Còn 1 bài rất hay về cái bắt tay của tướng Vịnh đây các cụ
Đằng sau cái bắt tay giữa Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc
Nói về ý nghĩa của việc bắt tay có nhiều người cho rằng, bắt tay chỉ là nghi thức trong giao tiếp thường ngày. Thưa, không hẳn vậy, theo dõi các phương tiện truyền thông chúng ta thấy có rất nhiều chuyện kinh thiên động địa chỉ vì một cái bắt tay. Trên thế giới, có những cái bắt tay thể hiện sự nồng ấm trong quan hệ ngoại giao, mang đến hòa bình cho cả dân tộc. Nhưng cũng có những cái bắt tay đẩy nhân loại vào cuộc chiến đẫm máu. Dù ở đây, hay xảy ra vào thời khác nào, các cuộc gặp gỡ và những cái bắt tay của người đứng đầu các quốc gia đã, đang và sẽ giữ một vai trò cột mốc quan trọng trong lịch sử.
Nếu phải kể đến những cái bắt tay nổi tiếng tầm cỡ thế giới, hẳn nhiên không thể không nhắc đến cú bắt tay giữa cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez với Tổng thống Mỹ Obama trong cuộc gặp đầy bất ngờ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh các nước Châu Mỹ. Ông Hugo Chavez, người được biết đến với những lời chỉ trích Mỹ đến độ mạt sát, đã chủ động tiến đến, chìa tay và nói “Tôi muốn làm bạn với ông”, dĩ nhiên Obama đã đáp lại bằng nụ cười và chìa tay ra bắt.
Ở Việt Nam, chúng ta hẳn không quên cái bắt tay lịch sử tại Nhà Trắng giữa Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải và Tổng thống Mỹ George Bush. Tuy nhiên, bên cạnh những cái bắt tay trở thành biểu tượng của hòa bình và hy vọng thì cũng có những cái bắt tay mang nhiều ẩn ý sâu cay khiến nhiều người phải suy nghĩ. Ví như mới đây nhất là bức ảnh về cái bắt tay giữa Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn. Quan sát bức ảnh chúng ta dễ dàng nhận thấy, Bộ trưởng Trung Quốc đứng bên phải ảnh, thể hiện rõ vị thế của nước chủ nhà. Thứ trưởng Việt Nam thì có vẻ bất lợi với vị trí của mình. Ánh mắt Bộ trưởng Trung Quốc nhìn thẳng lộ vẻ quyết liệt, cùng với việc hơi ngửa cổ về phía sau, ông Thường Vạn Toàn muốn nói: “Ta mới là người làm chủ cuộc đàm phán”. Trong khi đó, ánh mắt của Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cũng là nhìn thẳng nhưng lông mày hơi hướng lên, mắt mở to, việc này tạo nên một hình ảnh đầy cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh bắt tay với Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn. Biết bị đưa vào thế khó, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đã đáp trả bằng việc ông bẻ ngửa tay Bộ trưởng Trung Quốc về phía mình, nói rõ hơn là ông đã khóa tay đối tác Trung Quốc
Nói về cái bắt tay, không phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Trung Quốc chọn kiểu đứng vuông góc với hướng chụp ảnh, với kiểu đứng này bàn tay của ông Thường Vạn Toàn hướng về phía trước, rõ ràng Bộ trưởng Trung Quốc đã cố tình tạo thế khó cho Thứ trưởng Việt Nam. Trong tư thế bắt tay, lợi thế luôn nghiêng về phía người đứng bên phải trong bức ảnh. Còn người đứng bên trái để đón nhận cái bắt tay đó đứng nghiêng người góc 2h (theo mặt đồng hồ), do đó người chụp ảnh sẽ chụp cả một phần lưng của người bên trái. Hình này sẽ khiến cho người xem nghĩ rằng người bên trái dường như hơi cúi đầu trước người bên phải. Biết bị đưa vào thế khó, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đã đáp trả bằng việc ông bẻ ngửa tay Bộ trưởng Trung Quốc về phía mình, nói rõ hơn là ông đã khóa tay đối tác Trung Quốc, trong một khung cảnh bất lợi thì đây có thể coi là một chiến thắng ngoại giao của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Cũng như ở nhiều cuộc gặp khác, ông Thường Vạn Toàn khẳng định, ****, Chính phủ Trung Quốc luôn coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt – Trung. Thế nhưng, điều mà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định trên bàn ngoại giao lại trái ngược với những gì đang diễn ra trên thực tế, bởi cách đây không lâu Trung Quốc đã xua đội tàu đánh cá 32 chiếc ra quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thực tế, từ trước đến nay, rất nhiều sự kiện ngoại giao cấp cao diễn ra với những cái bắt tay hữu nghị thắm thiết, nhưng trên biển Đông thì phía Trung Quốc lại thực hiện những cuộc gây hấn và xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Cho nên, hoạt động ngoại giao, đối thoại, đàm phán để đạt hiệu quả bảo vệ chủ quyền trên cơ sở tôn trọng hòa bình hữu nghị là việc phải làm nhưng liệu có thể tin vào những cái bắt tay “hữu nghị” nếu như điều đó không được thể hiện một cách thiện chí và đầy đủ trên thực tế. Để có cái bắt tay chân thành và hữu nghị thì trước hết cần phải xây dựng “lòng tin chiến lược” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh. Không ai có thể tin tưởng một đối tác đã quen với chiêu thức nói một đằng, làm một nẻo, cái bắt tay trên bờ chưa thể coi là biểu hiện trung thực về tình hữu nghị cần có trên biển Đông?
Tóm lại, việc bảo vệ vị thế của người Việt trước cộng đồng quốc tế không chỉ là lòng tự trọng dân tộc mà còn là trách nhiệm và mệnh lệnh công dân của không chỉ riêng lãnh đạo mà còn của bất cứ ai thuộc dải đất hình chữ S này. Lòng yêu nước, sự tự tôn dân tộc đòi hỏi chúng ta phải chú ý giữ gìn trước cộng đồng quốc tế ngay từ những việc tưởng như rất nhỏ: Từ cái bắt tay!
Link :
http://trandaiquang.net/dang-sau-cai-bat-tay-giua-thu-truong-nguyen-chi-vinh-va-bo-truong-quoc-phong-trung-quoc.html