Câu hỏi luôn cần thiết được đặt ra cho mỗi lần vợ chồng có chuyện hiểu lầm, bất hòa đưa đến tranh cãi, đó là cãi thắng thì được gì, và cãi thua thì mất gì? Vợ chồng tìm gì sau những lần tranh cãi như thế, vì ngoài việc tự ái được ve vãn, vuốt ve, phần thưởng cho người thắng trong những lần cãi vã sẽ chẳng có gì là cao cả, vẻ vang. Ngược lại, hậu quả tai hại của những lần tranh cãi như thế là đánh mất sự bình an của tâm hồn, gây xáo trộn trong gia đình và tiếp đến là tình yêu vợ chồng bị sứt mẻ.
Trong đời sống hôn nhân, vợ chồng bất hòa, lời qua tiếng lại, giận hờn là chuyện thường tình xảy ra. Nguyên nhân đến từ sự kết hợp giữa hai con người, giữa hai khối óc, và giữa hai trái tim. Nếu có những đồng cảm, thì cũng có những bất đồng. Nếu có những hiểu nhau, thì cũng có những lúc vợ chồng hiểu lầm nhau. Nhưng câu hỏi mà rất ít ngưaời muốn nghĩ tới mỗi khi có chuyện xẩy ra đưa đến tranh cãi, đó là “thắng hay thua ta được gì trong khi đã là vợ chồng?”
Kinh nghiệm thường ngày khi đối diện với những trường hợp vợ chồng tranh cãi nhau, thường là cả hai đều muốn dành phần thắng về mình. Cho mình là đúng, là phải và người chồng hay người vợ là sai, là trái. Cũng có những trường hợp mặc dù biết là mình sai, nhưng do tự ái, không muốn mất mặt với chồng hoặc vợ nên vẫn cố gắng ngụy biện những lý lẽ để được phần thắng. Những trường hợp như vậy gọi là “cãi cối”, là “ngang”, là “gàn”.
Cố gắng giành phần thắng cho mình. Đó là một trong những yếu tố khiến cho rất nhiều cuộc tranh cãi khởi đi từ những chuyện nhỏ mọn, không đâu nhưng cuối cùng đã dẫn đến những hậu quả thật tồi tệ: Vợ chồng bất hòa, giận hờn, có khi trở thành thù ghét nhau. Vì một khi cái tôi của mình bị xúc phạm, thì không ai muốn nhường nhịn, và không ai muốn mình bị coi thường, bị chà đạp. Cái tôi lúc đó cần được bảo vệ bằng bất cứ giá nào để nó không thể bị thua kém ai, mặc dù trên thực tế lúc bình thường cái tôi đó không là gì. Từ ngữ thông thường gọi là khi “tự ái bị va chạm!”.
Để giành cho được phần thắng, để ăn thua đủ với nhau, bước đầu tiên là vận động tư tưởng, ngôn ngữ, và cách diễn tả cốt sao trấn át được, đè bẹp được đối phương. Vợ chồng không ai nghe ai mà chỉ có người nói. Lúc đầu chỉ là lời qua tiếng lại nhỏ đủ hai người nghe, những từ từ tiến đến to tiếng, lấn át tiếng nói của nhau. Khi lời nói bắt đầu vượt tầm kiểm soát của lý trí, cũng là lúc nói cho thỏa những gì đang nung nấu trong tâm hồn, mà không cần biết người mình đang nói với có nghe, có hiểu và có đón nhận những tiếng nói, những gì mình muốn diễn tả hay không? Nhưng đón nhận làm sao được khi mà người kia cũng đang lên giọng, đang gào thét, lấn át và muốn mình phải im tiếng!
Bước kế tiếp là làm tổn thương tình cảm, sự tin tưởng, lòng kính trọng của nhau. Lúc này cuộc tranh cãi không dừng lại ở việc xử dụng ngôn ngữ mà còn dẫn đến những hành động tay chân – hành động ngược đãi nhau. Đây là hậu quả tai hại nhất, tồi tệ nhất của một cuộc cãi vã.
Hình minh họa
Dù trong khi cãi nhau chỉ có người nói mà không có người nghe, và mặc dù trong hai vợ chồng, ai cũng nghĩ rằng mình nói hay, nói đúng và nói có lý lẽ. Nhưng một điều mà ít ai để ý đến, đó là mục đích của các cuộc tranh cãi ấy cũng như hậu quả của nó. Cãi để làm gì? Và được thì được gì? Cũng như thua thì mất gì?!
Cãi để chứng tỏ mình đúng và có lý. Sau một hồi cãi nhau, cả vợ cũng như chồng, ai cũng cho rằng mình thắng, người khác thua, nhưng thực tế thì cả hai đều là những kẻ thua cuộc. Thua thì nhiều mà thắng chẳng bao nhiêu!
Thông thường nếu có thắng thì cũng chỉ là cái thắng của “tự ái” để vỗ về cái tôi của mình. Thắng vì tự ái được ve vuốt. Thắng vì cái tôi được chồng hoặc vợ biết đến. Nhưng thua thì sao? Thua trong những cuộc cãi vã giữa hai vợ chồng thì hậu quả rất nhiều.
- Sứt mẻ tình cảm: Sự sứt mẻ tình cảm luôn xẩy ra cho cả người
thắng và kẻ thua. Nó đòi hỏi một thời gian ngắn hay dài tùy vào mức độ, lời lẽ, hoặc hành động xúc phạm đến nhau trong lúc tranh cãi để phục hồi. Nếu sự sứt mẻ này không được hàn gắn sớm, nó sẽ trở nên cay đắng và đẩy xa mối liên hệ vợ chồng, đem đến giận hờn, tránh mặt nhau.
