NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ NGÀY 24/9/2017
Tại buổi làm việc giữa Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và UBND thành phố Hà Nội mới đây, hai bên đã thống nhất kiến nghị Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn dư của dự án BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ để giải cứu “điểm nóng” ùn tắc giao thông (UTGT) nghiêm trọng ở cửa ngõ phía nam Thủ đô - nút giao Pháp Vân.
“Ðiểm nóng” ùn tắc
Án ngữ trước cửa ngõ quan trọng nhất phía nam TP Hà Nội, nhiều năm qua, nút giao Pháp Vân luôn là “điểm nóng” về UTGT, nhất là vào khung giờ cao điểm, các dịp nghỉ lễ, Tết. Nút giao này có vai trò kết nối tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 và các bến xe Nước Ngầm và Giáp Bát, vì vậy lưu lượng xe thông qua nút giao Pháp Vân để đi ra, vào thành phố rất lớn. Hiện tại các nhánh khu vực nút giao không đáp ứng được nhu cầu thực tế; mặt đường hẹp, sụt lún, hệ thống biển báo hiệu bị che lấp, khó quan sát. Các điểm UTGT chủ yếu xảy ra tại những vị trí ra, vào đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, nhất là ở các nút giao bằng như nút giao quốc lộ 1 và nút giao đường Vành đai 3 đi thấp. Nguyên nhân do lượng xe chờ rẽ trái từ đường cao tốc vào thành phố qua nút giao bằng, giữa đường vành đai 3 dưới thấp và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có lưu lượng rất lớn, trung bình khoảng 32 nghìn lượt xe/ngày đêm; vào những ngày cao điểm dịp nghỉ lễ, Tết khoảng 70 nghìn lượt xe/ngày đêm.
Nhiều chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, tại nút giao Pháp Vân còn xảy ra tình trạng ùn tắc “kép”. Do đó, việc tách các dòng xe, chia bớt cho các tuyến đường khác là rất cần thiết. Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn quốc tế (Tổng công ty Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải - TEDI) Nguyễn Gia Nghiêm phân tích: Nhiều xe tải từ hướng cầu Thanh Trì và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do bị cấm đi vào các tuyến đường nội đô nên đi qua nút giao Pháp Vân đến nút giao quốc lộ 1 - Giải Phóng rồi rẽ trái sang quốc lộ 1 theo hướng đi Thường Tín để về đường 70 (đường Phan Trọng Tuệ); vấp phải lượng xe rất lớn từ đường Giải Phóng rẽ trái để vào đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, gây xung đột giao thông tại khu vực hai nút giao chỉ cách nhau khoảng 800 m. Bên cạnh đó, chung quanh nút giao hiện tập trung nhiều khu dân cư và công trình hạ tầng kỹ thuật, cho nên việc cải tạo, mở rộng khu vực nút giao rất khó khăn.
Ðường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã được nâng cấp, mở rộng hoàn thành giai đoạn 1, hiện đang thi công giai đoạn 2 thành sáu làn xe cơ giới; dự kiến đầu năm 2018 đưa vào khai thác. Ðể giải quyết ùn tắc và bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phát huy hiệu quả của các tuyến đường đã và đang đầu tư xây dựng, việc cải tạo nút giao cùng với nghiên cứu đầu tư xây dựng các tuyến kết nối, nghiên cứu các phương án phân luồng từ xa đang là vấn đề cấp bách của TP Hà Nội.
Ðầu tư nhiều hạng mục, dự án mới
Tại cuộc làm việc giữa Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội, hai bên đã thống nhất về các dự án mà thành phố cần đầu tư trong thời gian tới, gồm hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, cầu Mễ Sở (Vành đai 4); hoàn thiện nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ đối với đường Vành đai 3. Trong trường hợp Bộ GTVT chưa cân đối, bố trí được nguồn vốn để thực hiện các dự án này, TP Hà Nội đề nghị thống nhất giao lại cho thành phố thực hiện kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Theo Tổng cục trưởng Ðường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, hết năm nay, khi tuyến cao tốc Pháp Vân làm xong, chắc chắn nút giao Pháp Vân càng ùn tắc trầm trọng hơn. Trước thực trạng UTGT kéo dài, nhiều giải pháp đã được đề xuất.
