Người trong cuộc
40 năm đã trôi qua. Đó là quãng thời gian dài so với một đời người. Nhiều thứ đã bị thời gian bỏ lại ở phía sau, vậy mà những kỉ niệm trong chiến tranh chống quân bành trướng TQ với vị thế là người trong cuộc,chúng tôi vẫn chẳng thể nào quên được.
Ngày ấy... Tháng 1/1979, HVQY cử 7 anh em k67 chúng tôi ( Cao Xuân Đường, Đinh Ng. Sỹ, Ng. Q. Chung, Ngô T.Hồi, Ng.H.Quang, Ng.H. Công và tôi) đi tăng cường cho quân khu1.
Thời bao cấp cái gì cũng thiếu, giao thông càng khó khăn.Sau nhiều ngày, đi qua cấp q.khu chúng tôi được điều về F3.Tới được sư bộ sư3 đã áp tết âl, chúng tôi được phân công đi các đơn vị: Đường- về ban qy sư, Sỹ+ Công về d qy, Chung về e pháo còn Hồi,Quang và tôi về 3 E bộ binh. Tôi về E12(đoàn Tây Sơn) trấn tại Đồng đăng.
Chiều 30 tết âl tôi đặt chân tới trung đoàn bộ.
E trưởng gặp gỡ xong thì mời Cnqy e lên đón về tiểu ban qy.
Anh Tâm - bs khóa 63- cnqy e12,mừng lắm.Đã lâu rồi anh chưa được về thăm gđ,(đơn vị từ chiến trường b chuyển về đây, còn đang củng cố nên quá nhiều việc). Bs Tâm muốn tranh thủ về Hn chữa bệnh và thăm gđ ít ngày. Anh băn khoăn tôi vừa mới về đơn vị liệu có thay anh được ko. Tôi tự tin mà nói với anh là được, anh cứ yên tâm về thăm chị ít ngày .
Ngay trong những ngày tết tôi đã đi cùng đoàn của e trưởng lên các chốt suốt từ Hữu nghị quan về tới Khánh khê rồi vào dân bản chúc tết. Thấy tôi chủ động nắm bắt các kế hoạch bảo đảm qy, cơ sớ vật chất thuốc men, y cụ nhân lực, tình hình các đơn vị cấp dưới đặc biệt là thâm nhập thực địa... rất nhanh và chắc chắn, sau tết anh Tâm về Hn. Tôi thực sự điều hành chức trách cnqy kiêm đội trưởng đội phẫu thuật e.
...Tối 16/2/1979 trung đoàn triển khai nhiệm vụ: ngày hôm sau các đ.v tập trung tăng gia sx,giảm tỉ lệ quân số trực chiến...
Sáng 17/2/1979: 5 h 15 phút- keng...keng... keng. Tôi nghe đến tiếng kẻng báo thức thứ 3 thì uỳnh...oàng...Nhà cửa rung chuyển,chớp lửa nhằng nhịt ngoài sân và từ đó nổ dồn dập. Keng keng keng, 3 tiếng một.( Báo động) tiếng kẻng thúc liên hồi.
Vơ vội chiếc quần dài treo ở đầu giường,tôi nhảy vội xuống giao thông hào dưới gầm giường. Chui ra hầm chữ A ở bên ngoài đã thấy cây cối trong sân đổ, đất cát cày xới ngổn ngang. 2 gối run lên lập cập(hoảng sợ +rét) đầu óc tê liệt ko biết mình ở đâu, là ai và phải làm gì...
Một lúc sau thấy giữa 2 chân mình lành lạnh ( sợ vãi...) và mới nhận thức được mình là ai, phải làm gì. Lom khom chạy theo giao thông hào sang các hầm gần đó,thấy mấy cậu y sĩ, y tá còn quần đùi đang run lên bần bật. Ra hiệu cho các cậu đó chạy theo tôi vào nhà ,mặc thêm áo thay đồ ướt cho đỡ run rồi đeo ba lô sang hầm hậu cần.
