Nhiều điểm phân làn ùn tắc trở lại
Dòng phương tiện kẹt cứng tại điểm quay đầu xe, một số nút giao thông vốn thông thoáng nay trở nên ùn tắc. Giải pháp phân làn "bịt ngã tư" của ngành giao thông Hà Nội đang gặp thách thức khi mùa tựu trường bắt đầu.
> Giao thông Hà Nội rối loạn ngày tựu trường
Đầu giờ sáng 27/8, tại ngã tư Giảng Võ - Đê La Thành, hàng trăm ôtô, xe máy chen chúc qua hàng rào inox được dựng lên giữa đường. Cách ngã tư 200 mét, tại điểm quay đầu trên đường Láng Hạ, xe máy xếp hàng dài đằng sau chiếc xe buýt đang quay đầu.
Ùn tắc giao thông tại điểm phân làn Giảng Võ. Ảnh: Xuân Tùng
Tại ngã ba Nguyễn Lương Bằng - Kim Liên mới, Sở Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức phân làn bằng cách đặt dải phân cách cứng giữa đường, buộc các phương tiện đang đi thẳng phải rẽ sang đường Kim Liên mới để qua ngã tư.
Do điểm quay đầu xe quá gần ngã tư và hẹp nên mỗi khi một xe buýt rẽ sang, phía sau hàng trăm phương tiện khác mắc kẹt. Giờ cao điểm, 3-4 cảnh sát giao thông túc trực phân làn nhưng ùn tắc vẫn xảy ra.
Hơn một tuần nay, khi học sinh đi học trở lại, tuyến đường Phan Kế Bính cũng rơi vào cảnh tương tự. Do nút giao thông Liễu Giai - Đào Tấn bị bịt lại, để sang Vạn Phúc hoặc Văn Cao người tham gia giao thông buộc phải đi vào đường Nguyễn Văn Ngọc hoặc Linh Lang rồi thẳng ra Phan Kế Bính. Nhưng đường này quá nhỏ nên thường xuyên tắc nghẽn.
Anh Huy, nhân viên công ty máy tính trên phố Vạn Bảo cho biết, mấy tuần gần đây khi phân làn mới ngày nào tuyến đường Phan Kế Bính cũng rơi vào cảnh tắc nghẽn. "Trước kia, ngã tư Liễu Giai - Đào Tấn ít khi tắc nhưng kể từ khi bịt lại ngã tư này, các phương tiện phải rẽ vào ngõ nhỏ gây tắc nghẽn, rất bất hợp lý", anh Huy nói.
Cảnh thường thấy trên tuyến phố Kim Mã vào giờ cao điểm cuối buổi chiều. Ảnh: Xuân Tùng
Tuy nhiên, giải pháp dùng barie bịt các ngã ba, tư thường xuyên xung đột cũng đã giải quyết được đáng kể số điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, điển hình là tuyến Nguyễn Chí Thanh, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân.
Với hai làn đường rộng hơn 8m, lại có dải phân cách cứng ở giữa khá rộng, việc rào chắn tại các ngã ba, tư và mở các điểm quay đầu xe mới cách đó hơn 200 mét đã giúp giảm tải cho các ngã tư. Tại đường Nguyễn Chí Thanh, do có dải phân cách rộng nên ngay cả khi xe buýt quay đầu cũng không ảnh hưởng đến lưu thông của các làn xe.
TS Khuất Việt Hùng, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch và quản lý giao thông vận tải nhận định, cách phân làn của Sở Giao thông vận tải chỉ có tác dụng trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Thành công ban đầu của giải pháp phân làn là do có mặt cảnh sát giao thông hướng dẫn và cưỡng chế. Khi cảnh sát rút đi, tác động tiêu cực của việc quay đầu tại các điểm mở sẽ dần điều khiển hành vi của người lái xe.
"Phần lớn người mình hay e dè với cái mới nên lúc đầu họ ứng xử rất văn minh, nhưng khi quen rồi thì lại trở lại thói quen giao thông "bất quy tắc" hằng ngày", ông Hùng đánh giá.
Theo ông, để giải quyết nạn ùn tắc giao thông của Hà Nội, trong ngắn hạn phải tổ chức nhiều nút giao thông khác nhau. Đóng nút giao thông ngã tư như cách đang làm chỉ là một trong rất nhiều giải pháp. Trong trung hạn thì phải hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân, đặc biệt là ôtô con, sau đó là xe máy.
Ngày 27/8, trao đổi với VnExpress.net, ông Hoàng Văn Mạnh, Phó thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, sau khi học sinh, sinh viên nhập học trở lại, liên ngành công an, giao thông thành phố đang tiến hành rà soát lại các điểm phân làn mới có nguy cơ ùn tắc để tăng cường lực lượng, điều tiết giao thông.
Ông Mạnh khẳng định, việc ùn tắc tại các điểm sang đường mới hiện nay là "giả tạo" và chủ yếu do các ôtô khách, xe du lịch gây ra. Những điểm quay đầu mà chiều dài xe buýt lớn hơn góc quay của đường đã được tổ chức cho quay đầu xe ở những vị trí khác phù hợp hơn.
"Ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng người tham gia giao thông cũng phải có trách nhiệm đi đúng làn đường. Nhiều trường hợp điều khiển ôtô thiếu ý thức gây nên tình trạng ùn ứ ở các điểm quay đầu xe", ông Phó thanh tra nói.
(nguồn vnexpress)