Thớt đang hay nên em nài nỉ một số cụ làm ơn đừng tổ lái sang các vấn đề chính em nước nhà.
Cụ chủ tiếp đi, em im lặng mấy ngày đọc rồi. Rất hay cụ ạ.
Bẩm cụ, đúng là tổ lái sang nhà mình hơi nhiều thật
thực ra bài này em viết có thể coi là viết tiếp vào một series trên soi.today (như em đã giới thiệu) về Hàn Quốc. Nhân thể có thớt này em xin cộp py từ đấy một bài về mối quan hệ hết sức phức tạp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản ợ
(Về soi.today: chuyên trang về nghệ thuật, đôi khi có các bài viết khá hay và chân thực về lịch sử và xã hội, thể hiện quan điểm của tác giả nhưng ko phải loại "quan điểm của tác giả" trên Báo Bắp Cải với chả Vi Âu Ây đâu. Cụ mợ nào hay nấu ăn cũng có thể lướt qua đó. Em rất thích trang đấy)
Xã hội Hàn Quốc (bài 7): Ủy An Phụ và Quang Phục Tiết 07. 08. 15 - 7:21 am
Đặng Thái
Lời mở đầu:
Đông Bắc Á là tâm điểm kinh tế-chính trị của Á châu và cả hoàn cầu. Khu vực này có hai nền kinh tế hàng đầu thế giới và ba trong bốn con rồng của châu Á nằm ở đây. Với truyền thống thâm nho và khôn khéo của người Á Đông, cộng thêm sự rối rắm của văn hóa và lịch sử rất lâu dài, những mối quan hệ giữa các quốc gia này luôn khiến phương Tây điên đầu. Chúng ta có lợi thế hơn vì có sự tương đồng văn hóa, nhưng để hiểu được những tin tức hằng ngày trên thời sự về Nhật Bản-Hàn Quốc lại cần hiểu kĩ hơn bản chất mối quan hệ này.
Ba linh vật World Cup 2002 được tạo hình bằng kỹ thuật số theo phong cách hoạt hình Nhật-Hàn. Sự kiện thể thao nàylà biểu tượng hiếm có của hòa hợp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nhìn vào quá khứ lâu dài có thể thấy người Nhật là một dân tộc hiếu chiến, hung hăng chém giết và cướp bóc trong chính nước họ và cả nước ngoài. Tinh thần ấy kết hợp với chủ nghĩa dân tộc kiểu phương Tây, sự tiến bộ kinh tế và quân sự của thế kỷ mười chín đã biến Nhật Bản thành nỗi khiếp sợ của Đông Á. Vị trí quyền lực số một Đông Á sau mấy nghìn năm, lần đầu tiên chuyển từ Trung Quốc sang Nhật Bản. Đế quốc Nhật Bản của Minh Trị đánh bại nhà Thanh vào năm 1895 và lần thứ hai trong lịch sử Triều Tiên bị Nhật cai trị, nhưng lần này khủng khiếp hơn rất nhiều.
Sự tàn ác của phát xít Nhật được nhắc đi nhắc lại trong các phim Trung Quốc lấy bối cảnh cận đại. Ông Lý Quang Diệu cho rằng thời Nhật chiếm đóng Singapore là thời kỳ đen tối nhất ông từng biết đến. Việt Nam ta cũng đã nếm đủ mùi Nhật chiếm đóng, ông ngoại mình nói: “Bọn Nhật lùn mà không vào thì chưa chắc cách mạng đã nổ ra”. Những nước ở xa Nhật còn thế, vậy thì Triều Tiên ngay sát nách phải chịu đựng đến đâu?
Chính những chính sách đồng hóa của Nhật là tiền đề cho chủ nghĩa dân tộc “Đại Hàn” và 35 năm đô hộ của thực dân Nhật đã gây nên sự căm thù người Nhật đến xương tủy sau này. Không những cấm tiếng Triều Tiên, bắt người Hàn học tiếng Nhật, ngày ngày phải tạ ơn Thiên Hoàng, người Nhật còn bắt dân phải đổi họ tên Triều Tiên sang họ tên Nhật. Hàng trăm nghìn đàn ông Triều Tiên hoặc lao động khổ sai hoặc phải đi lính cho quân đội Hoàng gia, hầu hết số đó bỏ mạng trên chiến trường. Nhiều chính sách của Nhật đến ngày nay vẫn còn gây nhức nhối trong xã hội Hàn Quốc, đơn cử như
Ủy an phụ (Phụ nữ giải khuây – Comfort women).
