Alice có thời gian sống ở miền Tây, sau này có đọc được một ít tài liệu về ngôn ngữ học và địa danh học, với một ít sách lịch sử, nên cũng xin góp chút ý kiến cho vui.
Theo Vương Hồng Sển, ở Đồng bằng sông Cửu Long ít nhất có 160 địa danh mang chữ CÁI đứng đầu.
Alice nhận thấy Miền Tây có nhiều địa danh “Cái” ở đầu vì một số lý do:
- Cái là từ gọi của con sông lớn. Theo từ cổ tiếng Việt, thì Cái còn có nghĩa là Mẹ. Miền Tây có nhiều sông lớn nên nhiều địa danh ở gần sông lớn hay có từ Cái ở đầu, cùng với từ theo sau dùng chỉ tính chất và đặc điểm của vùng đất ấy.
- Địa danh Cái… là do âm tiếng Khmer đọc trại ra.
- Do người Nam Bộ phát âm không chuẩn, nên cũng có một số địa danh bị đọc không đúng, lâu ngày người ta chấp nhận luôn cách phát âm đấy.
- Một số địa danh ban đầu có tên chữ rất đẹp, nhưng về sau người Nam Bộ bình dân hóa tên gọi đi.
Ví dụ:
1. Sông Cái Nhum, chợ Cái Nhum và thị trấn Cái Nhum thuộc huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Sông Cái Nhum ngày xưa gọi là rạch Cây Nhum, do bên bờ rạch có nhiều cây nhum (loại cây này mọc nhiều ở miền Nam Việt Nam và Campuchia. Gỗ cây màu đen, cứng, giống thân cau, được dùng làm cọc chống, làm ván, làm cọc căng dù. Đọt non xào nấu làm rau ăn, có vị ngọt. Quả được sử dụng như quả cau.) Về sau do những biến thiên của tự nhiên cùng với tác động của con người mở rộng thêm, nên rạch Cây Nhum lớn và sâu hơn, được đổi thành Cái Nhum. Sông Cái Nhum là sông lớn nhất huyện Mang Thít, vừa là nguồn nước, vừa là đường giao thông thủy của huyện. Thị trấn bên bờ sông vì vậy được gọi là thị trấn Cái Nhum.
2. Thị trấn Cái Vồn tỉnh Vĩnh Long nằm bên sông Cái Vồn. Theo mô tả của “Đại Nam nhất thống chí” và “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, thì con sông này ngày xưa được gọi là Bồn Giang hay Cái Bồn. Hình dạng sông uống khúc như một cái túi, chứa đựng một vùng đất trù phú nhiều trái cây, nên được ví như cái bồn chứa. Về sau bị phát âm chệch đi thành Cái Vồn.
Tuy nhiên, một số nhà ngôn ngữ học đưa ra giả thuyết khác cho rằng Cái Vồn bắt nguồn từ “Cả Vồn”, trong tiếng Khmer có nghĩa là “thủ lĩnh”.
3. Cụ Vương Hồng Sển có ghi trong sách “Tự vị tiếng Việt miền Nam”ở mục từ “Cái Răng”:
“Cà ràng hình thù như con số 8 để nằm, một đầu là ba ông Táo lú đầu lên cao để đội nồi ơ siêu trách, còn một đầu kia nắn cái bụng chang bang dài dài vừa vặn với cây củi chụm, bụng này chứa được tro nhiều không rơi rớt ra ngoài, lại ấm cúng che kín gió, mau chín mau sôi. Truy nguyên ra, trong sách Pháp, Le Cisbassac chẳng hạn, và nhiều sách khác đã có từ lâu vẫn ghi: “Krôk kran: rạch Cái Răng, nay cứ lấy điển này làm chắc, một đàng khác hỏi thăm người cố cựu bản xứ thuật rằng ngày xưa, không biết từ đời nào, nguyên người Thổ (Cơ Me) ở Xà Tón (Tri Tôn) chuyên làm nồi đất và “karan” chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo sông cái đến đậu ghe nơi chỗ này để bán, năm này qua năm nọ, chầy ngày người mình phát âm “karan” biến ra “Cái Răng” rồi trở nên địa danh thiệt thọ của chỗ này luôn”.
Trong tự điển J.B.Bernard, ghi rõ rằng, địa danh rạch Cái Răng là: krêk karan (hay kran), là cà ràng.
Vậy địa danh Cái Răng ở Cần Thơ không phải là cái răng trong miệng, mà Cái Răng là cà ràng, tức là một loại bếp lò bằng đất của người Khmer.
4. Cái Mơn ở Bến Tre là do nói trại từ khmum (tiếng Khmer có nghĩa là mật ong). Ngày xưa, nơi con rạch này có nhiều tổ ong mật. Cái Mơn cũng là nơi nổi tiếng sản xuất cây kiểng và các loại cây giống ăn trái của đồng bằng sông Cửu Long.
5. Theo cuốn “Nguồn gốc địa danh Nam Bộ” của Bùi Đức Tịnh thì Cái Bè thuộc Tiền Giang có nguồn gốc là do nói tắt của cụm từ "nơi con sông Cái (hoặc hội tụ các nhánh của con sông Cái) có nhiều tàu bè neo đậu".
6. Cái Tàu ở Cà Mau có thể giải thích "Cái" là cách dân gian gọi con sông chính (thậm chí là sông mẹ), vì hai bên tả ngạn và hữu ngạn có rất nhiều sông rạch nhỏ chảy về nhiều hướng, dẫn nước hoà vào hệ thống sông rạch nhỏ nằm chằng chịt ở U Minh. Nhưng “tàu” ở đây lại không có nghĩa là tàu bè.
Chữ "tàu" theo cách gọi trước đây chỉ những vùng nước lợ. Có tài liệu giải thích "tàu" có nghĩa là lạt. Ví dụ như món thịt kho tàu nghĩa là kho lạt, món ăn này có người cho rằng của người Trung Quốc, nhưng thực ra là món ăn của người Việt sáng tạo.
Đồng Tháp cũng có địa danh Cái Tàu, đó là Cái Tàu Hạ (huyện Châu Thành) và Cái Tàu Thượng (huyện Lấp Vò) là tên hai con sông ở Đồng Tháp. Hai con sông này nước lợ trong khi nhiều sông khác ở đây đều nước ngọt. Sông Cái Tàu ở U Minh (Cà Mau) có lẽ do được hoà lẫn bởi nước ngọt của sông Trèm Trẹm với nguồn nước mặn bên dòng Ông Đốc chảy qua rồi đổ ra Vịnh Thái Lan nên trở thành nước lợ, thứ nước lạt lạt, không mặn mà cũng không ngọt, được cư dân định cư sớm ở đây gọi là nước "tàu". Như vậy có thể giải thích nguồn gốc địa danh "Cái Tàu" đầu tiên là tên dòng sông chính (sông Cái) nước lợ của Cà Mau.