Xuất hành Khai xuân Kỷ Hợi : Mừng SN10 - WGC.
Cơ mật viện tổ chức chuyến đi Y Tý. Nơi con sông Hồng chảy vào Đất Việt, chinh phục Ô Quí Hồ. Con đèo thứ 4 trong "Tứ Đại Đèo" mà Wgc còn thiếu.
Y Tý nằm ở độ cao trên 2.000m, lưng tựa vào dãy núi Nhìu Cồ San mà đỉnh của nó cao tới 2.660m, gần như quanh năm mây phủ. Mặt trời chốn ấy có lẽ ít có ngày được tỏa sáng cả 12 tiếng. Đường lên Y Tý là những con đường mòn vạch ngoằn ngoèo rồi chỉm nghỉm trong đám lá rừng, những ngôi nhà thấp thoáng trong mây. Có phải vì thế mà khi tới Y Tý, nhiều người cảm thấy như mình đang bước vào một thế giới khác, tách biệt với trần gian.
Y Tý cũng là nơi duy nhất có đông đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống, với bản sắc văn hóa đậm đặc, độc đáo và rừng nguyên sinh Dền Sáng, được ví như “rừng treo” trên núi đá cao vời vợi. Chính vì vậy đây là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách và dân “nghiện xê dịch” trong và ngoài nước.
Cột mốc 92 – Ngã 3 Lũng Pô
Mốc 92 nằm ở ngay ngã 3 sông, nơi sông Hồng chảy vào Việt Nam
Đây là ngã 3 nơi sông Nguyên Giang (Trung Quốc) gặp dòng Lũng Pô trên đất Việt Nam, hòa mình vào nhau và chảy vào đất Việt với tên gọi Sông Hồng. Đây cũng là nơi có mốc 92 (gồm 3 mốc là 92(1), 92(2) và 92(3) biên giới Việt Nam Trung Quốc. Mốc đặt phía Việt Nam là mốc 92(1), 2 mốc còn lại đặt trên bờ sông phía Trung Quốc.
Mốc 93(1) nằm trên đường vào Y Tý, ngay sát sông Hồng
Dọc tuyến đường từ Bát Xát đến Y Tý chúng ta có thể gặp khá nhiều mốc trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam Trung Quốc (đoạn qua tỉnh Lào Cai).
A Lù
Cánh đồng lúa ở A Lù
Người ở Bát Xát hay nói “Dốc A Lù – sương mù Ý Tý” để nói đến cái sự vất vả khi đi qua A Lù. Đây là một trong những xã nằm trên đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc dọc theo suối Lũng Pô, thuộc huyện Bát Xát, Lào Cai. Đường tới A Lù sẽ đưa các bạn lần lượt trải qua đủ những cung bậc cảm xúc, bởi sự thay đổi từ đường nhựa sang đường đất hay đang từ một con đường bỗng chốc chẳng thấy đường đâu.
Cũng như nhiều xã vùng cao Bát Xát, địa hình A Lù bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao, thấp dần từ đông nam sang tây bắc, giao thông trong vùng vô cùng khó khăn, cách trở. Nhưng cũng chính điều này đã mang lại cho A Lù một vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, khoáng đạt. Bà con người Mông, Dao, Hà Nhì, Phù Lá sống rải rác trên lưng núi, canh tác ruộng bậc thang khắp nơi. Vào mùa vụ, từ trên cao nhìn xuống A Lù trông như một bức tranh vẽ.
Những mảng màu xanh vàng xen kẽ trên cánh đồng A Lù vào mùa lúa chín
Do nằm trên độ cao từ 700 -1.000m so với mặt nước biển, lúa A Lù chỉ cấy một vụ, bà con phải chắt chiu từng thửa đất để trồng cây lương thực, thảo quả, trồng lúa, chỗ nào không dắt được nước thì gieo lúa nương. Những yếu tố tự nhiên và con người đó đã làm nên một điểm đến A Lù óng ả và phiêu bồng, đặc biệt vào mùa lúa chín hàng năm.
Ngải Thầu
Biển mây ở Ngải Thầu
Đoạn đường từ A Lù sang Ngải Thầu có thể coi là một trong những đoạn đường đẹp nhất trong hành trình khám phá Y Tý vào mùa lúa chín. Đây cũng là một trong những điểm đẹp có thể săn mây Y Tý.
Thung lũng Thề Pả
Ruộng bậc thang ở thung lũng Thề Pả
Thung lũng Thề Pả phần thuộc xã Y Tý với hàng nghìn thửa ruộng bậc thang vần vũ, uốn lượn, trải dài hơn 5km từ thông Choỏn Thèn đến cầu Thiên Sinh. Đây là di tích Quốc gia đã được công nhận.
