dân sự trong nhiều năm trở lại đây có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc chậm được phát hiện, giải quyết mâu thuẫn kéo dài, không đúng pháp luật, vi phạm quyền lợi của người dân. Do phát triển kinh tế hình thành nhiều khu công nghiệp, khu quy hoạch để phát triển cơ sở hạ tầng, từ đó vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng, đền bù không thỏa đáng dẫn đến quần chúng nhân dân khiếu kiện và lợi dụng việc khiếu kiện quá khích dẫn đến vi phạm pháp luật.
Do ảnh hưởng tiêu cực của phim ảnh bạo lực, nhu cầu, lối sống đạo đức của một bộ phận quần chúng nhân dân nhất là giới trẻ bị thoái hóa, xuống cấp, thậm chí coi thường kỷ cương, pháp luật khi bị đối tượng xấu lôi kéo, kích động, xúi giục dễ nảy sinh hành vi chống người thi hành công vụ. Trình độ hiểu biết, nhận thức pháp luật của một bộ phận quần chúng nhân dân còn thấp. Nhiều trường hợp đối tượng có hành vi lăng mạ, giằng xé quần áo, phù hiệu, số hiệu của người thi hành công vụ mà không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật. Tình hình tội phạm, nhất là tội phạm hình sự, tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng. Bọn tội phạm hoạt động liều lĩnh trắng trợn, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Phải chăng là kẽ hở?
Theo ông Lưu Tuấn Dũng - Chánh án TAND quận Long Biên, trong năm 2010, TAND quận Long Biên đã xử 8 vụ với 8 bị cáo phạm tội chống người thi hành công vụ với mức án rất nghiêm khắc. 7/8 bị cáo phải nhận án giam. Tuy nhiên, từ thực tế xét xử cho thấy, nếu các bị hại đề nghị giám định thương tật với tỷ lệ từ 1-10% thì họ có quyền yêu cầu khởi tố đối tượng về tội cố ý gây thương tích theo điều 104, khoản 1 BLHS. Trong quá trình điều tra, nếu hai bên thương lượng được các khoản bồi thường, bị hại rút đơn kháng cáo, vụ án đương nhiên bị đình chỉ. Vì vậy, đối tượng chống người thi hành công vụ từ có tội sẽ thành người vô tội. Đây là một thực tế, được pháp luật thừa nhận và như vậy, việc đấu tranh và phòng ngừa với loại tội phạm này sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Trong thời gian qua, công an các tỉnh, thành phố đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm nói chung, tội phạm chống người thi hành công vụ nói riêng. Từ năm 2005 đến nay đã điều tra khám phá 3.552 vụ trong tổng số 3.758 vụ xảy ra, bắt giữ 6.200 đối tượng. Trong đó, xử lý hình sự 2.458 vụ, bắt giữ 4.023 đối tượng và xử lý hành chính 1.094 vụ, bắt giữ 1.775 đối tượng. Lực lượng Công an đã phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án thống nhất đưa ra xét xử một số vụ án điểm về tội chống người thi hành công vụ nhằm răn đe, giáo dục chung và nâng cao ý thức cho người dân tích cực tham gia phong trào bảo vệ ANTQ. Bộ Công an đã chỉ đạo và tăng cường trang bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ cho lực lượng công an các địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu trong phòng, chống tội phạm, giảm thương vong, thiệt hại khi làm nhiệm vụ.
Dự báo, trong thời gian tới tình trạng chống người thi hành công vụ vẫn sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Do vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu đề xuất Nhà nước, Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đủ mạnh để đối phó với loại tội phạm này. Bên cạnh đó là các giải pháp mang tính đồng bộ, toàn diện nhằm phòng chống có hiệu quả tội phạm chống người thi hành công vụ.
