Hôm nay em lội lại thớt này để
TỔNG KẾT tất cả các loại máy hút ẩm các cụ mợ đã giới thiệu từ trang 1 trở đi, nhằm chuẩn bị cho chính em mua thêm 1-2 cái nữa. Mấy cụ theo dõi thớt từ đầu chắc biết là nhà em đã có sẵn con Electrolux 16l nhưng em không chịu nổi tiếng ồn của nó nên vẫn tính mua con khác từ đầu năm đến giờ. Chỉ là lúc đó đã gần hết mùa nồm nên dừng không mua nữa. Bây giờ sau khi lội 14 trang và đọc đủ thứ tài liệu giới thiệu khác, em xin được tổng kết lại. Em mời các cụ
sk050180 ,
Jue ,
Prius ,
Pumzen vào cập nhật tình hình luôn ạ. Ví dụ như cụ Jue thì đến giờ dùng máy Meaco thấy ưng không, cụ Pumzen có thể cho thêm thông tin về độ ồn của máy Steba không...
Trước hết để mua được máy đúng nhu cầu, chúng ta cần hiểu về 3 loại công nghệ hút ẩm trên thị trường và đặc tính mỗi loại
(không có loại nào hoàn hảo cả, được cái này thi mất cái kia). Em không đi vào chi tiết, chỉ nêu tên thôi để nếu chúng ta xem quảng cáo thì biết nó thuộc loại nào:
1/ Loại phổ biến nhất là dùng máy nén / lốc / dàn ngưng tụ / compressor / refrigerant:
Ít tốn điện. Công suất hút lớn. Khí xả ra ấm. Hiệu quả kém nếu dưới 15 độ và không hiệu quả nếu dưới 10 độ. Vì phải chạy máy nén nên rất ồn, trừ một vài loại thực sự chú trọng giảm độ ồn như Mitsubishi hoặc Meaco thì mới êm được. Nặng (từ 9kg đến gần 20kg).
2/ Loại dùng rotor / dessicant / bánh xe có chứa gel hút ẩm + bộ phận gia nhiệt (desiccant wheel + internal heater):
Nhẹ, êm (không phải lo phần ồn). Tốn điện hơn, tuy nhiên khí xả ra nóng nên trời lạnh dùng đỡ sưởi cũng được
. Quan trọng nhất là công suất hút ẩm không bằng loại lốc - tí nữa em sẽ nói cụ thể ở dưới. Ngoài ra, lạnh dưới 10 độ và độ ẩm dưới 40% cũng hút được (chi tiết này chỉ quan trọng với hút ẩm công nghiệp, người dùng gia đình thì không cần).
3/ Loại dùng IC / bán dẫn / thermo-electric / công nghệ peltier / giống cách làm lạnh trong cây nước nóng lạnh:
Êm, nhẹ, nhưng hút được rất ít, công suất có... 1 lít/ngày là max, đa phần chỉ được vài trăm ml. Tóm lại là máy mini để trong không gian hẹp như tủ quần áo. ==> Em sẽ không bàn đến loại này.
Tiếp theo, em sẽ liệt kê các mẫu máy theo mức độ ồn của nó, kèm theo công suất hút ở mức
27 độ C x độ ẩm 60% để so sánh. CCCM lưu ý là nhiệt độ càng cao càng dễ hút ẩm nên nhiều nhà SX quảng cáo công suất hút ở mức 30 độ C x độ ẩm 80% để con số trông đẹp hơn, thậm chí có nơi còn lấy giá trị ở mức 35 độ C.
Một lưu ý nữa về độ ồn là cứ cách 6 decibel (db) thì tai người cảm giác tiếng ồn tăng lên gấp đôi. Vì thế độ ồn 34-35 db với 40-41db là đã tạo sự khác biệt rồi và trên 45 db thì còn ồn nữa.
1. Các mẫu máy ít ồn nhất thuộc dòng ngưng tụ:
- Đứng đầu bảng là dòng
Mitsubishi biến tần MJ-PV240PX / MJ-EV240HP-H (review trang 9). Độ ồn khi chạy êm là 34db, hút 24l ở 27 độ C x 60RH. Công suất 410W. Hàng mới, mua ở Nhật thì điện áp 100v (vì công suất lớn nên phải có biến áp riêng), mua ở Hongkong thì có điện 220V và là tiếng Anh.
-
Meaco ABC 12L bán ở thị trường Anh (giới thiệu ở trang 6, review trang 9): độ ồn 35-40db, công suất hút 7.5l, 155W – coi như công suất bằng 1/3 con Mit phía trên mà tiêu thụ điện cũng khoảng 1/3. Trước phải đặt ở Amazon Anh về, hiện đã thấy bán ở VN. Meaco cũng có cả loại 10l và 20l.
UPDATE: Meaco bán ở VN là loại kèm lọc không khí, sẽ có độ ồn và mức tiêu thụ điện cao hơn. Loại ABC có lẽ chưa có mặt ở VN.
-
Stadler Form Albert hoặc Albert Little của Thụy Sĩ: gần như Meaco, thậm chí xét trên chỉ số kỹ thuật thì hơn cả Meaco (độ ồn có thể xuống đến 32db) nhưng vì chưa ai review nên không biết thực sự có êm đến thế không.
Link thông số con Meaco và Stadler Form:
A Brilliant Low-Cost Which? Award Winning 12L Dehumidifier That Is Ultra-Quiet & The Perfect Damp & Condensation Solution For Small Homes
www.meaco.com
Dehumidifier Albert dehumidifies humid rooms and creates a healthy environment without the risk of mold. Purchase online now.
www.stadlerform.com
- Samsung biến tần AY24H7000 (giới thiệu trang 12): con này rất đẹp, rất êm, rất... nặng nhưng chỉ để ngắm chơi thôi vì không mua được ở thị trường VN
Công suất hút 15l, 330W, nặng đến 20kg.
2. Một số mẫu máy thuộc dòng rotor:
a)
Edison Ed-7r, Hitachi HJS-D771 hoặc
HJS-D562. Những máy này thì yên tĩnh rồi, tuy nhiên hút chỉ 5 đến 7l/ngày trong khi tiêu thụ điện từ 350 ~ 600w. (So sánh: con Mit hút được 24l/ngày với công suất 400w, còn con Meaco hút ít tương tự, 7.5l, nhưng công suất chỉ có 155w)
Ngoài ra, em chưa check họ quảng cáo thông số hút ẩm ở nhiệt độ 27 hay 30, nếu là 30 thì khi quy về 27 độ C còn ít nữa.
b) Mẫu lai giữa rotor và máy nén:
Panasonic Hybrid y-fc120hmx. Được nhiều người khen là êm nhưng chưa bằng được mẫu Mitsu phía trên. Ngoài ra nó là hàng Nhật bãi, mà với các loại máy liên quan đến chất lượng không khí thì em thích mua hàng mới hơn.
3. Các mẫu máy “khá êm” thuộc dòng ngưng tụ:
Đây là những mẫu có độ ồn từ khoảng 38-42. Đối với nhiều người mức ồn thế này là ok lắm rồi. Em thì thích êm ru cơ nên em chỉ ghi ra vài loại để tham khảo thôi. Ở
trang 10 đã có cụ làm một bảng kê rất chi tiết cho các máy dòng Mit và Sharp, các cụ mợ nên vào đó xem.
- Mit MJ100 220v Nhật bãi, loại bé 10l.
- Mit chân voi MJ-180, cũng Nhật bãi.
- Mit MJ-E14CG có hàng mới bán ở VN.
- Sharp DW-D12A: ít ồn nhưng cảm biến độ ẩm rất kém.
- Songjing DH02 bán rất chạy trên Tmall của TQ, quảng cáo là 36db nhưng cụ ở trang 7 nhận xét là “hơi ồn.”
- Dorosin: hàng TQ, 41db, hút 6.5l ở 27 độ C, được miêu tả là “tiếng chỉ hơi ù ù như tủ lạnh”
4. Hai mẫu được khen khác:
- Winix của Hàn Quốc, mặc dù 45db nhưng được nhận xét là chỉ ù ù hơn tủ lạnh tí thôi (trang 8)
- Steba LE160: Rất khỏe và bền (trang 3). 16l ở nhiệt độ 30 độ C x độ ẩm 80% (ở nhiệt độ 27 sẽ hút được ít hơn). Công suất 410w. Không có nhận xét về tiếng ồn, trên lý thuyết là 45db.
5. Các mẫu máy “ồn”, em loại:
- Máy Sharp nói chung trừ model DW-D12A
- Con Electrolux 16l yêu quý mà em được trải nghiệm trực tiếp. Con này tuy thông số chỉ 45db thôi nhưng để trong phòng ngủ cứ như chạy máy nổ vậy. Được cái giá rẻ, có bánh xe, để chỗ nào xa xa nơi mình ngồi thì cũng tạm được.