Nhiều người lo sợ một cuộc tháo chạy, nhưng các chuyên gia cho rằng thị trường khó giảm sâu, và vẫn có triển vọng tốt trong dài hạn.
Chứng khoán Việt Nam sau giai đoạn phục hồi mạnh mẽ với khối lượng giao dịch liên tiếp lập kỷ lục, đã chuyển sang giai đoạn điều chỉnh, thanh khoản sụt giảm mạnh. Nhiều người lo sợ một cuộc tháo chạy, nhưng các chuyên gia cho rằng thị trường khó giảm sâu, và vẫn có triển vọng tốt trong dài hạn
Quan sát diễn biến của thị trường tài chính thế giới tính từ ngày 10.10.2007 – thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng đến nay (10.7.2009), trong gần 40 chỉ số chứng khoán thế giới có tính chất đại diện, Việt Nam là nước có chỉ số chứng khoán rớt giá mạnh nhất nếu xét chỉ số HaSTC ở thủ đô Hà Nội và rớt giá đứng thứ nhì nếu xét chỉ số VN-Index ở TP.HCM, chỉ sau chỉ số RTS của Nga.
Điều này một phần có thể lý giải bởi vì thị trường Việt Nam đã tăng rất nhanh và mạnh trong giai đoạn đầu năm 2006 đến tháng 10.2007 nên khi khủng hoảng xảy ra thì cũng rớt giá rất nhanh chóng, đây cũng là đặc điểm của các thị trường mới nổi.
Sau hồi phục là điều chỉnh
Chung cuộc, sau quá trình sụp đổ VN-Index đã mất đi 78,80% còn HaSTC-Index đã mất đến 80,82% và chiếm vị trí số một về mức độ tổn thất trong các chỉ số chứng khoán quan sát.
Sau khoảng thời gian hơn 14 tháng sụp đổ và có những giai đoạn cố gắng tăng điểm nhưng bất thành, giai đoạn thực sự bắt đầu chạm đáy và hồi phục của thị trường chứng khoán thế giới diễn ra từ khoảng cuối tháng 1 đến tháng 3.2009. Sàn Hà Nội của Việt Nam có mức hồi phục tăng mạnh nhất và chỉ số RTS của Nga đứng thứ hai. Thị trường Việt Nam, Nga, Ấn Độ và Rumani nằm trong nhóm tăng mạnh nhất, trên 100%. Chỉ số SSE của Trung Quốc rất nổi bật khi đang liên tục chinh phục các mức cao mới gần đây mặc dù hầu hết chứng khoán của các nước đang điều chỉnh giảm.
* Giai đoạn hồi phục thứ nhất: bắt đầu từ ngày 24.2 – 15.4.2009 (VN-Index tăng được 48,22% từ 234,66 điểm lên đến 347,81điểm).
Trong giai đoạn này các cổ phiếu thuộc ngành chứng khoán và bất động sản đã chứng tỏ sự hồi phục nhanh nhất. Trong giai đoạn này, hầu hết các mã cổ phiếu khi gần chạm đáy thấp nhất đều đã sụt giảm nghiêm trọng, các chỉ số cơ bản đều rất tốt để đầu tư dài hạn do tình hình thị trường ảm đạm và tính thanh khoản rất thấp.
* Giai đoạn hồi phục thứ hai: bắt đầu từ ngày 24.4 – 12.6.2009 (VN-Index tăng 72,49% từ 304,49 điểm lên đến 525,22 điểm). Trong giai đoạn này có đến hơn 140 cổ phiếu có mức tăng trên 100%.
Tổng kết giai đoạn hồi phục vừa qua: tính toàn bộ từ thời gian bắt đầu hồi phục vào cuối tháng 2.2009 đến đỉnh cao của tháng 6.2009, chỉ trong chưa đầy bốn tháng, cả hai sàn giao dịch đã có mức hồi phục hết sức ngoạn mục với hơn 240 mã cổ phiếu đạt mức tăng trên 100%, trong đó có hơn 70 mã cổ phiếu đã tăng trên 200%.
Nhìn chung, các mã có thông tin lợi nhuận tăng đột biến, các cổ phiếu thuộc ngành chứng khoán, tài chính, bất động sản, các cổ phiếu có thông tin chia cổ tức cao, các cổ phiếu có mức giá ở thời điểm thấp nhất dưới mệnh giá là các cổ phiếu đã tăng mạnh nhất.
Tính đến thời điểm hiện nay, thị trường tài chính thế giới đang trong quá trình điều chỉnh giảm để củng cố sau khi trải qua quá trình hồi phục, các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Anh, Pháp… đã điều chỉnh giảm liên tục 4 – 5 tuần sau khi đạt đỉnh cao. Điểm nổi bật là thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn đang chinh phục các mốc cao mới.
Thị trường Việt Nam sau khi đạt đỉnh cao gần đây đã giảm liên tục ba tuần nhưng đến tuần thứ tư vừa qua đã tạm thời tăng nhẹ.
Chờ mua giá thấp
Các công ty lớn như Bảo Việt, Vietcombank, VietinBank liên tiếp lên sàn và chuẩn bị lên sàn giao dịch HoSE nhưng không hỗ trợ được thị trường vì giá chào sàn ở mức khá cao. Hơn nữa tổng giá trị giao dịch của thị truờng không những không được cải thiện mà còn sụt giảm các tuần gần đây cho thấy dường như các nhà đầu tư đang mong chờ mua cổ phiếu ở các mức giá thấp hơn và điều này có thể dẫn đến việc thị trường sẽ phải trải qua vài đợt điều chỉnh giảm nữa để có thể tăng trưởng tốt, bền vững.
Tuy nhiên, hầu hết các báo cáo về triển vọng của thế giới đều cho rằng năm 2010 sẽ là thời điểm thực sự phục hồi của các nền kinh tế lớn, điều này cũng là triển vọng của chứng khoán Việt Nam và thế giới trong dài hạn. Vì vậy chúng ta có thể kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ thiết lập được các đỉnh cao mới trong năm nay và năm sau.
Với sự hồi phục của nền kinh tế, các cổ phiếu có tiềm năng sẽ là các cổ phiếu thuộc ngành dầu khí, ngân hàng, vật liệu cơ bản, bất động sản,… các cổ phiếu có nền tảng cơ bản, kết quả kinh doanh tốt, mức giá chưa tăng quá nóng cũng như các cổ phiếu đã phản ứng tiêu cực quá mức khi rớt giá mạnh trong thời gian vừa qua dù hoạt động kinh doanh vẫn tốt, các cổ phiếu có thông tin tốt hỗ trợ cũng cần được quan tâm nhưng phải thận trọng đầu tư với giá hợp lý.
Trong bối cảnh thị trường hiện nay, việc xem xét đầu tư ngắn hạn có thể thực hiện khi VN-Index ở vùng 400 – 415 điểm, vùng đầu tư trung và dài hạn khá tốt sẽ xoay quanh mức 380 điểm.