Chơi chứng khoán kiểu võ rừng:
Giá cổ phiếu tăng vùn vụt, nhắm mắt chộp đại một mã nào đó cũng có lời. Sự cám dỗ lên cao độ. Những người cảnh báo rủi ro trở nên lạc lõng và bị gọi là… “*** lợn”
Cuối tuần trước, khi VN–Index ngấp nghé ngưỡng 500 điểm, một nhà đầu tư tổng kết tình hình bằng một kết luận phũ phàng: “Tuần qua ai nghe lời các chuyên gia chỉ có thua”.
“Đọc các báo cáo, nghiên cứu, phân tích, cảnh báo làm cái gì? Có đúng đâu...”, tôi cảm thấy ngạc nhiên khi thấy rất nhiều người nói như vậy khi được hỏi, quyết định mua bán trên cơ sở nào? Có một đám đông đang mua bán theo cảm giác, thậm chí theo tin đồn, theo những lời rỉ tai không căn cứ.
Thậm chí, khi doanh nghiệp chính thức lên tiếng rằng “đó là tin đồn”, thì thông tin vẫn tiếp tục lan toả theo những hướng suy diễn khác. Chẳng hạn như trường hợp của tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (mã VCG), tin đồn xuất hiện khi giá 1x, tổng công ty lên tiếng cải chính tin đồn khi giá 2x. Tin đồn tiếp tục lan toả, và hôm qua ngày 9.6 VCG đã có giá 4x.
“Võ rừng”
Trường hợp của ICG, nhà đầu tư tên Linh nhận xét: “Nó đã tăng 12 phiên liên tiếp, phần lớn giá trần, trong khi không thấy có bất kỳ thông tin hỗ trợ nào. Còn thông số cơ bản thì xấu hơn những công ty khác nhiều...” Bước vào sàn chứng khoán, những câu chuyện về cổ phiếu cứ thế râm ran.
Trong sàn, bàn trên quay xuống bàn dưới quay lên, mỗi người góp vào một câu, họ bàn tán, nhận định và “tư vấn” cho nhau như những người bán rau ngoài chợ. “Tại sao chị mua nó?” “Thấy giá nó thấp nên mua giùm”... Câu chuyện cứ thế kéo dài, phiên giao dịch kết thúc mà chẳng ai trong họ muốn ra về.
Một anh lớn giọng: “Tao ôm hết tiền vợ để dành cho con học đại học cộng với tiền mẹ vợ gửi để sẵn trong tài khoản, đợi thị trường điều chỉnh đánh một mẻ lớn”. Tại sàn S, sức nóng lan toả ra cả bãi để xe. Muốn có một chỗ gửi xe ngay tại sàn nhà đầu tư phải tranh thủ đi sớm, tránh cảnh phải chạy dọc chạy xuôi để kiếm chỗ. Vào đến sàn rồi chưa hẳn đã yên thân, chen chân kiếm một chỗ đứng để theo dõi được trên bảng điện cũng khó.
Ngày 5.6, ngay khi VN–Index tăng thêm 20,53 điểm đóng cửa ở 478,72 điểm. Tại sàn S, theo quan sát của chúng tôi, chiều hôm đấy nhà đầu tư hộ tống nhau trên xe máy ôm tiền đến nộp vào tài khoản sẵn sàng cho phiên đầu tuần sắp tới. Những nhà đầu tư này hết sức cảnh giác với người lạ khi họ tới gần. Còn nhân viên bảo vệ của công ty thì luôn trong tư thế sẵn sàng vì gần đây có tin bắt một vụ cướp tiền chứng khoán.
Bế con lên sàn
Đến sàn A, người ta dễ dàng nhận thấy một người phụ nữ với đứa con tròn một tuổi trên tay, trên người phụ nữ rủng rỉnh nhiều thứ như quần áo, tã lót và sữa cho đứa bé. Người phụ nữ tên là Ngọc. Trước đến giờ Ngọc ở nhà trông con, dạo này nghe bạn bè rỉ tai nhau đầu tư vào chứng khoán có ăn lắm. Thấy bạn bè đang ăn nên làm ra nhờ chứng khoán, chị cũng quyết định ôm số tiền dành dụm được tập tành lên sàn.
Ban đầu nhát tay, chị chỉ dám mua một ít cổ phiếu của BBC. Chơi đùa mà thắng thật, đến nay Ngọc đang nắm trong tay rất nhiều mã, nếu bán đi chị cũng có khoản lời kha khá. Quyết định mua cổ phiếu của Ngọc rất đơn giản. Chị nghe ngóng mọi người bàn luận, thấy họ bảo cổ phiếu nào được, lên nhanh là chị mua liền.
Nhà đầu tư Thanh, đầu tư cổ phiếu niêm yết trên sàn Hà Nội, anh chọn đại cổ phiếu KMF vì thấy giá rẻ quá, rẻ hơn một gói xôi anh ăn sáng. Anh mua vài ngàn cổ phiếu với giá 5.700đ/cổ phiếu và vứt đấy. Trong vòng một tháng giá cổ phiếu này đã tăng lên 14.400đ/cổ phiếu. Bỏ ra số tiền ít nhưng số tiền của anh đã được nhân lên hơn gấp đôi.
Những người “cảm tử”
Nhiều nhà đầu tư khác khi được hỏi cũng cho biết cứ ngồi sàn thấy mọi người quyết định mua gì thì mua nấy trong khi hiểu rất ít về cổ phiếu đang nắm giữ. Chính vì vậy khi thấy mọi người xả hàng thì họ cũng phản ứng ngay bằng cách bán ra. “Tính toán làm gì, có đúng đâu”, một nhà đầu tư nói.
Ở cuối phòng một nhà đầu tư kỳ cựu, đầy kinh nghiệm trải qua đợt sóng gió từ khi chứng khoán trên 1.000 điểm, lại cho những nhà đầu tư mới là những người “cảm tử”.
Anh này cho hay đến sàn thời gian này đều thấy những gương mặt mới toanh. Họ đang rất sung sức và bỏ ngoài tai các lời cảnh báo. Nhưng khi thị trường đi xuống họ mới là người ảnh hưởng nhiều nhất vì họ đang đánh ở phần “ngọn”. “Nhiều cổ phiếu như TLC trên sàn Hà Nội, đang trong diện cảnh báo vì quý 1/2009 tiếp tục bị lỗ và đã lỗ năm quý liên tiếp, chỉ số P/E thì bị “hụt hơi” nhưng cổ phiếu vẫn cứ đà tăng điểm.
Không chỉ có cổ phiếu hút hàng mà đến báo chuyên ngành cũng bị vét sạch. “Giai đoạn cao trào trước chỉ cần ra sạp chậm thì không có báo. Nay cũng vậy” – một nhà đầu tư cho biết.