Cân bằng động bánh xe hay thường gọi là cân mâm bấm chì là một việc làm nhỏ, nhưng mang lại lợi ích to lớn. Tuy nhiên vấn đề này không được nhiều người sử dụng ô tô nhận thức đúng đắn và cho rằng không cần thiết.
Bánh xe ô tô hình tròn và được cấu thành từ hai bộ phận lốp xe và la-zăng. Để bánh xe cân bằng thì trọng lượng của cả hai bộ phận này phải được cân chỉnh một cách hài hòa. Trong quá trình chế tạo, ít nhiều giữa hai chi tiết hình tròn sẽ không thể đạt được mức cân bằng hoàn hảo.
Chính vì thế việc cân bằng động sẽ giúp bổ sung một phần trọng lượng lên la-zăng hay mâm xe để phân phối trọng lượng bánh xe đều về các hướng, giúp lực ly tâm và trọng lực của bánh xe tập trung về chính giữa thay vì ép về một hướng khi di chuyển.
Nói cách khác, cân bằng động bánh xe là phương pháp bổ sung một khối lượng tương ứng về phía đối diện, giúp bánh xe cân bằng hơn khi chuyển động tròn.
Ảnh hưởng của cân bằng động bánh xe trong vận hành.
Khi bánh xe không ở trạng thái cân bằng động hoàn hảo sẽ xảy ra các hiện tượng dưới đây:
– Bánh xe bị hiện tượng lạng, rung lắc hay nhao lái
– Rung vô-lăng, sàn xe và tiếng ồn cho hành khách trên xe
– Lốp mòn nhanh, nguy hiểm và nhanh hỏng
Dấu hiệu cần cân bằng động bánh xe
Khi gặp các dấu hiệu dưới đây, bạn cần phải cân bằng bánh xe lại càng sớm càng tốt, nhằm tránh các nguy hiểm trong quá trình vận hành:
– Khi di chuyển trên mặt đường phẳng, vô-lăng xuất hiện các rung lắc bất thường, thân xe trở nên khó kiểm soát, đặc biệt khi lái xe ở tốc độ cao
– Bề mặt lốp xuất hiện các vết mòn hoặc rách bất thường
– Khi vá lốp, đảo lốp hoặc thay lốp mới
– Lắp đặt cảm biến áp suất lốp
Ngoài ra, người sử dụng cũng cần cân bằng động bánh xe định kỳ 3 – 6 tháng hoặc 10.000 km, giúp người lái có cảm giác vận hành tốt nhất, êm ái và nhẹ nhàng, cũng như an toàn trên mọi hành trình.