Toàn bộ liên lạc hữu tuyến đã bị pháo và thám báo người Hoa cắt hết. E trưởng đang chỉ đạo ban thông tin dùng máy 15 w liên lạc với sư đoàn. Xin 1 xe tải tôi cho chở d.cụ và nhân sự tới vị trí 1 của đội phẫu. Đang triển khai, tiếng pháo nổ khắp nơi thì tiếng Ak bộ binh bắt đầu và nổ gắt hơn...(bộ binh Tàu đã gần). Buộc lòng tôi cho chuyển đội phẫu sang vị trí dự bị 2. Đến khoảng 10 giờ sáng- sang vị trí thứ 3 - hết chỗ.
(Kế hoạch có 3 chỗ) Thương binh đã bắt đầu về phẫu,thông tin chiến trận cũng về theo, nỗi sợ hãi trong nhân viên đội phẫu cũng tăng dần khi biết xe tăng địch đã vào từ sáng, nhiều chốt đã rút lui, tăng viện ko có, tiếp viện từ tuyến sau cũng ko, chỉ huy liên lạc bị cắt. Nhiều chốt anh em tự ứng xử lúc đầu là được bắn cho sướng tay sau thấy địch chết nhiều quá mà chúng vẫn ào ào xông lên thì dần sợ ,khi đạn gần hết thì lui dần.
Khoảng 11 giờ trưa thì pháo địch giảm, tiếng súng bộ binh, tiếng cối M79, tiếng lựu đạn và cả tiếng nổ của mìn định hướng ta cài,rộ dần. Bàn với cn hậu cần tôi cho chuyển đội phẫu tới vị trí khác ko có trong kế hoạch...rốt cuộc tới khuya đêm đó là chuyển lần thứ...7.Hết đường, sau lưng chúng tôi là dãy núi cao ngất. Tôi quyết định đưa đội của mình vào hang "Ngân hàng" và trong đầu đã vang lên 2 từ " Tử thủ''.
Đường vào hang ngân hàng là độc đạo, ngoằn nghoèo. Hang rộng sâu hun hút,tối đen đặc tưởng như có thể xắn thành khối. Tbinh đã đươc xử lí đưa vào hang thì yên tấm vì kiên cố nhưng chăm sóc, thuốc men ăn uống đặc biệt là khâu vệ sinh, chống nhiễm khuân thì nan giải. Gần sáng ngày 18/2 chiến trận hơi dịu đi, chúng tôi tranh thủ ăn lương khô, khui đồ hộp cho tb và tranh thủ chợp mắt lấy sức. 07 giờ sáng 18/2 pháo lại bắt đầu gầm lên và lần này tiếng rít của pháo rít ngay trên đầu chúng tôi. Tiếng đá lở rơi xuống vực... 2 tai ù đặc, khát, mệt căng thẳng. Tôi đề nghị và được trung đoàn cho cài mìn định hướng nhiều lớp trước cửa vào hang và cho tăng cường thêm người canh gác để anh em yên tâm cứu chữa tb.Ngày 18/2 số lượng tb đã tăng nhiều, có cả người dân bị thương cũng tìm đường vào, cả tb của các trung đoàn khác nữa. Qua họ tôi đươc biết e pháo của f3 bị bịt miệng ngay từ những loạt pháo đầu tiên của địch vì chúng đã có tọa độ trước, 2 trung đoàn của f3 đã rút lui,mất chốt, e 12 của tôi cũng đã tổn thất nặng.
Rất may từ này 18/2 trở đi chúng chỉ đánh ban ngày, gần tối lại co cụm một chỗ ở trên cao ăn uống xì xồ suốt đêm. Tận dụng đặc điểm này từ tối 19/2 chúng tôi bắt đầu vận chuyển tb về sau và chuyển thuốc men chi viện về phẫu. Lượng tb về phẫu tăng nhanh, nhiều, nhiều người đã gọi đùa phẫu thành phễu. Đồ tiếp viện+ cơ số dự trữ mới chỉ trong 2-3 ngày đã gần hết, đặc biệt là bông băng
Tôi đề nghị và được e trưởng đồng ý, đã cho bộ đội mở các kho bách hóa của dân sự trên địa bàn lấy vải màn cắt ,cuộn thành băng cá nhân để sơ cứu, chăn vải phục vụ vận chuyển tb và một thứ hết sức quý với việc vận chuyển đêm trong rừng là: đèn pin và quả pin. Sau này khi kết thúc chiến tranh được mọi người bình phẩm là có đầu óc, nếu ko khi lính tàu tràn vào chúng sẽ sử dụng.
