Các nhà đầu tư tổ chức: Không chỉ có bán ra
14/10/2008 - ĐTCK
Tháng 9 là tháng đầu tiên từ đầu năm 2007 tới nay, các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) trở thành đối tượng bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó cũng không ít người mua vào.
Theo thống kê của Ngân hàng HSBC, mức bán ròng của các NĐTNN trong tháng 9 lên tới 166 triệu USD. Còn theo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), trong 6 phiên giao dịch đầu tháng 10, các NĐTNN đã bán ra gấp 1,4 lần khối lượng mua vào. Đây là một trong những lý do quan trọng khiến VN-Index mất điểm.
Tuy nhiên đó không phải là toàn bộ động thái giao dịch của khối này. Cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, không ít các quỹ, các tổ chức cũng đã mua vào. Cụ thể, Ngân hàng Deutsche Bank Aktiengesellschaf đã thực hiện mua 365.970 cổ phiếu của CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,90% lên 5,01%. Cũng thời gian này, Citigroup Global Market Ltd & Citigroup Global Market Financial Products Ltd đã nâng tỷ lệ sở hữu của mình tại Công ty cổ phần Thủy sản số 4 (TS4) từ 14,76% lên thành 15,12% thông qua việc mua vào 29.900 cổ phiếu. Tương tự, Citigroup Global Market Financial Products Ltd đã mua vào 92.280 cổ phiếu của CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF), tăng tỷ lệ sở hữu từ 8,70% lên 10,29% cổ phần của công ty này...
Những ngày đầu tháng 10, khi tâm lý nhiều nhà đầu tư trong nước bị ảnh hưởng khá nặng về tình hình khủng hoảng của chứng khoán Mỹ và thế giới thì việc mua vào của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức lớn vẫn tiếp tục được tiến hành. Chẳng hạn Citigroup Global Market Ltd & Citigroup Global Market Financial Products Ltd đã tiếp tục mua vào 33.640 cổ phiếu của CTCP Nước giải khát Sài Gòn (TRI), nâng tỷ lệ sở hữu từ 9,63% lên 10,06%. Không chỉ các tổ chức nước ngoài, một số tổ chức trong nước cũng mua vào như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) mua 102.320 cổ phiếu của CTCP Vật tư xăng dầu Comeco (COM), nâng tỷ lệ sở hữu từ 6,04% lên thành 7,23%...
Là một trong những quỹ bán ra khá nhiều cổ phiếu trong thời gian vừa qua, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital, cho biết, việc liên tục bán ra cổ phiếu của VinaCapital trong thời gian qua là để cơ cấu lại danh mục đầu tư cho phù hợp với chiến lược đầu tư của quỹ trong thị trường đầy biến động như hiện nay. Ông Andy Ho đánh giá cao cơ hội đầu tư trong giai đoạn thị trường điều chỉnh hiện nay và cho rằng đây là thời điểm rất tốt để mua vào các cổ phiếu theo định hướng danh mục đã có sẵn khi giá đạt ngưỡng mua vào. VinaCapital cũng đang hướng đầu tư thêm vào danh mục các cổ phiếu có tình hình kinh doanh và lợi nhuận phát triển ổn định mà ít bị ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế.
Phát biểu trong buổi gặp gỡ với các quỹ đầu tư, các ngân hàng cuối tuần trước, ông Trần Đắc Sinh, Tổng giám đốc HOSE khẳng định, tuy bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra trên thế giới nhưng kinh tế Việt Nam trong thời gian qua đã được củng cố bởi các giải pháp nhất quán của Chính phủ trong việc giải quyết tình trạng lạm phát và thâm hụt cán cân thương mại, chẳng hạn như lạm phát tháng 9 đã giảm xuống mức thấp, thâm hụt thương mại cũng đang được thu hẹp. Ông Sinh cho rằng, với các “thành tích” trên, thị trường Việt Nam có thể coi là một điểm đến đầu tư thay thế trong bối cảnh thế giới hiện nay.
Giám đốc một công ty quản lý quỹ đang quản lý 2 quỹ niêm yết ở nước ngoài cũng cho rằng, trong tình hình thị trường tài chính thế giới khủng hoảng thì việc ổn định của Việt Nam chính là “lực hút” đối với các dòng tiền.
Trên thực tế, cuộc khủng hoảng chứng khoán thế giới không gây ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế trong nước nhưng về mặt tâm lý của nhiều nhà đầu tư lại bị tác động khá nặng nề. Đây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bán tháo cổ phiếu của rất nhiều nhà đầu tư cá nhân và mở ra cơ hội mua vào cho những tổ chức, các quỹ đầu tư, những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
http://www.bsc.com.vn/StockNews.aspx?newsid=108998&group=Market