- Tự ái bị tổn thương: Dĩ nhiên, sau những màn chửi bới, chê bai nhau, người thua cuộc sẽ nhận ra điều này là mình đã làm cho tự ái của người mình yêu bị tổn thương bằng chính tự ái của mình. Không ai dù là vợ hay chồng lại cảm thấy vui khi chồng mình, vợ mình dùng những lời lẽ cay đắng, thiếu tế nhị và hành động lỗ mãng xúc phạm đến mình. Tình yêu dành
cho vợ, cho chồng càng nồng nàn, càng mạnh mẽ, càng tha thiết bao nhiêu thì khi bị người yêu xúc phạm, nó càng trở thành vết thương sâu đậm cần thời gian dài để băng bó, hàn gắn.
- Thiếu trưởng thành tâm lý: Hậu quả rõ ràng nhất, và làm khó chịu đối với người phối ngẫu là thái độ và cung cách sống thiếu trưởng thành về mặt tâm lý của vợ hay chồng mỗi khi tranh cãi. Trong những lúc tranh cãi như vậy, người ta dễ đánh mất thái độ trưởng thành là không làm chủ được mình, làm chủ được tính nóng nảy, giận hờn của mình. Không phải chỉ trong những cách cư xử với nhau hằng ngày, mà ngay cả khi có những bất đồng, điều cần thiết nhất là thái độ bình tĩnh và hiểu biết.
- Sa sút niềm tự tin: Càng
nóng giận bao nhiêu, càng dễ nói năng hồ đồ, lời lẽ và hành động thiếu kiểm soát bấy nhiêu. Càng nóng giận bao nhiều thì càng làm mất đi sự tự tin ở chính mình bấy nhiêu. Thái độ trưởng thành tâm lý đưa đến sự tự tin, cái nhìn và cách phán đoán khách quan ở con người mình. Người hay cãi vã, tranh luận chứng tỏ khả năng làm chủ được những ngoại cảnh, khả năng tự kiểm soát nơi mình yếu kém.
- Mất dần sự tin tưởng và kính trọng: Mất dần sự tin tưởng và kính trọng là một trong những hậu quả theo sau những lần tranh cãi. Người chồng hay vợ sẽ tạo nên ấn tưởng xấu về mình, về người phối ngẫu của mình. Sự tin tưởng và kính trọng là một phần trong những yếu tố xây dựng tình yêu, đặc biệt đối với tâm lý của phụ nữ.
- Lu mờ tình yêu: Nhưng hậu quả tai hại nhất của tranh cãi, chửi bới nhau là làm cho tình yêu vợ chồng ngày càng trở nên lu mờ. Hình ảnh dễ thương của người vợ, người chồng sẽ trở nên mờ nhạt trước con mắt người phối ngẫu. Thay vào đó là hình ảnh tiêu cực, hình ảnh xấu của người chồng hoặc người vợ. Tình yêu sẽ mất dần vẻ hấp dẫn, thu hút, và nóng bỏng và thay vào đó bằng thái độ hững hờ, lạnh nhạt và đôi khi vô cảm.
Trong đời sống thường ngày vợ chồng rất khó tránh khỏi những va chạm, hiểu lầm có khả năng đưa tới tranh cãi, hoặc lớn tiếng. Và cũng trong đời thường, ít cặp
vợ chồngnào lại có thể luôn luôn hòa hợp, luôn luôn làm hài lòng nhau, nhất là không bao giờ có những bất hòa ít là trong cung cách sống và trong lời nói. Tuy nhiên, sự trưởng thành tâm lý cũng cho biết rằng, con người vẫn có thể tránh được hay giảm thiểu những bất đồng trong đời sống vợ chồng khi tự làm chủ được mình, làm chủ được những gì đang xẩy ra quanh mình. Có nhiều trường hợp sau những tranh cãi, giận hờn thì cả hai mới nhận ra nguyên nhân chính của cuộc tranh cãi ấy chỉ là một sự hiểu lầm, điều mà cả hai có thể tránh được nếu như chỉ một trong hai người biết bình tĩnh và tự chủ. Napoléon đã nói một câu rất chí lý về tinh thần tự chủ, kiểm soát bản thân: “Thắng một vạn quân không bằng thắng chính mình”.
Tóm lại, câu hỏi luôn cần thiết được đặt ra cho mỗi lần vợ chồng có chuyện hiểu lầm, bất hòa đưa đến tranh cãi, đó là cãi thắng thì được gì, và cãi thua thì mất gì? Vợ chồng tìm gì sau những lần tranh cãi như thế, vì ngoài việc tự ái được ve vãn, vuốt ve, phần thưởng cho người thắng trong những lần cãi vã sẽ chẳng có gì là cao cả, vẻ vang. Ngược lại, hậu quả tai hại của những lần tranh cãi như thế là đánh mất sự bình an của tâm hồn, gây xáo trộn trong gia đình và tiếp đến là tình yêu vợ chồng bị sứt mẻ.
Hãy thay thế thời gian cãi vã bằng những giây phút vợ chồng tâm sự và chia sẻ chân tình. Hãy thay thế sự nóng giận, bực tức bằng thái độ bình tĩnh, tự chủ, vì: “Giận mất khôn!” Và hãy dùng những lời lẽ âu yếm, tích cực để nói với nhau như đã từng nói lúc vợ chồng hòa thuận, cảm thông thay vì những lời cay đắng làm chua xót lòng nhau. Người xưa thật chí lý khi nói: “Một nhịn chín lành!”.
Trần Mỹ Duyệt