Ban ngày chỗ nào có khói là chúng dã pháo. chúng tôi phải nấu nướng theo kiểu bếp Hoàng Cầm.
Nước uống phải ưu tiên cho tb, người khỏe suốt ngày gần như đói và khát,lương thực tuyến sau tiếp viện là bột lương khô chưa kịp đóng thành bánh, khát nước họng khô ko thể nuốt được bột này.
Cuối tháng 2 nguồn nước suối bỗng cạn kiệt. Trinh sát báo về quân tàu đắp đập đá chặn phía thượng nguồn. Thận trọng đề phòng chúng thả thuốc độc. Xác người,trâu bò, lợn gà chết nhiều từ ngày đầu giờ đã đến tầm thối rữa,phân hủy thấm xuống suối. Lấy nước ăn uống ở đâu đây? Thế là đêm đêm một đoàn quân dẫn đầu là trinh sát mang vũ khí, còn phía sau là mỗi người 2 vỏ thùng lương khô + một đoạn cây rừng làm đòn gánh lặng lẽ dò dẫm lên phía trên đập lấy nước về cho ngày hôm sau. Được vài tối an toàn sau đó chúng phát hiện ra, nổ súng,thế là giọt nước uống cũng phải trả giá bằng máu của đồng đội.
Sang đầu tháng 3 ,ác liệt, căng thẳng ,tiếp viện tuyến sau chỉ có 1tiểu đoàn tự vệ của Gang thép Thái nguyên trang bị súng k44. Bộ binh Tàu áp càng gần đến phẫu. Trung đoàn đã đưa cả lực lượng vận tải,thông tin, công binh ra chiến đấu, rút hết cả lực lượng tăng cường cho chúng tôi từ trước, tôi ngầm hiểu xắp đến thời điểm...
Đã có người bàn đến chuyện rút lui cá nhân bảo toàn tính mạng như một số người đã chạy về tuyến sau. Tôi đã buộc phải triển khai biện pháp cuối cùng : cấp tăng võng, đèn pin, lương khô,bột glucose, kháng sinh cho nhân viên đội phẫu, ban ngày rút nhân viên hậu cần ra gác mìn định hướng, triển khai phương án khi nổ hết mìn mà lính Tàu tràn vào hang thì cận chiến ra sao.
Các bạn của tôi. Năm ấy tôi là thiếu úy, bs nội trú ngoại khoa, ấy vậy mà trong chống Tàu tôi đã phải đứng mổ trong hang với ánh sáng của đèn mang sông+ đèn pin, thắt lưng đeo 2 quả lựu đạn,ở túi quần bên phải là khẩu K54 đã lên đạn,khóa nòng, túi bên trái là băng đạn dự trữ. Tôi dặn anh em nếu phải nổ mìn định hướng thì quả cuối cùng để tôi bấm, sau tiếng nổ ấy ai muốn chạy thoát thân thì tùy còn chạy trước thời điểm đó là hèn là ko đáng được sống và tôi sẽ bắn tại trận, tôi chịu trách nhiệm. Ơn trời, thấy tôi cứng rắn ko sợ chết nên ae tin tưởng sát cánh kề vai với mình và tình huống tuyệt vọng đã ko xẩy ra.
Sư đoàn tăng cường cho chúng tôi bs ban ngoại Bùi văn Ba- khóa 63. Thế là từ khoảng ngày 8/3 ,sau ngày chủ tịch nước Tôn Đức Thắng công bố lệnh tổng động viên ,đội phẫu chúng tôi có 2 bs họ Bùi, và chúng tôi cùng nhau cho đến hết chiến dịch.
