Lại thêm những thông tin tốt cho thị trường đây các cụ ơi:
Cả thế giới “đỡ” chứng khoán
Sau nhận định của Tống thống Mỹ Barack Obama rằng, nền kinh tế Mỹ đã chấm dứt 19 tháng suy thoái, hiện đang ở điểm đáy, TTCK Mỹ đã có sự phục hồi mạnh. Chính phủ Trung Quốc cũng có những tuyên bố trấn an thị trường về chính sách tín dụng nhằm đảm bảo các khoản vay được sử dụng đúng mục đích, chứ không phải là thắt chặt tín dụng một cách chung chung.
Có vẻ như chính phủ các nền kinh tế trên thế giới đều muốn giữ niềm tin vừa được tạo dựng lại trong lòng người dân và cộng đồng nhà đầu tư về sự chấm dứt của khủng hoảng kinh tế. Không chỉ muốn có niềm tin về việc kinh tế chấm dứt khủng hoảng và sẽ phục hồi, chính phủ các nước dường như muốn người dân tin rằng, kinh tế sẽ phục hồi theo hình chữ V, chứ không phải theo hình chữ W. Bởi vậy, như ở Trung Quốc, dù bắt đầu lo lắng về tình trạng bong bóng bất động sản hay chứng khoán - hiện tượng thường xảy ra trong các chu kỳ phục hồi nhanh của nền kinh tế, nhưng Chính phủ cũng lo giữ niềm tin vào sự nhất quán của chính sách thúc đẩy tăng trưởng.
Chính phủ Việt Nam dường như cũng đã và đang phải giải bài toán này. Bắt đầu ngăn chặn nguy cơ lạm phát quay trở lại do cung tiền lớn, nhưng cũng phải đảm bảo cung tiền cho tăng trưởng sản xuất, dịch vụ, thương mại. Nói ngắn gọn, chất lượng tăng trưởng là tiêu chí số một cần chú trọng trong giai đoạn hiện nay.
Việc thực hiện các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát, hạn chế bong bóng ở các thị trường như chứng khoán và bất động sản thời điểm này không đơn giản chỉ là tìm một chính sách đúng, mà còn là một nghệ thuật trong thực hiện các chính sách một cách uyển chuyển, phối hợp nhiều công cụ khác nhau.
Hàng loạt động thái trong thời gian gần đây như kiểm soát tín dụng, lập các đoàn thanh tra giám sát hoạt động ngân hàng, cam kết giữ nguyên lãi suất cơ bản, đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng, công bố dự thảo Luật Thuế nhà đất… của cơ quan nhà nước là sự phối hợp nhằm một mặt ngăn chặn nguy cơ bong bóng, củng cố chất lượng sử dụng vốn vay, mặt khác giữ lửa lạc quan của người dân và giới đầu tư.
TTCK vì thế đang được giữ cân bằng giữa niềm tin vào triển vọng dài hạn và những biến động của chính sách có thể tác động đến thị trường trong ngắn hạn và trung hạn.
Trong bối cảnh này, cơ hội và thách thức xuất hiện đồng thời đối với nhà đầu tư chứng khoán, đòi hỏi sự bản lĩnh và thông minh để đánh giá tình hình và quyết định thời điểm ra vào thị trường. Cơ hội thu lời lớn, nhưng rủi ro cũng lớn. Tuy nhiên, dấu hiệu tích cực là thị trường đã ổn định hơn rất nhiều, rủi ro vì thế khó xảy ra trong dài hạn. Do đó, nếu không có cảm xúc thị trường tốt để tối đa hóa lợi nhuận bằng việc ra vào thị trường thường xuyên thì nhà đầu tư có thể lấy câu "dĩ bất biến, ứng vạn biến" để làm phương châm đầu tư trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, cuối cùng thì nền kinh tế cũng được củng cố lại, các chính sách tiền tệ trở lại bình thường và nền kinh tế sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng cao hơn, bền vững hơn sau giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu.
(Đầu tư chứng khoán điện tử)