8 tháng đầu năm 2009, PVFC đạt doanh thu 3.382,6 tỷ đồng, bằng 86,7% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế 640 tỷ đồng đạt 142,2% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
"Nhóm cổ phiếu tài chính hiện nay đang có tính chất hỗ trợ thị trường không tăng quá nóng và không giảm quá mạnh trong các phiên điều chỉnh. Khả năng bứt phá tăng mạnh các cổ phiếu ngân hàng trong thời gian ngắn vẫn chưa rõ ràng" Khánh - một nhà môi giới của BVS đã nhận định như vậy khi đánh giá về cổ phiếu tài chính trong thời gian gần đây.
Cổ phiếu tài chính "ngủ gật"
8 tháng đầu năm 2009, PVFC đạt doanh thu 3.382,6 tỷ đồng, bằng 86,7% kế hoạch năm, đáng chú ý lợi nhuận trước thuế 640 tỷ đồng (sau trích lập dự phòng tín dụng và trích lập dự phòng đầu tư), đạt 142,2% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Với kết quả kinh doanh khả quan, hầu hết các chỉ tiêu về tài chính tăng trưởng cao trong 8 tháng đầu năm thì cổ phiếu PVF hiện tại phải được các nhà đầu tư quan tâm, song giá của PVF hiện vẫn tích luỹ quanh mức từ 43.000đ/CP-47.000đ/CP trong những ngày gần đây.
Tính đến nay, ngoài sự góp mặt của PVF còn có năm cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng khác đang niêm yết trên cả hai sàn nhưng mức tăng vừa qua của nhóm cổ phiếu này còn rất khiêm tốn so với thị trường và các cổ phiếu khác mặc dù 8 tháng đầu năm nay, các ngân hàng trên đều thông báo đã hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm và công bố những con số hàng nghìn tỷ đồng lãi. Trong một tháng trở lại đây, cổ phiếu của ACB tích lũy quanh quẩn ở mức 46-48.000đ/CP, VCB từ 53-57.000đ/CP, SHB từ 30-33.000đ/CP, STB từ 37-39.000đ/CP, CTG từ 37-40.000đ/CP trong khi đó thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng mạnh, tính từ ngày 31/07 đến ngày 11/09, VNI-Index tăng trên 15%, còn HNX-Index tăng trên 12%.
Cung lớn, cầu nhỏ
Sau phiên giao dịch hôm 11/9, vốn thị trường của PVF đạt 21.400 tỷ đồng, vượt qua BVH trở thành cổ phiếu đứng thứ 5 về giá trị thị trường sau VCB (64.135 tỷ đồng), CTG (41.186 tỷ đồng), ACB (29.237 tỷ đồng) và VNM (29,856 tỷ đồng), . Những cổ phiếu vốn hoá thị trường lớn hiện đang là những cổ phiếu "thống trị" có tác động lớn đến chỉ số VN-Index nói riêng và trên thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung. Ngoài ra, các cổ phiếu của các ngân hàng như STB (19.236 tỷ), SHB (6.260 tỷ) đều là những cổ phiếu "khủng" có vốn hóa lớn, cũng có tác động không nhỏ đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thông thường, các cổ phiếu "khủng" hoặc các cổ phiếu trong nhóm ngành tài chính đóng vai trò tiên phong và dẫn dắt xu thế trong các đợt tăng giảm của thị trường. Tuy nhiên, vai trò này trở nên khá mờ nhạt bởi thị trường đã có một lượng cung lớn được tăng trong thời gian gần đây làm tăng khối lượng cổ phiếu nhóm ngành tài chính được lưu hành đồng thời pha loãng các cổ phiếu của nhóm ngành này.
Kể từ cuối tháng 4/2009 đến nay đã có đến 3 ngân hàng lớn chào sàn đó là cổ phiếu của ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) sau đó ngân hàng Vietcombank (VCB) và ngân hàng Công thương Việt Nam (CTG) cũng tiếp tục được chấp thuận niêm yết. Tiếp đó, đầu tháng 9 ACB chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu tỷ lệ 1:100 và vì vậy sắp tới số lượng cổ phiếu ACB sẽ tăng thêm gần 135 triệu cổ phiếu, STB dự kiến phát hành hơn 158 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ thông qua việc trả cổ tức năm 2008 bằng cổ phiếu 15%, phát hành thêm cổ phiếu tỷ lệ 20:3. Ngoài ra, Eximbank đã được ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc tăng vốn từ 7.219 tỉ lên 8.800 tỉ đồng và dự kiến sẽ sớm lên sàn niêm yết HoSE trong thời gian sắp tới với 880 triệu cổ phiếu.
Ngoài ra trong giai đoạn này do các cổ phiếu tài chính, ngân hàng có tính thanh khoản rất cao, dễ mua bán nên các nhà đầu tư thường chọn lựa các cổ phiếu nóng có thông tin tốt như thưởng cổ phiếu, chia cổ tức cao, có lợi nhuận đột biến,... để đầu tư thu lợi nhuận ngắn hạn trước khi quay trở lại đầu tư các cổ phiếu tài chính, ngân hàng.
Cổ phiếu nào là cổ phiếu tiềm năng của tháng 9?
Bước sang tháng 9, thị trường và tâm lý nhà đầu tư đã được tác động tích cực bởi những thông tin tốt về kinh tế vĩ mô, về sức khỏe thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới trong những ngày gần đây. Những thông tin gần đây về gói kích thích tăng trưởng kinh tế thứ 2 và tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được giữ nguyên ở mức 30% chắc chắn cũng sẽ được thị trường đón nhận tích cực. Đối với các doanh nghiệp trong ngành tài chính việc giữ nguyên tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ở mức 30% mang lại tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng, giúp các doanh nghiệp này có thể đáp ứng được nhu cầu về vốn vay khi nền kinh tế bước vào giai đoạn hồi phục.
Bên cạnh đó, kinh tế thế giới thoái khỏi suy thoái sẽ khiến hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước khác tăng lên từ đó các mảng kinh doanh khác của công ty trong nhóm ngành tài chính là kinh doanh ngoại tệ và thanh toán quốc tế được hưởng lợi.
Tiếp đó, việc thị trường chứng khoán tăng trở lại giúp các doanh nghiệp trong ngành tài chính sẽ tiếp tục hoàn nhập các khoản dự phòng đầu tư tài chính trong những năm trước và đồng thời đây cũng là điều kiện để các doanh nghiệp này tăng vốn từ các khoản thặng dư có từ 2-3 năm trước đó.
Mặt khác với sự sôi động trở lại của nền kinh tế, các ngân hàng có thể gia tăng lợi nhuận từ các nghiệp vụ ngoài tín dụng (kinh doanh ngoại hối, sàn vàng, bảo lãnh...) và hoạt động đầu tư chứng khoán thông qua các công ty con hoặc chính danh mục đầu tư của mình.
Như vậy, cổ phiếu nhóm tài chính được nhận định sẽ hưởng lợi khi kinh tế đang phục hồi mạnh và rõ nét, nhất là sau khi nhóm này đã có sự tích lũy trong thời gian qua.