Các cụ đọc bài này xem có ích trong việc chơi trứng không?
Giới chuyên gia lên tiếng về nguy cơ bất ổn
Nhóm giáo sư, chuyên gia kinh tế của Đại học Harvard chuyên tư vấn chính sách cho chính phủ Việt Nam vừa mới công bố bản thảo luận chính sách: Tình trạng bất ổn vĩ mô - Nguyên nhân và phản ứng chính sách.
Bản báo cáo này dựa trên nền tảng của nghiên cứu Lựa chọn thành công mà nhóm tác giả đã tận tay đệ trình lên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Theo báo chí Việt Nam, phát biểu tại buổi tiếp giáo sư Thomas Vellery và các thành viên trong Chương trình Việt Nam của Đại học Harvard (Hoa Kỳ) hôm 15.01 vừa qua ở Hà Nội ông Dũng mong đại học Harvard tiếp tục góp ý về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo báo Diễn Đàn ra ở Paris, báo cáo quan trọng này đã không được báo chí trong nước đăng tải.
Báo cáo lần này xuất hiện trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều dấu hiệu bất ổn: lạm phát tăng-chỉ số giá tiêu dùng tháng Hai đã tăng đến 3,65%, chính sách siết chặt tiền tệ được ban hành khiến nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản buộc phải lao đầu vào cuộc đua tăng lãi suất, thị trường chứng khoán giảm giá kỷ lục
Báo Tuổi Trẻ cho hay, Giáo sư David Dapice - chuyên gia kinh tế trưởng chương trình Việt Nam tại Harvard đã thẳng thắn nhận định sau buổi làm việc với Thủ tướng Việt Nam về các thách thức như thâm thủng mậu dịch, thị trường bất động sản nóng, giá đất quá cao, lạm phát cao khiến tăng trưởng chậm lại và thất nghiệp nhiều lên.
Kinh tế đang nóng
Chính sách tiền tệ còn phải gánh một loạt áp lực khác chứ không đơn thuần chỉ có Ngân hàng Nhà nước quyết là xong
Riêng về bản báo cáo vừa nói, văn bản này nhận định: Nền kinh tế Việt Nam đang nóng. Bằng chứng là lạm phát vẫn tiếp tục gia tăng, thâm hụt ngân sách và thương mại ngày càng lớn, và bong bóng giá bất động sản ngày càng phình to.
Đánh giá cách điều hành nền kinh tế của chính phủ VN, các tác giả nhận định thẳng thắn: Hệ thống quản lý kinh tế của Việt Nam chưa tương thích với một nền kinh tế hội nhập toàn cầu. Hiện nay, ba bộ và cơ quan ngang bộ có trách nhiệm hoạch định chính sách vĩ mô là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch- Đầu tư (Bộ KHĐT), và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa phối hợp với nhau một cách hiệu quả.
Nhấn mạnh đến vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong vấn đề giải quyết bài toán chống lạm phát các tác giả cho rằng:
Ngân hàng Nhà nước không được phép quyết định lượng cung tiền và cung tín dụng như thiên chức vốn có của các ngân hàng trung ương trên thế giới mà chỉ có thể sử dụng một số ít các công cụ (như tỷ lệ dự trữ bắt buộc và các quyết định và chỉ thị có tính hành chính) không thực sự hữu hiệu khi phải đối diện với nguy cơ lạm phát.
Các tác giả cũng chỉ ra điểm yếu của Bộ Tài chính là: Thiếu chiến lược hữu hiệu về nguồn thu ngân sách; Không kiểm soát được chi tiêu ngân sách; kiểm soát chi thường xuyên kém; chi ngoài ngân sách quá nhiều.
Còn điểm yếu của Bộ Kế hoạch Đầu tư là: Phân bổ vốn và nguồn lực theo các tiêu thức chính trị thay vì kinh tế.
Chi tiêu tại Việt Nam lên cao trong dịp Giáng Sinh nhưng bị chậm lại từ sau Tết Nguyên Đán vì lạm phát
Báo cáo đề xuất năm khuyến nghị chính sách cho chính phủ VN: (1) Tăng cường sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và ngân sách, (2)Xây dựng một cơ quan hoạch định chính sách kinh tế cao cấp, (3) Tăng cường năng lực và tính độc lập cho Ngân hàng Nhà nước, (4) Kiểm soát đầu tư công, (5) Giảm bong bóng bất động sản.
Tư bản thân hữu
Một vấn đề khác được nêu ra là quan hệ 'tư bản thân hữu' giữa các tập đoàn kinh tế lớn ở Việt Nam, và hệ thống chính trị.
Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, phó tổng giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, một trong những người tham dự cuộc đối thoại vừa qua với Thủ tướng hồi giữa tháng Giêng thì "mối quan hệ này sâu sắc đến mức chi phối đến các quyết sách của Nhà nước."
Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông nói:
"Các tập đoàn của chúng ta làm việc theo một cơ chế đặc biệt, báo cáo trực tiếp với Thủ tướng, bỏ qua các bộ quản lý chuyên ngành...Điều nguy hiểm hơn là họ đang liên tục lập ra những công ty cổ phần con, phân tán tài sản nhà nước về những công ty con, trong đó các vị lãnh đạo của tập đoàn nắm giữ một lượng cổ phiếu đáng kể ở những công ty con mới này."
Bên cạnh nhiều ý kiến về cải cách, khuyến nghị đáng chú ý nhất trong báo cáo là đề xuất thành lập một cơ quan thuộc dạng siêu bộ, được quyền hạn lớn để các thể quyết định các chính sách kinh tế vĩ mô.
Các tác giả đánh giá rằng tại thời điểm hiện nay, thẩm quyền ra quyết định chính sách quá phân tán, và điều này một mặt cản trở sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan hoạch định chính sách, mặt khác gây khó khăn cho các nhà lãnh đạo cao nhất khi họ phải phản ứng một cách quyết đoán nếu khủng hoảng xảy ra.
Từ đó, các tác giả khuyến nghị Việt Nam cần tập trung thẩm quyền hoạch định chính sách trong tay một cơ quan hoạch định chính sách cao cấp duy nhất, một cơ quan có thẩm quyền cao hơn các bộ ban ngành, chính quyền địa phương và cả các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Cơ quan này sẽ là nơi thu hút các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam với cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, và cất nhắc tuyệt đối dựa vào năng lực.