Thề Pả theo tiếng địa phương nghĩa là ruộng chân núi hoặc ruộng đáy. Ruộng bậc thang ở đây chủ yếu do người Hà Nhì và người Mông ở xã Y Tý canh tác.
Chợ phiên Y Tý
Phiên chợ ở Y Tý họp mỗi tuần 1 lần, vào sáng thứ 7
Chợ Phiên Y Tý thường diễn ra vào thứ 7 hàng tuần, tại phiên chợ này có rất nhiều những mặt hàng rau, củ, quả do chính những đồng bào các dân tộc nơi đây làm ra, nơi đây không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, còn là dịp để các tràng trai, cô gái, đồng bào nơi đây diện những bộ trang phục đẹp nhất của mình. Khi đến chợ, mọi người thường mang theo những mặt hàng nông sản bày bán…. Ngoài những mặt hàng nông sản truyền thống, chợ phiên Y Tý còn có rất nhiều hàng tiêu dùng, như hàng may mặc, đồ gia dụng, cày, cuốc,…. Nhìn vào chợ, thấy đây không chỉ là bức tranh với những nét văn hoá đặc trưng, quyến rũ của vùng cao.
Lảo Thẩn
Mây trên đỉnh Lảo Thẩn
Nằm trên độ cao 2.860m so với mực nuớc biển, đỉnh Lảo Thẩn được xem như nóc nhà của Y Tý, thuộc bản Phìn Hồ, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đỉnh Lảo Thẩn với thế núi mạnh mẽ, hình dáng như kim tự tháp vươn mình lên trên tầng mây. Lảo Thẩn là cái tên phổ biến nhất mà dân địa phương ở đây thường gọi khi nhắc tới đỉnh núi nhọn hoắt vươn mình sừng sững giữa mây trời. Theo tiếng địa phương “Lảo” là hai. “Thẩn” là núi, tức là hai tầng núi. Với khung cảnh thần tiên khi mây trời và nắng gió cùng hòa quyện một cách ngoạn mục, nơi đây quanh năm mây mù bao phủ, mặt trời ít có ngày toả sáng đuợc 12 tiếng liên tục.
Thôn Hồng Ngài
Hoàng hôn ở Hồng Ngài
Thôn Hồng Ngài là thôn xa nhất của xã Y Tý (cách trung tâm xã khoảng gần 20km), tận cùng biên giới tỉnh Lào Cai, nằm trên độ cao gần 2.000 m so với mặt nước biển. Mảnh đất Hồng Ngài, phía Bắc xuôi xuống đến suối Lũng Pô, tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc, có cầu Thiên Sinh, phía Tây tiếp giáp với xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Cả thôn có hơn 50 hộ với toàn bộ là đồng bào dân tộc Mông.
Nhiều người hiểu nhầm bản Hồng Ngài này là bản Hồng Ngài trong “Vợ Chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài nhưng thực ra không phải, Hồng Ngài trong “Vợ chồng A Phủ” là ở huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Tuy là thôn xa nhất của xã Y Tý nhưng người dân Hồng Ngài có cuộc sống cũng tương đối ổn bởi đây là thôn trồng khá nhiều thảo quả, một loại nông sản mang lại giá trị cao.
Thôn Lao Chải
Những ngôi nhà trình tường của người dân ở thôn Lao Chải
Lao Chải là thôn có số người dân tộc Hà Nhì đen sinh sống đông nhất Ý Tý với 76 hộ dân và cũng là điểm đến hấp dẫn nhất ở chốn quanh năm mây phủ này. Tự thân cái tên “Lao Chải” đã mang nghĩa Hán là “thôn gốc”, “thôn cũ”, bởi đây là thôn đầu tiên với 100% là người Hà Nhì đen.
Lao Chải cũng là thôn mang đặc trưng riêng với tính thống nhất về mặt kiến trúc bởi các ngôi nhà trong thôn đều giống nhau từ hình thức, kết cấu, kiến trúc, không gian sử dụng và cả cách bài trí ngôi nhà. Tất cả đều được làm theo kiểu trình tường, bằng đất với hai vòng trong và ngoài. Nhà thường đắp tường dày từ 40 – 45cm, trong lõi có xếp đá bằng nắm tay, cao khoảng 4,5 – 5m.
Diện tích trung bình mỗi ngôi nhà dao động từ 65-80m2, có mái dốc ngắn (4 mái) lợp bằng cỏ gianh, không có hiên. Ngôi nhà có duy nhất một cửa ra vào ở chính giữa và thêm một hai cửa thông gió ở bên trái, hoặc bên phải lối ra vào, nhìn xa như lỗ con tò vò. Bên trong có lần cửa thứ hai cũng dày như tường ngoài, có tác dụng phòng thủ. Sau lần cửa này là bếp và giường ngủ của người làm chủ gia đình. Đây được coi là mẫu nhà chung cho các gia đình sống trong một khu vực cư trú, không có sự phân biệt sang hèn trong kiến trúc nhà ở.
