Ô tô Việt Nam đứng trước “cơn bão” cạnh tranh với Lào, Campuchia
Trong báo cáo về tình hình sản xuất ô tô 9 tháng đầu năm 2019, Bộ Công Thương cho biết: Sản lượng sản xuất ô tô tháng 9 năm 2019 đạt hơn 28.000 chiếc, giảm 5,8% so với tháng trước và giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung 9 tháng năm 2019, sản lượng sản xuất ô tô ước đạt hơn 240.000 chiếc, tăng 8,3% so với cùng kỳ.
Theo Bộ này, các hãng sản xuất xe ô tô cũng như nhập khẩu đều đang dồn lực cho sản xuất cũng như nhập khẩu để đón đợt mua sắm cuối năm, mà trước mắt là phục vụ cho kỳ triển lãm lớn nhất trong năm diễn ra vào tháng 10 tới.
Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, sản lượng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập khẩu 9 tháng đầu năm tăng mạnh tới 3,86 lần về lượng và 3,5 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, đạt 73.063 chiếc với trị giá 1,39 tỷ USD.
Bộ Công Thương nhận định, hiện nay, thị trường ô tô đang ở giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, giá giảm đối với tất cả các phân khúc do nguồn cung từ nhập khẩu, cũng như sản xuất trong nước đang dồi dào. Tuy nhiên, thời gian tới sự cạnh tranh đối với ngành này vô cùng gay gắt.
Theo Bộ Công Thương, ô tô nhập khẩu thuế 0% sẽ không chỉ là ô tô các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia hiện nay mà còn là ô tô từ các quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) như Nhật Bản, Canada, hay Đức, Anh, Pháp trong 7-10 năm tới.
“Sự cạnh tranh gay gắt từ ô tô nhập khẩu đang ngày càng gia tăng và ảnh hưởng tới ngành sản xuất ô tô nội địa” - Bộ Công Thương nhận định.
Nhấn để phóng to ảnh
Bên cạnh sức ép từ các quốc gia đi trước, Bộ Công Thương cũng lo Việt Nam sẽ còn phải chịu sự cạnh tranh từ sự phát triển của các nước đi sau trong khu vực (Myanma, Lào, Campuchia).
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Bộ Công Thương dự kiến nhập siêu ngành ô tô năm nay sẽ đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD. Trong những năm tiếp theo, kim ngạch nhập khẩu ô tô sẽ tiếp tục tăng theo nhu cầu sử dụng ngày càng cao trong nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất ô tô nội địa và cán cân thương mại.
Một số quốc gia trong khu vực như Indonesia và Thái Lan đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới, từ đó cơ hội thu hút các hãng ô tô đầu tư sản xuất lớn ở Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo lưu ý của Bộ Công Thương, bên cạnh sức ép từ các quốc gia đi trước, Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh từ sự phát triển của các nước đi sau trong khu vực (Myanma, Lào, Campuchia).
Cách nào "gỡ" khó cho ngành ô tô?
Nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với những định hướng quan trọng.
Đối với xe chở người đến 9 chỗ ngồi (xe con), mục tiêu đến năm 2020 - 2025, xe sản xuất trong nước đáp ứng 60 - 70% nhu cầu thị trường và nội địa hóa đến 2020 đạt từ 35 - 40%, đến năm 2021 - 2025 đạt 40 - 45%.
Đối với xe tải và xe khách, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung vào phát triển các chủng loại sản phẩm sản xuất trong nước có lợi thế và các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, nông thôn; các loại xe chuyên dùng.
Bộ Công Thương cũng cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp với các bộ ngành trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách mới tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp lớn, thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn có kèm theo chuyển giao và làm chủ công nghệ tại Việt Nam.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước, với thời hạn của chính sách là từ 5-10 năm...
Nguyễn Mạnh