Em xin pots bài này. Mong cụ nào " căm thù " Tàu khựa quá, gạch đá nhẹ tay chút.
TRUNG QUỐC, CÓ PHẢI LÚC NÀO CŨNG LÀ GIẶC ?
Những năm giữa 8x, cứ vào dịp nghỉ học hè, em lại được bố mẹ cho vào nhà ông bà , nhận phụ huynh em làm con nuôi, trong Nông trường chè tháng 10, thuộc địa bàn xã Mỹ Bằng, huyện Yên sơn, tỉnh Tuyên Quang chơi.
Nói thật với các cụ, hồi nhỏ em cũng hơi nghịch, nhưng chỉ đi ra ngoài mới nghịch thôi. Vào đó, ông bà suốt ngày chạy đi tìm, vì sợ em theo bọn trẻ con ra sông Hiên tắm, không cẩn thận bị sao ông bà mang họa. Con sông Hiên, chảy từ thủy điện Thác Bà xuống, nước trong xanh, lao mạnh và xiết lắm, nằm giữa hai tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang.
Phải nói, phong cảnh trong đó thật đẹp, những đồi chè bát ngát, các luống chè xếp đều tăm tắp, xanh một màu nối tiếp nhau chạy về phía chân trời, trên cái nền xanh ấy, điểm lấm chấm những chiếc nón trắng của các cô gái đang lúi húi hái chè. Giá như hồi ấy em đã có máy ảnh, thì em sẽ là nhiếp ảnh da từ lâu rồi.
Trong một lần lang thang, em nhìn thấy một khu mộ bỏ hoang, nằm trong thung lũng, giữa các đồi chè. Không quan tâm lắm, nhưng khi nhìn thấy trên bia mộ, có những ngôi sao màu đỏ ( Không biết là sao Bát Nhất của quân đội Trung Quốc ), tò mò ghé vào, toàn thấy chữ Tàu. Thời điểm đó, đang đánh nhau biên giới, dân quê em đang ghét Tàu bỏ mẹ ra, không hiểu sao lại có mộ lính của họ nằm đây? Về hỏi ông, qua câu chuyện, mới vỡ lẽ ra. Đây là mộ của những người lính Trung quốc, từ những năm 6x, sang giúp Việt Nam.
Ngày đó, thời chống Mỹ, Trung quốc đưa rất nhiều lính, dân công sang làm đường. Tất nhiên là, theo một số thông tin, họ sang để " tăm tia " trước nữa, sau này có gì tiến sang cũng không sợ lạc đường, nhưng ở đây em chỉ kể những cái tích cực, mà họ làm được giúp ta thời điểm ấy. Hiện nay, ở chỗ em, còn những cây cầu, tuy không sử dụng được nữa, nhưng sắt xi còn rất tốt, hay những đoạn đường, nhà ở, gọi là cầu Trung quốc, đường Trung quốc, nhà Trung quốc....Khi cô chú em còn nhỏ, lính công binh Trung quốc đi qua, các cô chú xui nhau hô vang " Mao xù xì van sê ", hình như ý nghĩa của nó là Mao chủ tịt muôn năm thì phải. Họ thích lắm, cho kẹo, rồi hàng vốc huy hiệu tròn tròn có in hình bác Lông ( Mao ), mọi người cạo đi để...đánh đáo, thấy vậy họ không cho nữa.
Trở lại chuyện con sông Hiên. Hồi đó, cách đấy không xa, là thủy điện Thác Bà đang khởi công, rồi Nông trường chè, được Liên Xô giúp đỡ thiết bị máy móc, để sản xuất chè theo kiểu công nghiệp, và một số nhà máy dưới xuôi sơ tán lên. Thằng đế quốc Mỹ hung tàn muốn dân ta phải sao chè bằng tay mãi, cũng như ngồi chơi, uống trà bồm bên ngọn đèn dầu, cho nên chúng nó phá, bằng máy bay ném bom. Một đơn vị cao xạ của pháo binh Trung quốc, đóng ngay tại bến phà Hiên, để bảo vệ bầu trời giúp các đồng chí tốt Việt Nam xây dựng nền công nghiệp XHCH địa phương. Lính của họ rất tốt, hay chia sẻ khó khăn với dân quanh vùng, cũng được nhân dân tương đối quý mến. Đặc biệt, ban đầu họ mổ lợn, không ăn nội tạng, đem chôn, dân nhà mình móc lên bắt phèo, làm giồi lợn đánh chén ngất ngây, họ thấy vậy không chôn, đem cho mỗi khi thịt lợn.
