Gói kích thích kinh tế bao gồm 4 khoản trong đó vốn đầu tư phát triển của Nhà nước khoảng 90,8 nghìn tỷ đồng.
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương nghiên cứu và đề xuất các giải pháp, chính sách tiếp tục kích thích phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Ngày 7/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2009, theo đó sẽ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2010 cao hơn năm 2009 và tạo cơ sở để tăng cao hơn trong những năm tiếp theo.
Chính phủ đã quyết nghị giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, NHNN cùng các bộ, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình tài chính, tiền tệ và các cân đối lớn của nền kinh tế, có biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phòng ngừa lạm phát cao trở lại.
Thực tế triển khai Gói kích thích kinh tế cho thấy, đây là chính sách có tính lan toả cao, tạo lòng tin và tác động tích cực cho sản xuất kinh doanh đầu tư, đến tổng cầu của nền kinh tế.
Hầu hết các khoản cho vay hỗ trợ lãi suất phù hợp với quy định của pháp luật, tăng trưởng tín dụng ước cả năm tăng khoảng 30%, góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế. Các địa phương cho biết, cơ chế hỗ trợ lãi suất đã tạo điều kiện để giảm giá thành sản phẩm, duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Gói kích thích kinh tế bao gồm 4 khoản: hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng khoảng 17.000 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển của Nhà nước khoảng 90,8 nghìn tỷ đồng; thực hiện chính sách miễn, giảm thuế khoảng 28 nghìn tỷ đồng; các khoản chi khác nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội khoảng 9,8 nghìn tỷ đồng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền, hiện nay, nền kinh tế cơ bản đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Tuy nhiên, những vấn đề phát sinh đang gây rất nhiều khó khăn cho chính sách tiền tệ trong việc duy trì, bảo đảm ổn định cân đối vĩ mô của nền kinh tế, nhất là cán cân thanh toán, cung cầu tiền tệ, ổn định lãi suất và tỷ giá.
Ủy ban Kinh tế đề nghị cần tiếp tục thực hiện các chính sách kích thích kinh tế nhưng tập trung cho các mục tiêu trung và dài hạn, cho mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế… và đề nghị nên dừng chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn hạn theo Quyết định 131/QĐ-TTg đúng thời hạn đã được công bố (31/12/2009).
Đại diện cho Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến nhận định chương trình hỗ trợ lãi suất kết thúc đúng thời hạn là một điều bình thường. Năm 2010 nếu tiếp tục như năm 2009 là không có lợi.
Phó Thống đốc cho rằng: “NHNN và Ủy ban Tài chính Ngân sách cùng chung quan điểm rằng không nên lo ngại việc doanh nghiệp sẽ bị sốc khi gói kích cầu ngắn hạn kết thúc, có chăng chỉ là sốc tâm lý vì ngay khi ban hành chương trình này, Chính phủ đã công bố thời điểm chấm dứt vào 31/12/2009.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, TS. Vũ Viết Ngoạn, gói hỗ trợ lãi suất, chỉ nên dành cho các khoản vay trung và dài hạn, tức là duy trì Quyết định 443/QĐ-TTg; còn hỗ trợ lãi suất cho vay vốn lưu động theo Quyết định 131 thì nên kết thúc theo đúng thời hạn Chính phủ đã tuyên bố…
Do vậy, Chính phủ cần quan tâm trong đầu tư công để giải quyết những nút thắt, điểm nghẽn của nền kinh tế là hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực, đồng thời tập trung cải cách hành chính, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.