Nhóm giải pháp cải tạo nút giao gồm: Bổ sung nhánh rẽ từ đường nhánh của nút giao kết nối với nhánh nối từ hướng cầu Thanh Trì đi quốc lộ 1, để đi thấp ra quốc lộ 1 (giao đường Giải Phóng); bổ sung đường nhánh quay đầu dưới gầm cầu cạn, giảm luồng phương tiện rẽ trái trực tiếp tại vị trí nút giao Vành đai 3 đi thấp (nút giao giữa đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3) về trung tâm thành phố; bổ sung làn rẽ phải vào đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, để giảm ùn tắc tại vị trí lối vào đường cao tốc của nút giao Vành đai 3 đi thấp; cải tạo vị trí điểm kết nối từ đường Vành đai 3 đi thấp vào quốc lộ 1, thuận lợi cho làn rẽ phải vào trung tâm thành phố; cải tạo nhánh rẽ phải từ đầu đường Trần Thủ Ðộ (đi dưới nhánh cầu dẫn từ đường trên cao xuống) nhập cùng lối vào của nhánh để vào đường cao tốc,... Các điều chỉnh, bổ sung cải tạo này dự kiến kinh phí đầu tư 423,1 tỷ đồng (trong đó giải phóng mặt bằng hơn 255,5 tỷ đồng). Sau khi cải tạo, sẽ cải thiện được đáng kể tình trạng UTGT cục bộ tại các vị trí của khu vực nút giao Pháp Vân và tạo nên mỹ quan đô thị cho cửa ngõ Thủ đô. Nguồn vốn thực hiện, xem xét sử dụng vốn dư của dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT.
Nhóm giải pháp phân luồng từ xa dựa trên cơ sở quy hoạch GTVT thành phố Hà Nội đã được phê duyệt; nghiên cứu các phương án phân luồng giao thông, bổ sung các đường kết nối để giảm thiểu UTGT cho nút giao. Theo đó, sẽ bổ sung đường kết nối từ nút giao Vành đai 3 đi thấp ra đường Tân Mai (Vành đai 2,5) bằng cách xây dựng tuyến đường LK49 (dài khoảng 1,7 km, rộng 30 m), nối từ nút giao Vành đai 3 đi thấp với đường Vành đai 2,5 tại vị trí nút giao Tân Mai, để kết nối ra quốc lộ 1 (đường Giải Phóng) tại nút giao Kim Ðồng. Tuyến đường này dự kiến kinh phí đầu tư 1.954,7 tỷ đồng (trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng dự kiến gần 1.074 tỷ đồng); bổ sung đường kết nối từ nút giao Vành đai 3 đi thấp ra quốc lộ 1 bằng cách hoàn thiện tuyến đường khu vực nối từ khu tái định cư Ðồng Tàu ra nút giao Nguyễn Hữu Thọ; bổ sung điểm kết nối vào đường cao tốc theo hướng cải tạo đoạn nối quốc lộ 1, từ vị trí sau cầu Văn Ðiển vào đường cao tốc (dọc sông Tô Lịch). Cách này dự kiến kinh phí đầu tư 26,7 tỷ đồng (kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 5,5 tỷ đồng).
Theo Tổng cục trưởng Ðường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, trong ba cách giải quyết nêu trên của nhóm giải pháp phân luồng từ xa, thì hạng mục bổ sung đường kết nối từ nút giao Vành đai 3 đi thấp ra đường Tân Mai (Vành đai 2,5) là phương án hiệu quả nhất, phù hợp việc UBND thành phố Hà Nội đang nghiên cứu và hoàn thiện dự án đường Vành đai 2,5 theo quy hoạch. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư và phạm vi kinh phí giải phóng mặt bằng tương đối lớn. Do đó, để thực hiện đầu tư hạng mục này, cũng như hai hạng mục còn lại, cần chủ trương đồng thuận của Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội. Do đó, Tổng cục Ðường bộ Việt Nam đề nghị dự án đầu tư đoạn cao tốc nối với đường vành đai 2,5 và đường 70, kinh phí khoảng 400 đến 500 tỷ đồng nên gắn sử dụng vốn dư của dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT giai đoạn 1 để chỉnh trang nút giao cũng như mở rộng đường ngang đi xuống; cho nhà đầu tư thu hồi vốn bằng cách kéo dài thời gian thu phí tuyến cao tốc này.
Khẳng định nút giao Pháp Vân này không thể chậm hơn nữa, phải đầu tư song hành tuyến cao tốc, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, Bộ và Hà Nội sẽ thống nhất đề nghị Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn dư của dự án BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ để đầu tư nút giao này, nhằm giải tỏa ùn tắc giao thông.