Ai là manh sư-thầy mờ, ai là minh sư-thầy sáng, thật khó luận rõ.
Nhưng luận rõ cũng dễ, thường là cao nhân xuất thế, tự mệnh bất phàm, độc huyền tuyệt điều , không kết giao bừa bãi, không nịnh đời, không đồng đảng, không cần danh, chẳng nhờ tiền tài, không mưu lợi, không dối người, không quái đản, một câu một lời, đều có ích với thế đạo, đi hay đứng, đều có ích lớn cho nhân tình, tham, sân, si, ái đều không có. Ý, tất, cố, ngã đều hóa hết.
Phẩm tiết thanh cao, ai ai cũng không thể bằng, tấm lòng rộng mở, chẳng ai đạt được. Vì thế mà là minh sư-thầy sáng vậy.
Nếu như manh sư-thầy mờ chả có gì mà coi là có, rỗng tuếch mà coi là đầy, chẳng dám tự nghĩ mình sai, lại đem đường sai ra dạy người. Có kẻ chỉ nam nữ là Âm Dương, có kẻ coi gạo thường là Thử Châu, có kẻ coi Lô Hỏa là Ngoại Đan, có kẻ luyện tâm thận là Nội Đan, ... có kẻ nhịn ăn ngũ cốc để kéo dài tuổi thọ, đủ loại như vậy, không sao đếm xiết.
Cái bọn ấy, không nói việc công đức, tiết tháo thì không lập, thân mặc áo vá mà eo lưng giắt túi tiền, đầu đội mũ cài trâm mà tâm như rắn rít, thấy phú quý thì lưu tâm, gặp khốn khổ thì quên đạo, uống rượu ăn thịt, chẳng quan tâm đến mồ hôi và máu của thập phương, mất danh dự bại giáo quy, có hay vạn kiếp trầm luân; lúc làm việc, chỉ dụng công ở chỗ tiền tài, khi cử động, toàn phí tâm tư vào quần áo và ăn uống, vừa lậy một cái, liền thu làm đồ đệ, một chén trà một bữa cơm, liền truyền đạo luôn, mượn môn hộ của thánh hiền, mà tự lừa dối thế nhân, trộm pháp ngôn của Tiên Phật, mà tác yêu tác quái, chỉ biết thân mình no ấm, quản gì người khác sống chết.
Người học nếu nghe thấy nói năng như vậy mà không xét kỹ hành vi, lấy hữu đạo mà xem xét, thì chưa có ai không mắc vào lưới mà làm thương hại Tính Mệnh. Huống gì bị lời đó mê hoặc, nhận giả làm chân, cố kết không gỡ được, tuy có cao chân thánh sư muốn nâng đỡ, cũng chẳng có cửa mà vào. Đạo nhân trong thiên hạ gặp cái khó này, không chỉ một đâu. Bọn tu hành áo đen áo vàng, đi đông đi tây, ai không có vài tập công án? Ai không có vài câu sáo ngữ? Chỉ dựa vào mấy lời nói suông mà chọn người, thì ai ai cũng là Phật, người người là Tiên. Xin hỏi, người học đạo ngàn ngàn vạn vạn, người thành đạo được bao lăm? Đại để thánh hiền không thường gặp, Tiên Phật chẳng được nhiều, vì không thường thấy, không được nhiều, nên là cao nhân. Cao nhân hơn hẳn đồng loại, vượt hẳn hơn người, há vì vài lời nói suông mà thành cao nhân!
Trích "Tu chân cửu yếu"