Phạm Vũ - Phương Ly
Các đối tượng đều bị xử nghiêm
Tội chống người thi hành công vụ được quy định trong BLHS khá chặt chẽ với mức án rất nghiêm khắc. Trong mấy năm trở lại đây, số vụ chống người thi hành công vụ gia tăng, đối tượng rơi vào lớp trẻ. Có những vụ nhiều bị cáo với các tình tiết rất phức tạp và chống đối chủ yếu vào lực lượng Công an đang thực thi nhiệm vụ. Hầu hết các bị cáo phạm tội này trong thời gian qua đều bị ngành Tòa án Hà Nội xét xử rất nghiêm, đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do các đối tượng quá khích, hiếu thắng, kém hiểu biết pháp luật hoặc có hiểu biết nhưng coi thường. Bên cạnh đó cũng phải nói tới những người thi hành công vụ. Đôi khi vì lời nói, tác phong chưa chuẩn hay sự giải thích pháp luật thiếu logic cũng có thể dẫn tới sự hiểu lầm và bị các đối tượng xấu tấn công. Điều đó cho thấy người thi hành công vụ ngoài việc hiểu biết pháp luật cũng cần phải có uy, tác phong, lề lối đúng mực khi làm nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Hữu Chính (Chánh tòa Hình sự - TAND TP Hà Nội)
Cải thiện đời sống của người thi hành công vụ
Tôi có may mắn được làm việc tại một số nước trên thế giới. Cảm nhận đầu tiên của tôi là lực lượng cảnh sát làm việc trên đường rất ít bởi họ được hỗ trợ rất nhiều máy móc, kỹ thuật, với sự kết hợp chặt chẽ với nhiều lực lượng cảnh sát khác và ý thức pháp luật của người dân rất cao. Song, nếu ai vi phạm cũng đều bị xử lý nghiêm khắc. Tôi đã chứng kiến nhiều lần cảnh sát xử lý người vi phạm giao thông và thấy họ không cần giải thích nhiều với thái độ rất thân thiện, cởi mở.
Tôi cũng được biết cảnh sát một số nước có thu nhập rất cao. Lương họ có thể nuôi một gia đình. Sau khi làm hết thời hạn 25-30 năm, họ nghỉ hưu và lương hưu còn gấp hai, gấp ba mức lương khi còn đương chức. Chính vì thế, hầu như họ rất tận tụy, không cần có hành vi tiêu cực để “kiếm ăn”, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để khi nghỉ hưu được hưởng mức lương rất cao như vậy.
Cuộc sống ổn định, thu nhập tốt, đó cũng là yếu tố cần thiết để lực lượng cảnh sát hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và chắc chắn, xã hội cũng ghi nhận đóng góp của họ cũng như hạn chế tối đa những hành vi chống người thi hành công vụ.
Luật sư Trịnh Lan Hương (Đoàn luật sư TP Hà Nội)
Ý thức pháp luật trong thanh niên còn hạn chế
T rong số những người có hành vi chống người thi hành công vụ và bị xử lý, tập trung chủ yếu vẫn là thanh niên. Có lần tôi chứng kiến một thanh niên bị CSGT ra hiệu lệnh dừng xe và kiểm tra vì anh ta đi vào đường một chiều, lẽ ra phải chấp hành những yêu cầu của CSGT thì anh ta cự lại, cho rằng mình “vô ý” do mất tập trung chứ hoàn toàn không cố ý. Khi sự giải thích của anh ta không có kết quả, anh ta liền to tiếng với người CSGT khiến những người đi đường rất bất bình.
Tôi cho rằng, một bộ phân thanh niên hiện nay ý thức pháp luật rất kém. Một trong những lý do dẫn tới hành động này là họ được nuông chiều từ nhỏ, không chịu tu dưỡng, rèn luyện và lắng nghe sự dạy bảo của người lớn. Họ cho rằng mình luôn đúng và bảo vệ cái đúng đó của mình bằng những lập luận rất vô lý.
Bên cạnh đó, việc giảng dạy pháp luật trong các trường còn hạn chế, không sinh động khiến các bài giảng trở nên khô cứng, không thuyết phục. Khi ý thức pháp luật nâng cao, tôi tin chắc rằng, những vi phạm pháp luật nói chung, chống người thi hành công vụ nói riêng sẽ giảm.
Nguyễn Quốc Hùng (Xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội)