Em xin Fun một câu chuyện nhỏ. Em biên cũng lâu lâu, nhưng...quên.
Không biết đã đưa lên đây chưa, nếu rồi hoặc phạm qui các Mod xóa hộ em !
KỶ NIỆM VỀ THÁNG TƯ.
Tháng tư, khi những đợt nắng rực rỡ, nóng bức bắt đầu phủ xuống miền Bắc, báo hiệu một mùa hè đã đến. Thì cũng là lúc, bắt đầu một mùa ký ức, của những người lính từng cầm súng, hướng về sự kiện kỷ niệm lớn nhất trong tháng. Ngày 30/4, cách đây 40 năm.
Vào những ngày cuối tháng này,trên các con đường quốc lộ hướng vào nam, người ta thấy không ít cảnh từng đoàn xe, căng băng rôn với dòng chữ : CỰU CHIẾN BINH SƯ ĐOÀN X, Y...VỀ THĂM CHIẾN TRƯỜNG XƯA. Trong các nghĩa trang nằm trên đường Trường Sơn, nằm trên các địa danh quen thuộc thời chống Mỹ, thấp thoáng những bộ quân phục màu xanh, chiếc mũ tai bèo không che hết mái tóc đã bạc gục bên hàng bia mộ, trong làn khói hương nghi ngút, từng giọt nước mắt nghẹn ngào lăn trên bờ má nhăn nheo, kèm theo tiếng nấc nghẹn ngào, gọi tên người đồng đội nào đó. Tháng Tư.
Nhưng, trong không khí sôi sục của ngày, gọi là ngày Thống Nhất, các chương trình nói về nó được dựng lên, phát sóng liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có nhiều người không biết, trong tháng Tư này, cũng có những đoàn CCB, tóc cũng đã hoa râm, lặng lẽ về thăm chiến trường xưa, theo hướng ngược lại, lên phía bắc, tới một nơi được mệnh danh địa đầu Tổ Quốc, tỉnh Hà Giang.
Đó là những người lính, CCB sư đoàn 313, CCB các đơn vị của tỉnh đội Hà Tuyên ( cũ ). Hôm nay, chính là ngày, họ gặp nhau tại nơi, cách đây 31 năm, bắt đầu những trận chiến dữ dội, kéo dài đến sáu năm sau, tại các điểm chốt thuộc huyện Vị Xuyên, và các trận đánh dọc theo tuyến biên giới, lên tận Đồng Văn. Để ôn lại kỷ niệm ngày các điểm chốt tiền tiêu bị quân Trung Quốc tấn công, chiếm lấy ngay từ tay đơn vị mình, tưởng nhớ các đồng đội còn nằm mãi trên các ngọn núi quanh năm mây phủ, dưới các khe đá, con suối...
Mời mọi người tham khảo thêm trích đoạn ghi chép CÂY HƯƠNG TRÊN ĐIỂM CHỐT, ở phần 2, sẽ có chi tiết hơn chút. .
Cuộc chiến này, có thể gọi là cuộc chiến tranh BGPB lần hai, ở Hà Giang.
Cuộc chiến này, xảy ra chủ yếu tại Thanh Thủy, Vị Xuyên, với địa danh tốn bao công gõ phím, tranh luận của nhiều người : 1509. Phía Trung Quốc gọi là Lão Sơn.
Cuộc chiến này, theo thống kê, có đến gần hai mươi phiên hiệu các sư đoàn, thuộc các Quân khu, Quân đoàn khác nhau, các trung đoàn, tiểu đoàn bộ đôi địa phương lấy từ các Tỉnh đội khác nhau, thay phiên nhau lên mặt trận, và lạnh lùng tàn nhẫn hơn, đó là số liệu thống kê sự thương vong của cả hai bên, trong một chiến trường không rộng lớn, toàn tuyến như năm 1979.
Trong khuôn khổ sự hiểu biết nông cạn của mình, nhà em chỉ viết một chút về ngày này, hai câu chuyện nhỏ nghe hóng hớt được. Đó là TÊN TÙ BINH TRUNG QUỐC và ĐIỂM CHỐT CUỐI CÙNG CỦA 1509 THẤT THỦ SÁNG 29/4/1984.
***
Tên tù binh Trung Quốc bị bắt vào 4h chiều, ngày 28/4, có lẽ là sĩ quan đầu tiên của Tàu khựa bị ta tóm, khi bắt đầu các trận chiến.
Giờ này, trên 1509, kéo xuống đến 400, 300, đã thất thủ. Còn một số đơn vị, cấp B, cấp A trở xuống đang cầm cự tại một số chốt. C23 ( C7 ) của D2 - E 122 - F 313 đang đóng tại bình độ 800 bên dông bản Nậm Ngặt, được lệnh luồn sang, qua Đồi cây xanh, ứng viện cho đồi Cây Khô, phía trên các cao điểm 233, 226, chạy giáp biên.
Tả sơ lại cho những ai chưa từng lên đó, có thể tưởng tượng được một chút. Từ đỉnh 1509, chia ra làm hai hướng chạy xuống, như cô gái đứng dạng chân, ở giữa là thung lũng tới khe suối Cụt. Bên Tây là Nậm Ngặt, Bên Đông là 772,685, 400...đến 233 ( chỗ sau nhà hải quan cửa khẩu Thanh Thủy hiện nay ). Địch chưa tràn được bộ binh xuống hướng Nậm Ngặt, chỉ pháo kích dữ dội, khiến bên ta thương vong một số.
Trung đội đi tiếp viện, vừa đặt chân đến đồi Cây Xanh, vô tình gặp ngay một nhóm địch. Sau vài loạt AK, ba thằng quay đơ tại chỗ.
Các bác nhà ta đang lục soát , thu " đồ cổ " , thì phát hiện ra một thằng còn sống, chui từ bụi ra, tay giơ cao, mồm lắp bắp, xì xồ, chắc là " Em xin hàng!". Đó là trung úy Chu Uông Bân, chính trị viên, mới nhậm chức và lên mặt trận được 15 phút. ( May mà thằng này non gan, phải thằng lì nó nằm trong bụi quăng cho vài quả lựu đạn ra thì hỏng bét ). Suýt nữa ăn đạn của một bác.
Khi thấy thằng tù binh biết tiếng Việt, anh em đấm cho một trận, vì tưởng Việt Kiều yêu nước, dẫn lính Tàu sang. Ông bạn vừa xin xỏ, kêu đau, vừa xoong thủng chảo thủng ầm ĩ. Chỉ huy cao nhất can : " Thôi, nó hàng rồi, đừng đánh, nó kêu lộ mẹ mất đội hình bây giờ, trói lại mang về phía sau khai thác."
Lại phát hiện ra một thằng chưa chết hẳn, bị thương ngất đi, tỉnh lại mồm kêu cũng rõ to. Quyết định là tiễn nó " đi " tại chỗ. Một chiến sĩ được phân công thực hiện nhiệm vụ đó bằng lưỡi lê, nhưng bật lên ngần ngừ mãi : " Em không dám đâm đâu thủ trưởng ạ! ". Để lại cũng không đành, mất thêm hai người khênh nó về, gửi tại A đại liên dưới chân đồi. Sau này biết ra tiếc hùi hụi, vì thằng ấy là sĩ quan cao cấp nhất. Nguyên trưởng ( tương đương cấp chỉ huy tác chiến trung đoàn ), đêm hôm đó, ở A đại liên, hắn khát quá, bò ra giật quần người lính gác. Giật mình, bác ấy cho luôn mấy viên vào đầu.
Hóa ra, Nhóm địch này toàn là sĩ quan, chắc đi trinh sát, hay thị sát chiến trường, lớ ngớ chui ngay đầu vào đúng lúc đơn vị của ta hành quân qua. " Đồ cổ" thu được của bọn này xịn lắm, có máy thông tin, mỗi thằng một cái ống nhòm, một la bàn. Quân phục Tô Châu, mũ sắt có hai đốm dạ quang đằng trước. Bánh, kẹo, thuốc lá, và nhất là hộp cơm, trong đó đầy đủ cơm trắng, đỗ Hà lan, thịt bò nấu chín, được giải quyết nhanh gọn, như lúc lia súng.
Ta cũng thu được một cái máy, mở ra nhìn như máy quay phim, nhưng sau đó, nộp lên trên, nói đó là máy phóng xạ mìn ( chả biết phóng xạ mìn để làm gì ).
Chu Uông Bân cũng khai, một thằng chết trong đám đó, cấp bậc Tư vụ trưởng ( đại đội trưởng quân khí )
Đêm đó trên đồi Cây khô, không có hầm hào gì che đỡ. Sương lạnh dày đặc. Sau mấy đợt chống trả, đạn hết, lương thực hết, phải mò ra lấy đạn với lương khô của lính Trung Quốc chết để dùng. Đơn vị rút, vừa ra tới nơi tập kết, pháo bắn đỏ rực trời vào nơi họ lúc nãy đóng chốt.
Cả trung đội mất một người, đó là đại đội trưởng đi cùng. Anh bị đạn bắn xuyên qua ngực, đưa về trạm quân y. Không cứu chữa được, sang ngày 29 hy sinh.
-------
Người mặc quân phục ngồi bên phải, 31 năm trước bắt sống Chu Uông Bân.
***
Cao điểm 233, đêm 28/4.
Người lính gác ca 3h, chợt nhận ra, phía bên kia biên giới, có những đốm lập lòe đang tiến dần sang phía ta. Càng ngày, đốm sáng càng nhiều hơn. Hồi đó, chưa ai biết Tung của sản xuất ra một loại đèn pin tiểu, lính Trung Quốc, mỗi thằng cầm một cái, đông nghịt quả đồi đối diện công sự.
- " Có cái gì bất thường" - Khi bàn giao ca gác cho người mới, anh dặn lại. Lúc đó, ánh đèn pin đã tắt hết. Người lính kia gật đầu, cầm điếu thuốc đồng đội đưa cho, giắt vào vành tai " tý nữa hết ca hút" , rồi đội mũ sắt ra hố bắn.
Những người lính nằm trong hầm vẫn đang ngủ nốt giấc, mà không hề biết, phía trên cao kia, các đồng đội của mình đã ngã xuống, ngủ một giấc vĩnh viễn, sau các đợt tấn công sáng hôm trước của kẻ thù. Mấy ngày gần đây, có nghe tiếng pháo, tưởng là các đợt pháo bình thường từ đầu tháng, bên kia liên tục bắn sang. Cả tháng nay, luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, đã rất mệt mỏi. Họ cũng không biết, đơn vị mình đã bị kẻ thù bao vây ba mặt.
4h sáng, từng loạt pháo bắn rung chuyển cả quả đồi. Không ai ra được ngoài công sự, khi dứt đợt pháo, thấy lính Trung Quốc đã xanh rì , lúc nhúc dưới chân đồi, phía sau, trung đội chốt cuối, đã nổ súng, họ bị tập kích từ hướng 772 xuống. Người lính gác nằm chết trong hố bắn, một mảnh pháo xuyên thủng mũ, điếu thuốc thấm máu còn giắt trên vành tai.
Trung đội chốt phía nam bị hy sinh gần hết, có người thậm chí còn chưa kịp mặc quần áo dài.Lính Trung Quốc không bắt tù binh.
Các tổ giáp biên hướng bắc, được lệnh rút , và chẳng biết rút đi đâu, sau, trước, bên trái đều có địch, còn mỗi bên phải thì có bãi mìn của ta gài ( chỗ cửa khẩu Thanh Thủy hiện nay ). Rất may, mấy hôm trước, có vài bác đi cải thiện, gỡ thành một vệt xuống sông Lô, để hái rau. Lính nhà ta vác súng, khênh thương binh...chạy xuyên qua bãi mìn, theo cái vệt đó, tụt xuống, men theo bờ sông Lô, rút ra ngoài.
Đây là trận cuối cùng bên bờ Tây sông Lô, bên bờ đông cũng đã chung số phận, các điểm cao bị mất hoàn toàn ( Trừ sườn phía Tây ) . Sư đoàn 313, bộ binh bị thiệt hại rất nặng, chỉ còn trung đoàn 14 đang trong Lao Chải và tiểu đoàn 3 của trung đoàn 122, đóng phía sườn Tây, và bên ngoài làm dự bị. Trung đoàn pháo binh 457...hết đạn, đành chịu ,không bắn hỗ trợ được cho đơn vị bạn.
Sư đoàn 356, 314 báo động chiến đấu, rục rịch kéo quân lên, ngăn cho địch không tràn qua bờ nam suối Thanh Thủy. Đánh chiếm lại những cao điểm đã mất.
Ngày 30/4. là ngày đại lễ, ngày vui tưng bừng của toàn dân. Thì ở nơi này, là một ngày không lấy gì vui với các CCB sư đoàn 313 ở Vị Xuyên, hay các CCB Hà Tuyên, ở Núi Bạc - Yên Minh, núi Rồng, Nghĩa thuận..v..v...
Rất nhiều người lính 313, còn nằm lại trên 1509, 772...không bao giờ, không ai biết họ nằm ở đâu, riêng lẻ hay chung nhau cùng một chỗ, hay bị địch tiêu hủy xác họ bằng hóa chất. Chỉ biết HỌ ĐÃ CHIẾN ĐẤU, HY SINH ĐỂ BẢO VỆ TỔ QUỐC.
Hết.
-------
Đỉnh 1509.