Bộ trưởng Bộ Tài chính: Thu thuế chứng khoán là cần thiết để khuyến khích đầu tư dài hạn
TTCK sụt giảm là một trong những "tâm điểm" được các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận tại phiên họp thứ 13 khi cho ý kiến về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009. Bản báo cáo này sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Theo nhận định của nhiều thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sự sụt giảm của TTCK sẽ là chủ đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Xung quanh nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nhận định:
TTCK Việt Nam đi vào vận hành được hơn 7 năm, nhưng trên thực tế thị trường mới chỉ phát triển trong hơn 2 năm gần đây. Mặc dù mới thực sự phát triển trong thời gian không lâu, nhưng TTCK đã trở thành kênh huy động vốn nhanh nhạy, kịp thời cho cả nền kinh tế. Không chỉ có các thành phần kinh tế huy động vốn trên thị trường, mà Chính phủ cũng coi TTCK là kênh huy động vốn quan trọng thông qua việc tổ chức đấu thầu trái phiếu chính phủ trên TTGDCK Hà Nội.
Từ nửa cuối năm 2006 đến quý IV/2007, TTCK tăng trưởng rất mạnh, có thời điểm nhiều chuyên gia kinh tế gọi là tăng trưởng bong bóng. Từ đầu quý II/2008 trở lại đây, nền kinh tế nước ta gặp không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân cả khách quan cũng như nội tại của nền kinh tế, nên các chỉ số về kinh tế vĩ mô như lạm phát, nhập siêu… không bảo đảm mục tiêu đề ra, đã khiến TTCK sụt giảm. Đặc biệt, trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, TTCK Việt Nam tuột dốc mạnh. Có thể nói, đây là yếu tố quan trọng nhất tác động đến TTCK Việt Nam và nhiều người nhận định "quả bóng chứng khoán" đang xì hơi.
Tôi cho rằng, dù tăng trưởng mạnh hay tuột dốc thì TTCK Việt Nam vẫn không phải là thị trường bong bóng, mà yếu tố quan trọng nhất tác động đến thị trường này là tâm lý của nhà đầu tư do cách thức đầu tư vẫn còn theo phong trào. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Nam gặp không ít khó khăn, nhưng sang đến quý III đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc (tốc độ tăng GDP quý III đạt 6,55%, cao hơn con số 5,85% của quý II); kết quả sản xuất - kinh doanh của các công ty niêm yết tháng 9 và 9 tháng đầu năm công bố cho thấy, có nhiều tín hiệu khả quan, nhưng thị trường vẫn đi xuống do thông tin xấu từ thị trường tín dụng, ngân hàng, chứng khoán thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… TTCK thế giới không tác động trực tiếp đến TTCK Việt Nam, vậy vì sao lại có tình trạng này? Tôi cho rằng, yếu tố tâm lý là lý do kéo thị trường xuống, cho dù có không ít mã cổ phiếu hiện được đánh giá quá thấp nhưng vẫn không ngừng giảm giá vì mọi người suy luận rằng, nền kinh tế nước ta đã hội nhập với nền kinh tế thế giới, nên không có lý do gì khi TTCK thế giới đồng loạt giảm giá mà TTCK Việt Nam lại không giảm.
Nhiều người nhận định, TTCK Việt Nam đang bị "chi phối" bởi hoạt động đầu cơ của một số tổ chức. Gần đây, báo chí hay dùng từ "lướt sóng" để nói về hành vi đầu cơ trong giai đoạn thị trường biến động mạnh để kiếm lời. Tôi thừa nhận, hoạt động đầu cơ trên TTCK là có, tuy nhiên chỉ ở những mức độ vừa phải, chứ không chi phối được thị trường.
Luật Chứng khoán đã có hiệu lực, các văn bản hướng dẫn đã được Chính phủ và Bộ Tài chính ban hành song trên thực tế, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến TTCK vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh và đầy đủ. Đơn cử như chính sách thuế với chứng khoán. Mặc dù thị trường đã đi vào hoạt động hơn 7 năm nhưng đến thời điểm này, Nhà nước gần như không thu được khoản nào liên quan đến đầu tư chứng khoán, trừ khoản thuế thu nhập doanh nghiệp thu của các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Cũng do thiếu các sắc thuế để điều chỉnh, nên rất khó kiểm soát hoạt động đầu cơ, hành vi "lướt sóng". Tôi tin, khi Luật Thuế thu nhập cá nhân đi vào cuộc sống thì chúng ta sẽ có chính sách thuế để định hướng cho TTCK.
Một số người cho rằng, trong giai đoạn thị trường xuống dốc, nhiều nhà đầu tư bị lỗ thì chưa nên thu thuế thu nhập cá nhân đối với đầu tư chứng khoán, chuyển nhượng chứng khoán. Nhưng tôi cho rằng, đây là sắc thuế cần thiết để khuyến khích đầu tư dài hạn, hạn chế đầu cơ, đầu tư ngắn hạn, hạn chế được tình trạng "lướt sóng", bởi sắc thuế này đánh thuế mỗi lần NĐT chuyển nhượng chứng khoán, NĐT nào giữ cổ phiếu dài hạn thì không phải đóng thuế. Còn trong giai đoạn thị trường biến động mạnh, tổ chức, cá nhân nào muốn tranh thủ "lướt sóng", muốn đầu cơ, thực hiện giao dịch liên tục thì phải đóng thuế cũng là lẽ đương nhiên.....
Để quản lý TTCK trong dài hạn, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ một đề án tương đối toàn diện trong việc quản lý cả thị trường chính thức lẫn phi chính thức. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng mới trình Thủ tướng Chính phủ một đề án tổng thể về xử lý khủng hoảng, trong đó đưa ra các điều kiện, biến động trong từng thời điểm của thị trường và tương ứng với nó là một loạt giải pháp xử lý phù hợp. Cụ thể, chúng tôi chia sự khủng hoảng của thị trường theo nhiều cấp độ khác nhau và mỗi một cấp độ đều kèm theo hàng loạt giải pháp xử lý, tương tự như việc chia cấp độ của cơn bão và cách thức ứng phó cơn bão trong từng cấp độ khác nhau.
:77::77::77::77::77::77::77::77::77: