Hỏi thật hay đùa vậy bạn?
Nhưng mà trên tinh thần chia sẽ, hy vọng những chia sẽ của tôi sẽ hạn chế tiền học phí cho các bạn khởi nghiệp, rút ngắn giai đoạn mò mẫm không biết cái mình đang làm là đúng hay sai. Và trên hết là có thể khơi dậy hứng khởi lập nghiệp của các bạn trẻ khác. Nên tôi xem như cái đầu đề để trả lời chung cho các bạn khởi nghiệp.
Vì vấn đề cũng khá quan trọng với người khởi nghiệp: VỐN
Mình cứ nghĩ cứ 1 mỗi doanh nghiệp tạo ra ít nhất 5-10 công ăn việc làm. Nhiều doanh nghiệp thì xã hội ổn định, phồn vinh, ít trộm cắp, tệ nạn, tiêu dùng tăng lên, thị trường lớn hơn. Nhiều doanh nghiệp thành công thì xã hội giàu có. Đạo Thần Tài là làm lợi cho mình trước rồi đời hưởng ké theo là vậy hê hê. Cái này là quy luật tự nhiên.
Quay lại chủ đề.
Tín chấp đáng bao nhiêu tiền? Cái này dựa vào uy tín người đi vay, có thể không đáng 1 xu, có thể là vô giá.
Tôi biết có 1 ông bạn làm trading, ổng có thể mua cả container hàng ở nước ngoài với thời gian trả chậm 60 ngày đến 90 ngày, có nhà máy còn cho đến 120 ngày. Khi bán hàng thì ổng thu tiền cọc trước 50%, giao hàng thu tiền hết.
1 container hàng trị giá 200.000USD, bán ra 220.000USD, ngày 1/3 ổng đặt hàng, và nhận tiền đặt cọc 110.000USD từ khách hàng. Ngày 15/3 hàng về tới cảng, ổng bán hàng thu về 110.000 USD nữa. Ngày mà ổng thanh toán cho nhà máy ở nước ngoài là 1/6. Với 110.000 USD đầu tiên cứ tính lãi suất ngân hàng tương đương 2,3 tỉ, để 3 tháng rưỡi thì hưởng lãi 53 triệu. Thêm 110.000 USD đợt 2 thì được thêm 50 triệu nữa. Đó là cách tính đơn giản nhất.
Còn với người làm ăn, thì đâu có gửi ngân hàng mà xoay vốn tiếp. Cứ 1 vòng là 10% và xoay 15 ngày, thì 3 tháng xoay được 6 vòng vốn, cứ cho là 4 vòng thôi là 40%.
Vậy tín chấp đáng giá bao nhiêu? Vô giá đúng không?
Nhưng làm sao mà nhà máy ở tận nước ngoài lại cho ổng thiếu như vậy? Cái này là uy tín! Thông thường khi kinh doanh lâu, người ta sẽ cho mình công nợ, người ta cho mình sự tiện dụng thì mình đừng biến nó thành lạm dụng để chiếm dụng vốn người ta quá đáng, làm được như vậy thì uy tín từ từ tạo dựng lên. Phần lớn người khởi nghiệp đều phạm sai lầm này, biến sự tiện dụng thành lạm dụng, cuối cùng bị cạch mặt, đi đâu mua hàng cũng phải trả bằng tiền mặt.
Còn 1 sai lầm nữa với các bạn khởi nghiệp. Đa phần câu hỏi tôi nhận được là làm cách nào để có vốn? Thực ra phần lớn người khởi nghiệp đều 2 bàn tay trắng, và làm ăn thì vốn không biết bao nhiêu mới đủ nếu nó cứ nở ra hoài. Cho nên đặt vấn đề vốn chưa phải là đúng lắm.
Vốn là nằm ngay chính nhà cung cấp của bạn. Và khả năng sử dụng được đồng vốn đó là do khả năng tạo dựng uy tín của bạn.
Tuyệt đối không được mất lòng nhà cung cấp. Nhiều người cứ nghĩ khách hàng là quan trọng nhất, quan trọng hơn nhà cung cấp, nên có 1 cái order là quay qua lên mặt với nhà máy. Sai lầm! Nên nhớ "trăm người bán, vạn người mua", người này không mua có người khác mua, nhưng mà khó chọn được nguời cung cấp hàng cho mình lắm, giá cả tốt, chất lượng ổn định, có công nợ, dễ tìm lắm sao?
Có nhiều khách hàng bị tôi đuổi thẳng cẳng, có vài cái order làm như khách hàng lớn lắm, đến nhà máy lên mặt với tôi. Nói xin lỗi, tôi cho họ mượn tiền chứ họ không cho tôi mượn tiền. Về bản chất, tôi cho họ mượn vốn làm ăn, nên tôi có quyền chọn người mà tôi cho mượn vốn, chứ họ không có quyền chọn tôi.
Ở giai đoạn khởi nghiệp thường thiếu VỐN. Và chẳng có ngân hàng nào cho mượn đâu vì bạn mới quá, cho nên 1 trong những yếu tố khởi nghiệp thành công là phải có nhà cung cấp hậu thuẫn.