Chuyện mỗi người lính của họ, có một quyển trước tác của Mao chủ tịch, hàng ngày đọc như đọc kinh, không hẳn thế đâu, các bác nhà ta hơi hài khi phịa quá! Lính Tàu thời đó đâu phải ai cũng biết chữ hết, và họ cũng như lính ta thôi, ngán nhất môn chính trị, chính em. Chỉ khi có chính trị viên đơn vị tới, họ mới mở ra, có khi nhìn vào sách nhưng đầu đang nghĩ tới mấy em gái Tuyên đang tắm dưới sông Hiên, kệ mẹ bác Mao viết gì thì viết.
Nhưng mà chuyện chiến đấu của họ hơi tệ, đóng quân một thời gian, chả bắn rơi được một chiếc máy bay Mỹ nào! Cơ bản là đấy không phải mục tiêu nó bận tâm, cho nên cứ bay vù vù qua đầu, mặc cao xạ 37, 57 bắn lên gãi ghẻ. Cú quá các bác mới mang cờ, khăn ra vẫy trêu ngươi, cay mũi chúng nó vòng lại, bổ nhào cho mấy chưởng, hy sinh ( lúc này em dùng từ hy sinh được ) cả đống, mà cũng chả làm mất sợi lông nào của thằng phi công Mẽo. Chỗ mộ đó là toàn của lính cao xạ. Sau này, thấy chối quá, nhà ta điều hẳn tiểu đoàn tên lửa đến bảo vệ ( hài cái thời CTBG, vẫn còn để phòng máy bay Trung quốc ), không quân Mỹ sợ quá mới lượn đi chỗ khác.
Oái oăm thay, năm 79, để ngăn ngừa " Đội quân thứ 5 " của Đặng Tiểu Bình, người ta lại dồn hết người Hoa vào chỗ nông trường, ngay gần chỗ các liệt sĩ của họ nằm. Con đường lát đá xuống bến phà Hiên ( cũ ) chính là những người Hoa đó thi công ( theo lời kể của bác Hà, cựu trinh sát Cục 2 – Lao Chải, Vị Xuyên 1978 - 1979, quê ở đấy, hiện đã về HN, đang có mặt trên diễn đàn này ). Dân nhà mình vốn thương người, thấy người Hoa ăn ở tạm bợ, đói rét, cho vào ở nhờ nhà mình, cho ăn, cho uống. Chính bác Hà, khi đánh nhau với Trung quốc bị thương, về qua nhà, thấy bác mấy cô ( nghe nói rất xinh ) sợ nem nép. Nhưng bác bảo : “ Tôi đánh nhau với lính bành trướng, chứ không đánh nhau, không ghét dân các bạn, cứ về nhà tôi, ở với bố mẹ tôi cho vui”. Xong bác lên đường điều trị vết thương. Hiện tại, những người Hoa đó, ai không về nước, ở lại thành phố Tuyên quang, vẫn nhớ, và cũng chả dám oán hận gì chính quyền, thời thế lúc đó họ phải chịu thế! Những người được dân cưu mang, vẫn thi thoảng vào thăm lại, hoặc gọi điện cho bác Hà.
Vừa rồi, có dịp vào chơi thăm sức khỏe ông bà, đi qua chỗ ấy, em đứng tần ngần ngó một lúc. Chợt nghĩ : Đâu phải, lúc nào, người lính Trung Quốc cũng là giặc, trong suy nghĩ của người dân Việt Nam.
--------------------------------------
Có tý ảnh sông Hiên hiện nay, minh họa cho bài viết.