Tòa nhà màu nâu là Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul, đối diện bên đường là một tác phẩm điêu khắc được dựng lên năm 2011. Tác phẩm gồm hai khối: một ghế trống và một ghế có một cô gái rất trẻ, đi chân trần, mặc trang phục truyền thống hanbok, trên vai có một con chim. Chiếc ghế trống dành cho bất kì ai muốn ngồi để đồng cảm và cùng chiến đấu với cô gái để đòi lại công lý. Một bó hoa thường được đặt dưới chân tượng, vào mùa đông giá rét rất nhiều người mặc áo, đội mũ, quấn khăn cho bức tượng này. Nhật Bản nhiều lần yêu cầu phía Hàn Quốc tháo dỡ bức tượng nhưng không được đáp lại.
Mỗi thứ tư hàng tuần lại có một cuộc biểu tình của các tổ chức phụ nữ, quyền con người… với sự hiện diện của những Ủy an phụ cuối cùng còn sống sót ngay đối diện Đại sứ quán Nhật Bản. Cuộc biểu tình đều đặn này được ghi vào kỷ lục Guiness là cuộc biểu tình dài nhất trong lịch sử về cùng một vấn đề (từ năm 1992 đến nay).
Các học giả phương Tây ước tính có khoảng vài chục nghìn phụ nữ bị quân đội Nhật bắt đi để phục vụ cho nhu cầu tình dục của binh lính Nhật tại các nước Nhật chiếm đóng trước và trong Thế Chiến thứ hai. Phía Trung Quốc đưa ra số liệu cho rằng con số phải lên đến bốn trăm nghìn người. Không biết rằng chính xác là bao nhiêu, chỉ biết rằng những phụ nữ này có rất nhiều quốc tịch: chủ yếu là Triều Tiên, Trung Quốc rồi đến Phillipines, Indonesia, Malaysia, Miến Điện, Đông Dương… thậm chí cả Hà Lan và Úc. Họ thường bị tập trung tại các trại giam để binh lính Nhật thay nhau hãm hiếp. Ba phần tư số phụ nữ này đã chết, những người sống sót ngoài việc vô sinh thì còn khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Những gia đình Triều Tiên thời đó phải vội vàng gả con gái cho người ta thật sớm hoặc giấu con gái mình vào mọi nơi kể cả đống rơm hay hố phân để thoát việc lính Nhật lùng sục và bắt đi.
Bìa cuốn hồi ký “Năm mươi năm im lặng” của bà Jan Ruff-O’Herne sinh năm 1923, một phụ nữ Hà Lan sống tại Indonesia là nạn nhân của quân đội Nhật. Cũng như những nạn nhân khác, sau khi được thả khỏi nhà chứa của quân Nhật, bà bị đe dọa nếu tiết lộ sự thật thì toàn bộ người thân sẽ bị sát hại; đồng thời những người phụ nữ này cũng xấu hổ với những gì họ đã chịu đựng nên đều giữ im lặng. Sau khi ba người phụ nữ Hàn Quốc đứng lên tố cáo chính quyền Nhật, bà Jan Ruff-O’Herne đã quyết định phá vỡ sự im lặng và xuất bản sách năm 1994 để đấu tranh cho quyền lợi của Ủy an phụ.
Năm 2007, Trước Hạ Viện Hoa Kỳ, bà Jan Ruff-O’Herne kể lại: “Tất cả chúng ta đều đã từng nhìn thấy sự dã man, độc ác, đói khát do quân đội Nhật Hoàng gây ra, nhưng có một câu chuyện chưa bao giờ được kể, câu chuyện đáng xấu hổ nhất, sự chà đạp nhân quyền khủng khiếp nhất được thực hiện bởi quân đội Nhật: chuyện về Ủy an phụ, những người bị ép buộc để thỏa mãn nhu cầu tình dục cho binh lính Nhật. Phải mất đến 50 năm để những mảnh đời bị hủy hoại này được xem xét là một vấn đề quyền con người… Chúng tôi bị giam lại vàhiếp dâm một cách có hệ thống, ngay cả tên bác sĩ đến khám bệnh cho chúng tôi để đề phòng bệnh hoa liễu cũng tham gia hãm hiếp. Đánh đập và tra tấn diễn ra hằng ngày. Những người có thai thì ngay lập tức bị bắt phá bỏ… Tôi đã tha thứ cho người Nhật, nhưng tôi không bao giờ có thể quên.”
Những người phụ nữ này ngày nay mong muốn lời xin lỗi công khai và bồi thường từ chính phủ Nhật Bản, nhưng Nhật Bản chưa bao giờ chính thức thừa nhận việc này xảy ra, càng không công nhận đây là một chính sách của quân đội Nhật. Chính phủ Nhật bí mật trả tiền cho những phụ nữ này để yên chuyện, một số nhận tiền nhưng phần lớn hơn muốn Nhật phải công nhận đó là lịch sử, đưa vào sách giáo khoa và trừng phạt những kẻ chủ trương. Năm 1993, Quốc hội Nhật đưa ra lời xin lỗi về việc có sử dụng các nhà chứa trong chiến tranh nhưng các chính trị gia Nhật xem ra cứng rắn hơn nhiều. Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố rằng không có một bằng chứng nào cho thấy Đế quốc Nhật Bản đã sử dụng nô lệ tình dục và có ý định rút lại lời xin lỗi của Quốc hội khi trước nhưng rồi lại phải thôi để giữ yên quan hệ với Hàn Quốc.