Thôn Sim San
Cây cầu vào Sim San
Sim San là một thôn cách trung tâm xã Y Tý 10km, cả thôn có khoảng gần 100 hộ. Đời sống của người chủ yếu dựa vào trồng lúa và trồng ngô. Do địa hình nằm ở độ cao ở độ cao trên 2000m so với mực nước biển và nhiệt độ trung bình trong năm 15oC đến 20oC, chỉ sản xuất 1 vụ trong năm, nên đồng bào vùng này có rất nhiều thời gian nhàn rỗi. Từ điều kiện thổ nhưỡng đặc trưng, nên người Dao ở thôn Sim San đã trưng cất ra một loại rượu rất thơm ngon và lấy tên thôn để đặt cho sản phẩm, đó chính là Rượu Sim San.
Thôn Phan Cán Sử
Trẻ em Phan Cán Sử
Là một trong 2 thôn cao nhất của vùng biên Y Tý, cách trung tâm xã khoảng 6km với đường vào phải vượt qua khá nhiều con dốc. Từ Phan Cán Sử bạn có thể nhìn bao quát cảnh đẹp của Y Tý.
Cầu Thiên Sinh
Cầu Thiên Sinh nhìn từ phía Trung Quốc, con đường phía xa là đường xuống cầu phía bên Việt Nam
Cầu Thiên Sinh nằm ở cuối thôn Lao Chải, cách trung tâm xã Ý Tý gần chục km. Theo tiếng dân tộc Hà Nhì, cầu có tên là Thiên Sân Shù, dịch nghĩa là “trời sinh”. Sở dĩ gọi vậy là vì đây là cây cầu rất đặc biệt. Cầu chỉ ngắn chừng 1m, trước đây là một tảng đá tự nhiên bắc qua khe sâu hun hút dưới là dòng suối Lũng Pô gầm gào tung bọt trắng xóa. Từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước, qua sự vận động kiến tạo địa chất, khối đá khổng lồ đã bị nứt ra tạo thành khe đá này.
Dòng suối Lũng Pô nhìn từ trên cầu
Đây cũng là biên giới giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Theo thời gian, hòn đá bắc qua khe sâu cứ mòn lõm dần đi, người dân qua đây phải bắc những thanh gỗ làm cầu rồi xây cầu bê tông như bây giờ. Đứng trên cầu nhìn xuống, người thần kinh vững mấy cũng có cảm giác chóng mặt, bởi dưới vực đá sâu là dòng suối Lũng Pô ngày đêm gầm vang tiếng sóng nước xô vào ghềnh đá. Từ dưới nhìn lên thấy vách đá dựng đứng gần trăm mét, giữa khe sâu dòng nước như con ngựa bất kham hí vang, tung vó, “bờm sóng” đổ xuống ào ạt. Những tảng đá lớn, nhỏ được dòng nước mài giũa nhẵn bóng đủ các hình thù tầng tầng, lớp lớp. Có lẽ chính vì sự hùng vỹ này mà dòng suối có tên gọi Lũng Pô, tức là Rồng bố, rồng thiêng trên thượng nguồn “cửa thác” Bát Xát.
Dền Sáng
Cách xã Ý Tý khoảng 10km, nếu để ngắm màu vàng ươm thì ruộng bậc thang ở đây là vàng nhất tỉnh Lào Cai, theo người dân địa phương ở đây cho biết, ruộng được cấy bằng giống lúa tại địa phương vì thế màu rất vàng. Ruộng bậc thang Dền Sáng dễ ngắm nhìn dễ chụp ảnh vì nằm ngay bên đường lên Ý Tý, nơi đây người dân rất mến khách và sẵn sàng làm mẫu cho du khách chụp ảnh.
Chợ Mường Hum
Chợ Mường Hum
Chợ Mường Hum nằm ở trung tâm xã Mường Hum, huyện Bát Xát, họp vào ngày chủ nhật hàng tuần. Đến ngày họp chợ phiên, dòng người từ bản làng vùng cao các xã Mường Vi, Dền Sáng, Y Tý… đổ về chợ như đi hội. Đồng bào nơi đây đi bộ, đi ngựa, mang vác hàng hóa đến chợ để trao đổi, mua bán. Nhiều người khoác trang phục lộng lẫy đầy màu sắc của dân tộc mình. Đến chợ Mường Hum, du khách sẽ được thưởng thức những đặc sản của người dân các dân tộc Mông, Dao, Giáy…, đặc biệt là những trang sức bằng bạc do người Dao địa phương chế tác mang đến chợ bày bán...
Đèo Ô Quí Hồ, Thác bạc, Sa pa... Là những nơi ta sẽ đi qua trong cung đường này...
P/s: Ảnh và tư liệu đc st từ những "tín đồ thích xê dịch".