http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/khen-cai-dep-dep-cai-xau-20160518232401341.htm
18/05/2016 23:38
Truyền thông là sức mạnh. Xã hội càng phát triển, vai trò của truyền thông càng cực kỳ quan trọng. Nhưng truyền thông chỉ phát huy tác dụng và sức mạnh của nó khi luôn hướng tới chân - thiện - mỹ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp…”. Như vậy, Hồ Chủ tịch tôn vinh cái đẹp để hướng mọi người tới chân - thiện - mỹ. Chỉ câu nói giản dị ấy thôi cũng đã hàm chứa nội dung hướng thiện. Cái thiện sẽ lấn át cái xấu khi cả xã hội đồng lòng.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (nhiệm kỳ 2007-2012), ông Lê Doãn Hợp, khá tinh tế và giỏi dùng chữ. Khi nói chuyện về báo chí, ông không rao giảng hay chỉ đạo báo chí phải làm gì mà chỉ cần nói “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Đội ngũ cầm bút thường nhắc đi nhắc lại câu nói dễ nhớ và thâm thúy này để định hướng thông tin mà mình chuyển tải đến bạn đọc. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, người cầm bút luôn tỉnh táo để không dễ dãi chạy theo những thông tin giật gân, câu khách dễ làm tổn hại đến cá nhân, tập thể và nhiều khi là lợi ích của cả quốc gia. Khi cái đẹp được tôn vinh, ghi nhận, được học tập thì cái xấu không còn chỗ dung thân.
Đáng tiếc là trong thực tế, nhiều người đang giữ vai trò quản lý xã hội vì sợ tổn hại đến uy tín, thành tích và muốn lấp liếm sự yếu kém của mình nên đã hành xử trái ngược. Vụ một số người nước ngoài tự nguyện dọn rác dưới mương thải để giữ cho Hà Nội sạch đẹp nhưng bị lãnh đạo phường sở tại hằn học phê bình. Những cán bộ này trơ trẽn cho rằng không biết những “ông Tây” làm vậy với mục đích gì? Ai cho dọn rác trong khi chưa báo cáo và xin phép (!?). Sự ấu trĩ và thói hạch sách đã ăn sâu vào cách làm việc, ứng xử của không ít cán bộ. Tương tự, một số người ở quận 2, TP HCM tự nguyện mang quần áo cũ đặt quầy tự chọn miễn phí cho người nghèo cũng bị chính quyền địa phương gây khó dễ. Lý do thật ra chỉ vì những cán bộ trên sợ mang tiếng địa phương mình còn người nghèo!