Biểu tình chống Nhật Bản và cá nhân Thủ tướng Shinzo Abe tại Hàn Quốc thường xuyên diễn ra mỗi khi chính phủ có điều gì nhượng bộ Nhật Bản dù là nhỏ nhất.
Ông Shinzo Abe thường xuyên bị Hàn Quốc và Trung Quốc (cũng như Triều Tiên và Đài Loan) lên án vì tôn vinh chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Ông này nhiều lần đến thăm đền Yasukuni, ngôi đền gây quá nhiều tranh cãi cả trong và ngoài nước Nhật vì thờ những binh lính, sĩ quan đã gây tội ác tại các nước láng giềng và bị tòa án quốc tế kết án tội phạm chiến tranh. Nhưng chỉ trích nhằm vào cá nhân ông Shinzo Abe nhiều hơn bất kì Thủ tướng Nhật nào là vì xuất thân danh gia vọng tộc của ông này: ông nội là Hạ nghị sĩ, bố là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đặc biệt ông ngoại là Thủ tướng Nhật và là tội phạm chiến tranh loại A. Ông Shinzo Abe thuộc phe muốn tìm lại vinh quang cho nước Nhật, lấy lại vị thế của một cường quốc khu vực, phủ nhận quá khứ và tôn vinh những điều Nhật Bản đã đạt được.
Đảng của ông đã sửa đổi và diễn giải lại Hiến pháp cho phép Nhật mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội, gây nên rất nhiều căng thẳng với Trung Quốc và Hàn Quốc thời gian qua. Ông không muốn Trung Quốc trỗi dậy và lập lại trật tự khu vực này nên quyết ăn thua từng hòn đảo (biểu hiện rõ ràng trong việc bắt tay với ông Tập ở
APEC 2014)
Một hộp bánh macaron tác giả mua ở hàng bánh của người Hàn bên Tây, đang ăn lật vỏ hộp ra nhìn tí nữa thì sặc. Trên hộp bánh ghi: “Bạn biết không? Dokdo (Độc đảo) thuộc về Hàn Quốc. Trong suốt 2000 năm qua, vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản được gọi là Biển Đông. Dokdo gồm hai hòn đảo nằm trên Biển Đông là một phần của lãnh thổ bán đảo Triều Tiên”. Dokdo, phía Nhật gọi Takeshima là hai hòn đảo nhỏ đang tranh chấp giữa hai nước. Ngay tên vùng biển giữa hai nước cũng bị kiện tụng lên xuống, thông lệ quốc tế gọi là Sea of Japan (Biển Nhật Bản) còn Hàn Quốc muốn gọi là Sea of Korea (Biển Triều Tiên) hoặc East Sea (Biển Đông).
Tưởng rằng sau thời kì thuộc địa, hai nước sẽ không đội trời chung, nhưng cuối cùng Tổng Thống Park Chung Hee đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Nhật Bản vào năm 1965. Nhiều người chỉ trích điều này đến tận ngày nay và chửi cả bà Tổng thống Park bây giờ, nhưng thực tế là Hàn Quốc được lợi rất nhiều khi quan hệ với Nhật. Tổng cộng Nhật đã cho Hàn Quốc vay lãi suất thấp gần 800 triệu đô la ngay sau khi kí hiệp định, một con số khủng khiếp lúc bấy giờ. Hàn Quốc có một thị trường tiềm năng ngay sát vách để bán hàng xuất khẩu. Tất cả những gì tốt nhất Hàn Quốc sản xuất ra đều xuất sang Nhật, trong nước dùng tivi đen trắng còn tivi màu để bán cho dân Nhật.