Sáng 17/3/1979 , 7 giờ - Lạng sơn im phăng phắc. lạ lùng, một tháng qua ngày nào cũng giờ này là pháo Tàu bắt đầu đề pa. Chíu...chíu tiếng pháo rít trên đầu rồi oàng oàng nổ và ầm ăm tiếng vọng của núi đá và tiếng đá lở. sau đó là đủ tạp âm của chiến trường và khoảng 1 tiếng sau nữa là chúng tôi lại nhận thêm tb mới (gần lắm rồi). Hôm nay ko thấy gì. Một lát sau liên lạc chạy bộ vào hang hổn hển: mời anh sang hang h.cần họp gấp. E trưởng thông báo . Sư đoàn lệnh xuống quân tàu rút lui, ko tổ chức truy quét, tập trung tìm cứu tb, chuẩn bị công tác thu dọn chiến trường.
Sống rồi,không phải dọa bắn ai nữa rồi, sung sướng quá.
Giờ đây tb được vận chuyển ban ngày về tuyến sau, nhẹ thì cho về bệnh xá e. Đội phẫu về vị trí cũ, qy toàn e làm công tác tẩy uế chiến trường. Lúc này tôi mới mục sở thị lính Tàu bị thương ko thấy nhưng xác chết chúng ko lấy về thì rất nhiều( có th.tin là bị thương chưa chết, chúng bắn cho chết,ko để làm tù binh) nhưng tử sĩ của mình ko nhiều lắm. Nhiều ngày liền bộ đội ta phải đào hố chôn xác lính tàu. Bộ đội ta tử trận được mai táng tạm thời ko nhiều lắm, vậy mà đêm đêm vẫn từng đoàn xe tải nối đuôi nhau chở q.t từ xuôi lên. Ban ngày thì xe chở tân binh lên bổ sung cho các đơn vị. Vậy bộ đội mình đi đâu hết rồi mà phải bổ sung nhiều thế. Trả lời câu hỏi này mới thấy chiến tranh bất kể ngắn dài, mức độ khốc liệt mới là thước đo tội ác của kẻ thù.
Ít ngày sau qy chúng tôi được phổ biến kế hoạch lấy xác tử sĩ trong pháo đài Đồng đăng .
Trong tết tôi đã lên chốt này chúc tết, đã xách đèn măng sông đi thăm pháo đài. Xây từ thời Pháp, 3 tầng vừa chìm vừa nổi, 4 cửa ở 4 hướng , rất nhiều phòng, trên tường vẫn còn dấu vết đường dây điện cũ chứng tỏ khả năng rất lớn của nó trước đây.
Khi Tq tấn công nhiều dân thường chạy ko kịp đã vào đây trú. Bộ đội ta khi hết đạn, vỡ chốt, thất thủ cũng rút vào đây cố thủ. Lính tàu đặt thuốc nổ đánh sập các cửa hang...
Công binh lại phải cho nổ bung cửa hang ra, đào bới tìm từng tầng,từng phòng trong đống đổ nát đó những xác người đang phân rã, tìm tung tích giấy tờ để làm chế độ chính sách và mai táng cho chu đáo.
Hình ảnh những người lính trẻ mới 18 đôi mươi ngồi bới bới , xếp xếp, chia ra thành các phần sao cho có đủ các bộ phận để khi mai táng đồng đội mình ko bị thiếu cái gì ,cứ đi theo tôi mãi suốt cuộc đời.
Khi tôi lên đây khu đồi cổng trung đoàn bộ nhìn ra chỉ có mộ LS Lê Đình Chinh . Vậy mà hơn một tháng sau ,san đi những hố pháo dày chi chít là rất nhiều căn hộ của đồng đội anh.
Liệu chúng ta có quên được không? Lịch sử có lãng quên đi không hỡi các bạn???
Tác giả: Đại tá Bác sĩ Bùi Sĩ Bùi- Học viện Quân Y. Bài viết năm 2019.