Tam Bạc là con sông chảy từ lòng phố, với tôi nó như một màn ảnh khổng lồ chuyên chở những cảnh vật, con người của Hải Phòng đời này qua đời khác.
Có nhiều khi, vào lúc đất trời im lặng, dòng sông như một cuốn phim quay chậm, trôi ngược hình ảnh về thời xa xưa, nơi tên sông bắt nguồn từ tên một làng nhỏ ở đầu nguồn, làng Trạm Bạc, có một vịnh nước sâu nhấp nhô những ngọn cột buồm.
Trong khoảng mươi mười lăm năm (1874-1885), vùng đất ngã ba sông Tam Bạc đã hiện lên bóng dáng của phố phường đô thị. Những dòng người tha hương từ các vùng quê Bắc bộ lũ lượt gồng gánh, dắt nhau theo các triền sông đổ về vùng đất lầy lội này làm phu khuân vác, làm thợ nề, thợ đấu... đìu ríu quây quần trong những lán trại lúp xúp, những con đò nát, lập lòe ánh lửa, những xóm trên sông trôi nổi theo dòng Tam Bạc lấp lánh váng dầu.
Những nhà gạch đầu tiên được xây lên bên sông Tam Bạc là của những thương nhân Tàu. Họ cũng là chủ của phần lớn ngôi nhà ở Hạ Lý bên kia sông. Phần còn lại là những túp lều xám xịt, tồi tàn. Trên khoảng đất lầy lội có một cái chợ bán nhiều cá tươi, gà, vịt. Vào những ngày mưa, phố xá không đi lại được vì bùn lầy. Những đường phố lát đá xanh gồ ghề hình sống trâu, lật nghiêng những bánh xe ngựa.
Phố Tam Bạc nằm dọc theo sông từ cầu Hạ Lý cũ, vòng ra phía sau chợ Sắt, ngày trước chỉ là bến tàu, còn nhà phần lớn là mặt sau của phố Bati và phố Khách (Rue chinoise) với những căn nhà hình ống có nhiều hộ ở.
Những hộ phía sau, đục tường thông ra phố Tam Bạc để tiện ra vào, thành ra một thớ mặt tiền nhấp nhô mái bếp với những cửa sổ cao thấp, tùy tiện hướng về phía Tây. Mỗi hoàng hôn, mặt trời như một dải bạc dưới lòng sông, hắt ánh sáng lên mái ngói và những khoảng tường loang lổ, làm cho dãy phố có một vẻ đẹp hoang sơ trong tiếng còi tàu âm u vọng về từ ngã ba sông, kéo theo bóng tối của màn đêm, chầm chậm dâng lên, lấn dần vào các ngõ phố.
Ngã ba sông, phía bên kia chợ Sắt trông sang, xưa kia có đền Tam Kỳ, một ngôi đền thiêng thờ mẫu Thoải trông coi về sông nước. Phố Dinh ở gần đền, các cụ bảo ngày trước nhà thơ Tản Đà có người bạn sênh phách tri kỷ ở phố này, nên thường từ Sơn Tây, Hà Nội xuống thăm .
Ông có viết bài ca trù tặng bà, có tên "Cánh bèo", với 4 câu mưỡu cảm kích ân tình:
"Bồng bềnh mặt nước chân mây
Năm năm sương tuyết, ngày ngày nắng mưa
Ấy ai bến đợi sông chờ
Tình kia ai khéo lững lờ với duyên".
Cũng là một thoáng nhập hồn Tam Bạc với nhà thơ kỳ tài, vào những năm đầu thế kỷ.
Hải Phòng ngày 16-4-1972, thành phố bị ném bom hủy diệt. Những người làm phim tư liệu như chúng tôi ngồi trên chiếc xe Commăngca cũ nát, tơi tả phóng khắp thành phố tan hoang, khói bụi mù trời. Kiều Thẩm - bạn tôi, nhà quay phim tài liệu kỳ tài, nằm trên sàn xe quay một cú quay trượt travelling ngược lên trời, những mái nhà Tam Bạc dựng đứng trôi đi vùn vụt như linh hồn những người đang nổi giận.
Ôi! Tam Bạc của tôi... Dòng sông như khóc - ban đêm thanh vắng, trong tiếng sóng vỗ nỉ non, lấp lánh những ánh đèn dầu như những hạt châu rơi trên những con thuyền phiêu dạt trở về. "Đẹp đến não lòng - Kiều Thẩm nói với tôi - Nếu một mai chết đi, tao sẽ nhập hồn vào Tam Bạc". Kiều Thẩm qua đời, 2 năm sau, trong một chuyến quay phim. Hồn trở về dòng sông, cho đến bây giờ vẫn trôi đi cuồn cuộn trong cuốn phim vô tận Không - Thời gian, trong mắt tôi, trên màn hình Tam Bạc.
Lưu Quang Vũ thời chiến tranh phiêu lãng với Hải Phòng "Viết cho em từ Cửa biển":
"Trăng đã lên đêm đã lả về sau
Anh đi bên dòng Tam Bạc
Thủy triều lên thao thức
Con sóng giống như cuộc đời anh
Có ai nói cho lòng ta hiểu nổi
Về cuộc đời ghê gớm ta yêu."
Tôi đi với Vũ bên bờ sông. Có nhà ai đang cúng vong, bắc một chiếc cầu bằng vải trắng từ dưới sông lên bờ, cho người chết biết đường mà về. Đèn nến bập bùng. Hương khói bâng khuâng. Mùa này đang là mùa cá mòi, cá phơi trắng xóa trên kè đá. Năm tháng đã qua rồi. Tam Bạc đẹp hơn xưa, với những biệt thự, lâu đài bên sông soi bóng, thoáng như một cảnh tượng nào bên phía trời Âu. Nhưng dòng sông vẫn không đổi khác.
Tôi vẫn là tôi của ngày xưa, chỉ già nua và không còn bạn cũ:
"Xưa tôi trôi như một cánh buồm
Giờ tôi đã thành bến cũ
Xưa giăng lưới theo đàn cá lạ
Nay cá đã phơi rồi, lưới rách lua tua
Nào hãy bơi đi đàn cá mòi khô
Ta sẽ thả các người xuống nước
Hãy tìm lại cho ta những ngày ta đã mất
Nơi đáy sâu im lặng đời đời..."
(NSND Đào Trọng Khánh)