Với một quá khứ đau đớn (
mượn chữ anh Gấu) và phức tạp như thế, Hàn Quốc luôn đề phòng Nhật Bản là điều tất yếu. Việc kiểm duyệt thông tin và văn hóa phẩm ở Hàn Quốc rất chặt chẽ (dĩ nhiên là cũng có lỏng hơn Triều Tiên), đặc biệt nhắm đến hai nguồn chính: Bắc Triều Tiên và Nhật Bản. Bắc Triều Tiên thì vì mục đích chính trị nên không bàn, còn Nhật Bản thì vì mục tiêu bảo vệ văn hóa nội địa. Ngay thời điểm hiện tại, việc phát thanh âm nhạc hoặc chiếu phim truyền hình Nhật Bản tại Hàn Quốc vẫn thuộc diện bất hợp pháp. Người Hàn Quốc không được phép sử dụng các thông tin nghe nhìn có nguồn gốc Nhật Bản, cho đến cuối những năm 90, đầu 2000 luật này mới được nới lỏng rất hạn chế. Mới năm ngoái, một bài hát tiếng Hàn Quốc bị cấm lưu hành vì có… một từ tiếng Nhật ở trong lời. Người Hàn Quốc hiện đại tránh dùng sản phẩm Made in Japan tới mức tối đa có thể. Rất khó để tìm thấy trong nhà riêng hay đồ dùng cá nhân của họ một thứ gì sản xuất tại Nhật. Nếu có hai thứ, một sản xuất tại Việt Nam mà đểu, với sản xuất tại Nhật mà xịn, họ thường sẽ chọn cái Made in Vietnam!
Năm 1998, truyện tranh manga là văn hóa phẩm Nhật Bản đầu tiên được chính phủ cho phép du nhập vào Hàn Quốc.Năm 1999, nhạc Nhật được phép biểu diễn với số lượng khán giả không quá 2000 người.Năm 2004, phim Nhật được phép chiếu ở rạp Hàn Quốc và đĩa DVD được phép bán công khai. Bây giờ khi làn sóng văn hóa Hàn Quốc đang tấn công ngược lại Nhật Bản thì chính phủ Hàn Quốc mới bắt đầu thôi lo lắng cho “nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc” của mình.
Ngày Hàn Quốc phá tòa nhà Toàn Quyền Nhật Bản trong Cảnh Phúc Cung, ngày ông Shinzo Abe đi viếng đền Yasukuni, ngày Quốc khánh và ân xá tại Hàn Quốc, ngày Tổng thống Park Chung Hee bị ám sát hụt khiến vợ ông chết thay, ngày Hồng quân tiến vào Bình Nhưỡng, ngày nghỉ lễ chung quan trọng bậc nhất của hai miền Nam Bắc Triều Tiên… đều diễn ra vào cùng một ngày: ngày Mười lăm tháng Tám. 15. 8. 1945 là ngày Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh, chính thức kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai và vui mừng hơn mọi dân tộc khác trên thế giới là người Triều Tiên-Hàn Quốc, họ chính thức có nền độc lập. Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc cũng chọn ngày này để ra mắt năm 1948và năm 1949 quyết định chọn làm ngày nghỉ lễ chính thức gọi là
Gwangbokjeol (Quang Phục Tiết). Quang Phục Tiết dịch nôm là “Ngày lễ mừng ánh sáng quay trở lại” hay ngắn gọn là “Tết Độc Lập”. Chữ
Quang Phục hàm ý mang sức sống, vinh quang trở lại cho dân tộc, cụ Phan Bội Châu cũng dùng chữ này mà đặt tên cho
Việt Nam Quang Phục Hội với mong muốn đem lại độc lập cho dân ta. Lẽ ra phải dùng
Quang Phục Nhật (Ngày Độc Lập) nhưng họ có lẽ họ tránh chữ
Nhật (trong
Nhật Bản) mà dùng chữ
Tiết (Tết) nghe cũng trang trọng và hợp lý. Bắc Triều Tiên gọi là
Ngày Giải Phóng Tổ Quốc, nghe có vẻ “mùi Tàu” hơn một tí, nhưng bốn chữ
Giải Phóng Tổ Quốc (祖國解放) thì dùng tiếng Hán, riêng “ngày” lại không dùng chữ Nhật (日) mà dùng chữ nal (날) tiếng Triều nghĩa là ngày.
Google Doodle tại Hàn Quốc ngày 15. 8. 2011. Liên tục trong mười mấy năm qua, cứ đến Gwangbokjeol là Google lại thay đổi doodle, chủ đề chỉ xoay quanh hình cờ Thái Cực. Vào ngày này cờ Thái Cực được treo kín mọi lối đi, ngõ phố, tòa nhà, công viên.
Tái bút: (hoàn toàn mang tính chất giải trí, không lôi chuyện nghiêm túc vào đây) Lúc mình thấy người Hàn Quốc in nội dung tuyên truyền lên vỏ hộp bánh của họ thì cũng sôi sục lòng yêu nước trong người và tìm quanh xem có sản phẩm nội địa nào không để bày tỏ nổi niềm. Đang ở nước ngoài nên tìm mãi mà không thấy gì, chợt nhớ đến một bảo bối đãtheo mình đi khắp nơi mà mình lại vô tâm quên mất, bèn hí hoáy trải lòng ngay lập tức. Mong bạn đọc ủng hộ và cùng nhân rộng phong trào này!