Indochina Capital và VinaCapital sẽ tăng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản
Hai công ty quản lý quỹ đầu tư Indochina Capital và VinaCapital sẽ tăng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản sau khi tình hình tín dụng bị siết chặt đã khiến nhiều công ty bất động sản gặp khó khăn.
Ồng Don Lam, giám đốc công ty quản lý quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam VinaCapital, cho biết ông đang đàm phán với một số nhà đầu tư để mở một quỹ bất động sản thứ hai vào đầu năm tới.
Indochina Capital, công ty quản lý quỹ đầu tư lớn thứ 3 Việt Nam, cũng đang có kế hoạch tăng quy mô của quỹ đầu tư bất động sản lên từ 400 đến 500 triệu USD vào nửa đầu năm tới, từ mức 155 triệu USD huy động hồi tháng 7. Đây là thông tin được ông Rick May-Smith, đồng chủ tịch Indochina Capital cho biết.
Lãi suất cao và việc hạn chế cho vay của các ngân hàng trong thời gian qua đã khiến một số công ty bất động sản phải đình hoãn dự án hoặc bán lại để đáp ứng nhu cầu tiền mặt. Điều này mở ra cơ hội cho quỹ đầu tư muốn thâm nhập vào thị trường bất động sản. Theo các nhà quản lý quỹ này, nhu cầu về căn hộ, văn phòng, khách sạn ở Việt Nam sẽ còn tăng cao bởi Việt Nam vẫn là một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh ở khu vực châu Á.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm qua (18/11), ông May-Smith cho biết “Cơ hội chưa bao giờ tốt hơn lúc này. Một số dự án ở Việt Nam đang bị ngừng trệ do thiếu vốn; chúng tôi đã gặp một số đối tác muốn tìm nhà đầu tư hoặc bán bớt dự án để lấy tiền trang trải cho các dự án khác”.
Indochina Capital hiện đang quản lý 20 dự án với tổng chi phí đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD.
Ông Mayo-Smith cho biết, quỹ đầu tư bất động sản thứ 3 của Indochina Capital, và cũng có thể là quỹ lớn nhất, sẽ đầu tư vào các dự án đa mục đích ở Hà Nội và TP.HCM. Quỹ này dự đoán sẽ có mức lợi nhuận từ 25 đến 30%.
Hồi đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ thị giới hạn tăng trưởng tín dụng ở mức 30%, hạn chế cho vay bất động sản và chứng khoán trước tình hình lạm phát quá cao.
Theo ông Don Lam, vẫn còn nhu cầu rất lớn về các khu căn hộ bậc trung bởi việc hạn chế tín dụng đã khiến nhiều công ty bất động sản vừa nhỏ - đối tượng phát triển phân khúc thị trường này - phải ngừng hoạt động. “Việt Nam có số lượng dân số trẻ rất lớn và khi trưởng thành, họ có nhu cầu sống tách riêng khỏi bố mẹ”, ông Lam cho biết.
Một thuận lợi nữa là chi phí xây dựng sau khi tăng gần gấp đôi trong hai năm qua, hiện đang giảm dần.
VinaLand, quỹ đầu tư bất động sản thứ nhất của VinaCapital trị giá 790 triệu USD và hiện đang giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Luân Đôn. Ông Lam cho biết, quỹ bất động sản thứ hai sẽ không niêm yết và dự tính tỷ suất lợi nhuận trong nội bộ sẽ khoảng 35%.
VinaCapital cũng đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ và khách sạn. Danh mục đầu tư của quỹ này bao gồm có cả cổ phần trong các khách sạn Sofitel Metropole Hanoi và Hilton Hanoi Opera.
Giá phòng bình quân ở các khách sạn 5 sao ở Hà Nội đã tăng 19% lên 150 USD/phòng so với năm ngoái, theo báo cáo của CB Richard Ellis hôm 23/10. Tỷ lệ phòng được thuê ở mức 60% trong quý 3 này, so với 85% trong năm ngoái.
Mặc dù kinh doanh khách sạn là một ngành “đặc biệt dễ bị ảnh hưởng” khi kinh tế toàn cầu suy giảm, nhưng "triển vọng dài hạn cho ngành khách sạn vẫn rất lớn", theo công ty môi giới bất động sản Savills.
Theo ông Brett Ashton, giám đốc Savills cho biết, giá nhà tại TP.HCM và Hà Nội đã giảm từ 20% đến 50% so với mức đỉnh một năm trước đây và có thể đã gần chạm đến đáy. Các nhà đầu cơ chiếm 80% tổng giao dịch trong quý 4 năm 2007.
“Tuy nhiên hiện nay, phần lớn doanh số được thực hiện bởi những người có nhu cầu thực sự. Các nhà đầu cơ đang ‘sa lầy’ với số bất động sản họ mua từ năm ngoái và hiện khó quay trở lại thị trường”, ông Ashton nói.
Chết đuối vớ phải cọc làm ít mã bất động sản UIC ,... các bác?