Tin tức > Sức khỏe
Nhận biết sớm dấu hiệu ung thư
Xem tin gốc
Sức Khỏe Đời Sống - 47 tháng trước 4436 lượt xem
Ung thư là một trong các bệnh nan y, với tỷ lệ mắc bệnh gia tăng và tỷ lệ tử vong còn rất cao. Tuy là bệnh nan y nhưng nếu phát hiện sớm thì việc điều trị cũng cho kết quả khả quan, vì thế việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm có ý nghĩa sống còn đối với cả bệnh nhân và thầy thuốc. Khi cơ thể có dấu hiệu bất thường, cần đi khám để phát hiện sớm bệnh ung thư.
Facebook Twitter 0 bình chọn Viết bình luận Lưu bài này
Bệnh ung thư có dấu hiệu báo trước không? Theo các nghiên cứu y học thì câu trả lời là có. Các dấu hiệu rất dễ nhận biết, nhưng nó thường bị bỏ qua, một phần vì nó quá quen thuộc (chẳng hạn như đầy hơi, khó tiêu, đau ngực, táo bón, khó thở, mệt...), phần nữa là các triệu chứng này không ảnh hưởng nhiều đến các sinh hoạt thường ngày. Chính vì sự chủ quan này mà khi đến bệnh viện, thì ung thư đã ở giai đoạn cuối, sự cứu chữa lúc này chỉ còn mang ý nghĩa tinh thần. Những dấu hiệu sau đây có thể là sự báo động của căn bệnh ung thư:
- Cơ quan hô hấp: những người nghiện thuốc lá và rượu, nếu bị ho dai dẳng, nuốt vướng, hãy nghĩ tới bệnh ung thư phổi.
Khàn tiếng thường xuyên và kéo dài không do viêm họng hay cảm lạnh, thì đó có thể là dấu hiệu của ung thư thanh quản.
- Cơ quan tiêu hóa: dù ăn uống hợp vệ sinh, mà vẫn bị rối loạn tiêu hóa dai dẳng, khi táo bón, khi tiêu chảy, có máu lẫn theo phân; ở tuổi trên 40 thường xuyên ăn không tiêu, đầy bụng, táo bón, hay bị tiêu chảy; trước đây tiêu hóa bình thường, nay đột nhiên bị rối loạn kéo dài... hãy nghĩ ngay đến bệnh ung thư đại tràng, trực tràng.
Vết thương bị lở loét lâu lành ở vùng miệng, dù đã điều trị tích cực từ 2-3 tuần mà không khỏi, và nếu trong miệng có những vùng trắng dày lên, có thể là bị ung thư miệng. Ăn không tiêu hoặc nuốt thức ăn khó, có cảm giác vướng víu ngay cổ khi ăn, đó có thể là dấu hiệu ung thư thực quản. Những người nghiện thuốc lá, nếu có một vết lở nhỏ trên bờ lưỡi trong thời gian dài có thể là dấu hiệu ung thư lưỡi.
- Cơ quan bài tiết và sinh sản: khi có triệu chứng tiểu rát, tiểu nhiều lần hoặc khó tiểu... nên đi khám để phát hiện u bàng quang hoặc tuyến tiền liệt. Đi ngoài ra máu, phân lẫn máu và mủ, hãy nghĩ tới bệnh ung thư trực tràng.
Phụ nữ trên 30 tuổi và sinh nở nhiều lần, nếu có hiện tượng chảy máu khi có quan hệ tình dục, hoặc tắt kinh đã lâu, bất ngờ ra máu, có thể là biểu hiện của bệnh ung thư tử cung. Nếu đầu vú có tiết dịch hoặc rỉ máu, có thể là ung thư vú.
- Sự thay đổi của nốt ruồi: nốt ruồi đột nhiên phát triển nhanh, đau, ngứa, dễ chảy máu khi đụng tới; các vết lở nhỏ trên thân thể lâu ngày không lành hãy nhanh chóng đi khám bệnh, vì đó là dấu hiệu ung thư da.
- Các khối u: ung thư cũng là bệnh hay gặp nhưng dễ bị bỏ qua, không chỉ có phụ nữ mà đàn ông cũng bị mắc. Nếu thấy có khối u cứng trong vú, hãy đi khám để tìm ra nguyên nhân. Phụ nữ đã sinh con, cho con bú và phụ nữ trên 40 tuổi cần phải đi khám vú định kỳ.
Khối u ở chân tay, thành bụng và lưng có dạng cục tròn, hơi cứng và di động, hãy nghĩ đến loại ung thư phát triển chậm.
Nếu xuất hiện một hay nhiều cục tròn bằng ngón tay ở hai bên cổ, có thể là dấu hiệu ung thư cổ hoặc lao hạch.
Tóm lại: Khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường, hãy nhanh chóng đi khám bệnh. Đối với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm thì khả năng chữa trị càng hiệu quả và sống sót càng cao.
ThS. Hà Hùng Thủy