Nguồn: FB Thinh Quoc Nguyen
CAM ANH vs. QUÝT VIỆT
Nhiều người có con thi vào hệ CAM nhưng vẫn lơ mơ về chương trình này. Để hiểu tổng thể về hệ CAM, các mẹ có thể tìm lại các bài viết trong group được nhiều người viết theo nhiều góc nhìn khác nhau. Ở tút này, tôi muốn chia sẻ về chương trình A-level dưới góc nhìn của người dạy trực tiếp. Trước tiên, xin định nghĩa qua loa về Cam và Quýt.
CAM ANH
A-level là chương trình mà kiến thức tương đương lớp 10-11-12 của VN, nhưng chỉ học 2 năm, chuẩn bị để vào ĐH ở các nước thuộc hệ Anh (chủ yếu). Trước đó là IGCSE tương đương lớp 9-10 (version 10 này nhẹ hơn của A-level) của VN. A-level có nhiều môn như Toán, Lí, Hóa, Sinh, Kinh tế… nhưng ở đây mình chỉ nói đến Toán, Lí.
QUÝT VIỆT = chương trình của Bộ GD hiện hành.
TOÁN
Nếu đã học tốt chương trình của VN thì học sinh VN sẽ không gặp vấn đề gì với Toán A-level. Về độ khó, bài tập của VN đánh đố hơn rất nhiều, nhưng ngược lại, về nội dung lại thiếu phần thống kê. Với chương trình GD đổi mới sắp tới (2020), gần như 100% là 2 chương trình sẽ khớp nhau về trình độ lẫn nội dung. Việc dạy Toán ở cả 2 hệ có lẽ sẽ không gặp vấn đề gì lớn.
VẬT LÍ
Để hình dung rõ hơn, xin nói một chút về môn Vật lí hiện tại của VN. Cấp 2, chương trình VN tách thành các môn, với Vật lí thì cứ 2 năm là xong 1 cấp độ: lớp 6-7 học 1 vòng Cơ-Nhiệt-Điện-Quang; lớp 8-9 lại quay lại với cấp độ khó hơn; lên cấp 3 lại quay vòng tiếp. Nếu chia thang 10 thì lớp 6-7 cỡ 2-3 điểm; lớp 8-9 cỡ 4-5 điểm; lên 10 bỗng thành 8 điểm. Có một khoảng hụt mênh mông giữa lớp 9 và 10, khiến cho học sinh lên cấp 3 choáng váng, kiểu như từ trong phòng điều hòa ra ngoài đường, say nắng là điều không tránh khỏi.
Với Vật lí CAM, kiến thức quay vòng ở lớp 678 (checkpoint), rồi 9-10 (iGCSE) và 11-12 (A-level), được chia rất đều về độ khó, học sinh tiếp thu kiến thức sẽ êm ái hơn rất nhiều.
Cũng vì sự chia khoảng không giống nhau của môn Vật lí như trên nên so với đầu vào song bằng A-level (sử dụng đầu ra của iGCSE tức là hết kiến thức lớp 10, version nhẹ hơn) thì thí sinh mới xong lớp 9 hơi thiếu kiến thức. Bạn nào thi hệ này, phải gấp rút bổ sung kiến thức lớp 10 ở một vài nơi (ví dụ, à mà thôi, nói ra lại bảo PR
). Còn sau khi đã vào hệ này, kiến thức không khác gì nhiều, thậm chí học thế sẽ bổ trợ cho việc thi tốt nghiệp và ĐH ở VN vì trước đây, thi cuối cấp môn Vật lí chỉ là kiến thức lớp 12 thì từ năm sau, sẽ bao phủ toàn bộ chương trình 10-11-12. Theo đó, đề thi rộng ra, câu hỏi dễ hơn và đời hơn (Vật lí hơn chứ không dùng biến đổi toán để đánh đố).
Với cùng lượng kiến thức, cách triển khai của CAM theo kiểu qui nạp: làm thí nghiệm, vẽ biểu bảng, đồ thị, phân tích (tức là sử dụng nhiều kĩ năng, xem hình đính kèm) để rút ra qui luật (kiến thức); trong khi đó, chương trình VN là diễn giải: cho công thức định luật và làm thật nhiều bài tập để chấp nhận định luật đó. Theo quan sát hiện nay, GV hệ song bằng đang áp dụng cách dạy/học của VN khiến học sinh mất đi quá trình trải nghiệm, dẫn tới không hình thành kĩ năng giải quyết vấn đề. Đây là thách thức không chỉ hệ CAM mà còn đối với đợt đổi mới GD sắp tới.
Tóm lại, khi so sánh 2 hệ Cam và Quýt, ta thấy có khá nhiều điểm tương đồng (phổ thông mà), chỉ khác nhau ở cách thức triển khai. Cách triển khai của Cam hợp lí hơn nhưng đòi hỏi sự đầu tư lớn lao từ các GV VN-vốn dĩ là những người rất ít thay đổi, không chịu học cái mới. Tuy vậy, vẫn hi vọng dưới sức ép phải đổi mới thì tình hình sẽ khá dần lên và hệ Cam sẽ là một lựa chọn không tồi cho giáo dục VN.
…
Không đổi mới, tôi lập trường mở các lớp thực hành, hút hết học sinh thì đừng trách! Ngồi hồ Văn Quán mát quá nên câu này là gió chém, các bố mẹ thông cảm.
Thầy Thịnh viết!