Ngân hàng lãi "khủng" mà vẫn kêu ca
Theo phân tích của một chuyên gia trên báo Lao Động: Hiện hệ thống ATM trên toàn quốc có khoảng 13.920 cây. Số tài khoản thanh toán cá nhân bằng thẻ khoảng 40 triệu. Số dư tiền để trong thẻ gần 70.000 tỉ đồng. Giá máy ATM hiện nay từ 10.000 – 15.000USD một máy. Lấy giá bình quân mức cao 15.000USD (hơn 300 triệu đồng) thì với 13.920 cây ATM hiện có, ngân hàng phải bỏ ra 4.176 tỉ đồng. Nếu thu phí rút tiền nội mạng 3.000 đồng/lần thì với 40 triệu tài khoản, nếu mỗi tài khoản rút 3 lần trong một tháng thì số tiền mà ngân hàng thu được là: 40 triệu x 9.000 đồng = 360 tỉ đồng. Một năm sẽ là 4.320 tỉ đồng. Nếu tính cả chi phí lắp đặt, thuê mặt bằng, nhân công, bảo dưỡng... (cứ cho là bằng khoản tiền bỏ ra mua máy) thì cũng chỉ hai năm sau với khoản thu phí này ngân hàng đã hoàn vốn đầu tư ban đầu. Mà một máy ATM có tuổi thọ bao nhiêu? Chắc không dưới 10 năm! Một khoản lãi khủng. Các ngân hàng còn thu phí quản lý thẻ 3.300 đồng mỗi tháng. Với 40 triệu thẻ thì số tiền này mỗi năm ngân hàng thu được là 40 triệu x 3.300 đồng x 12 tháng = 1.584 tỉ đồng. Tính riêng phí phát hành lấy tối thiểu 50.000 đồng, số tiền thu về khoảng 2.000 tỷ đồng.
Ấy là chưa kể lãi từ số dư tiền gửi qua thẻ; phí rút tiền 3.300 đồng/lượt, phí kiểm tra thông tin và in sao kê tài khoản 1.650 đồng/lượt, phí chuyển tiền 3.300 đồng/lượt..., trung bình mỗi năm ngân hàng bỏ túi tổng giá trị giao dịch khoảng 200.000 tỉ đồng từ các chủ thẻ ATM. Lãi như thế mà các ngân hàng vẫn kêu lỗ?