Đây là một trong những cái sai của bài đăng trên Báo PN TPHCM do chủ quan của PV, nội dung như sau ()
.....
Cái sai thứ 1 : không chính xác toàn đoạn
"
Lời tòa soạn:
Từ Vườn Quốc gia Tam Đảo đến núi Bà Nà, núi rừng tan nát, chim muông cây cỏ bị thiêu rụi bởi mặt trời, nhưng mặt trời không phải từ trên cao, mà từ Sun Group (Tập đoàn Mặt trời).
Họ phá núi, đốn rừng, mở đường để dựng bê tông, xây khu vui chơi, đặt trạm kiểm soát, thu tiền. Sun Group xứng đáng được gọi là “trời”, bởi được che chắn từ hạ giới có tên là im lặng của chính quyền từ trung ương đến địa phương.
Và vẫn “bổn cũ soạn lại”, một mớ hư hư thực thực: trấn yểm long mạch, khởi phát tâm linh… đẻ ra từ liên kết giữa thầy chùa biến thái với doanh nghiệp hòng lùa người ta vào ma trận với đích duy nhất: kiếm tiền…
Đã từ lâu những tiếng nói phản biện, kêu cứu, uất ức về những dự án tàn phá tự nhiên của Sun Group vang lên, nhưng tất cả đều như một trò đùa. Không chặn bàn tay lông lá này lại thì long mạch đúng nghĩa sẽ bị chặt yểm, tà khí sẽ lộng hành, lòng người sẽ nát tan, non nước sẽ tả tơi.
Công bố loạt điều tra độc quyền về sự việc coi trời bằng vung của Tập đoàn Mặt trời, ngoài những con số đớn đau, những tâm sự nát lòng của giới nghiên cứu, chúng tôi cũng có lời xin lỗi bạn đọc về một số chi tiết hơi phản cảm trong bài, nhưng không còn cách nào khác, bởi sự thật chỉ có một thể tồn tại duy nhất."
Cái sai thứ 2 : thông tin không chính xác toàn đoạn
Bài 1: Bê tông chọc trời mọc lên, hàng trăm héc-ta rừng Bà Nà gục xuống
Cát cứ Bà Nà, biến thành lãnh địa riêng là thành công vang dội của Sun Group. Có nhà nước nào, chính quyền nào quản lý kiểu vậy không? Rừng thì giao kiểm lâm quản lý, nhưng muốn lên Bà Nà, kiểm lâm phải xin phép Sun Group! Bà Nà là nơi nghỉ mát, tĩnh dưỡng, đó là câu chuyện quá khứ. Còn bây giờ là chỉ riêng khu vui chơi, trải nghiệm, quay cuồng, ăn, hát, lăn lộn thỏa thuê trong diện tích hơn 60ha rừng đã bị san phẳng.
Khi xe máy vừa lăn bánh qua khỏi tấm bảng giới thiệu còn 10km nữa tới khu Bà Nà Hills và sân gôn Bà Nà, thật kỳ lạ, khí mát ập tới. Tôi kinh ngạc, nói thiệt phục lăn trời đất, phục ông quan Pháp là đại úy Debay đầu thế kỷ XX đi phượt, để từ đó khu nghỉ mát Bà Nà xuất hiện. Thành phố nóng bức đã ở sau lưng mấy chục cây số rồi. Đường vắng, nhưng tôi vẫn là kẻ đi sau, bởi 8g, lối vào cáp treo đã kín người. Và cũng thật bất ngờ, khi lên tới nhà ga để lên cáp treo ngồi, trời lại nóng.
Bà Nà bây giờ nóng kinh khủng
Cáp treo như bong bóng bay theo một đường thẳng. Từ ca-bin, những quả bóng tới lui liên tục. Không mây. Chang chang nắng. Tờ rơi hướng dẫn trong ca-bin toàn tiếng Anh. Dân ta có lẽ không cần thuyết minh, bởi lên Bà Nà là “lên tiên cảnh”. Tôi cũng đi tìm tiên và cảnh. Đây rồi, tới nhà ga Marseille. Cây Cầu Vàng mà từ năm ngoái đến giờ, thiên hạ có bao nhiêu mỹ từ tụng ca tung ra hết, nối từ nhà ga này sang vườn Thiên Thai. Cầu Vàng dài 150m, bệ đỡ là hai bàn tay. Người ví đó là bàn tay của Chúa, kẻ nói là bàn tay đàn bà mọc lên từ núi.
Đơn giản thế này, nếu mình không đi bộ từ nhà ga sang vườn hoa, thì ra cầu. Đây không chỉ là đi vòng cho dài thêm tí, vì nếu chỉ vậy thì sáng tạo nghệ thuật là thứ ất ơ. Giữa thung lũng, người ta làm ra cây cầu. Mình ra đứng đó, ngó núi, ngó rừng, ngó về thành phố dưới kia sáng trưng, rõ ràng, tuyệt nhiên không mây mù che khuất. Vàng là do mạ vàng, còn vàng thiệt hay không, tôi không biết. Hai bàn tay khổng lồ mới là sự mách bảo thần thánh. Rêu phong. Tôi mường tượng nó như gương mặt Phật, bàn tay Phật trong những đền tháp xa lắc lơ, màu xám xanh với thời gian, im lặng giữa thị phi, sân si.
Cây cầu đó, đỏ hay vàng không có nghĩa lý, nếu không có bàn tay. Ý nghĩ đó ập đến khi tôi đứng ở mố cầu, ngó lần nữa, làm một lát cắt từ bụng cầu. Nhìn xuống chân đế, dưới là rừng đã bị san phẳng để dựng bàn tay. Nắng phủ kín. Người cười nói lao xao đủ thứ tiếng, màu da, sắc tộc. Người ngáng đường phía trước, kẻ xô đẩy phía sau nên đành đi ngang, thẳng người khi hết kẻ “seo phì” cá nhân, tập thể, đến nhờ người khác chụp giùm. Màu vàng của cầu, tím của hoa, áo quần sặc sỡ đủ loại chen nhau. Đố ai ngắm được.
Lúc 9g, tôi quay lại, người chen cứng. Bạn tưởng tượng lễ cướp ấn đền Trần ngoài Bắc ra sao thì ở đây cũng thế, chỉ khác là không nhao nhao cướp miếng giấy vô hồn, mà chen nhau chụp ảnh tự sướng…
Tôi nghĩ đến một tiểu cảnh có cây cầu vắt ra, nhưng khô cạn, không nước, tất nhiên không có lơ thơ tơ liễu, như thể chủ nhân thật sự đã đi vắng từ lâu rồi, giang hồ thập loại chúng sinh tự do, ai cũng ngó mặt mình, ngó cái màu mà cả đời người, mấy ai không một lần nghĩ đến, ao ước, là vàng.
Tôi nhìn dòng người không ngớt đang lê gót trên cầu, đoán chắc họ sung sướng. Có ai trong họ nghĩ, để cho mình được đứng, được tung tăng thế này, có bao nhiêu cây rừng đã bị triệt hạ?
Mồ hôi ròng ròng. Không biết dòng người nhễ nhại kia có tìm thấy tiên hay không, chứ tôi thì ướt đẫm áo. Cặp vợ chồng người Anh cùng ngồi ở ca-bin lên làng Pháp với tôi luôn miệng “hot, very hot”. Làm chi có chuyện nhiệt độ luôn 15 độ như cái thuở quan ba Debay tìm thấy? Và hỡi ông quan Pháp kia, giờ ông vân du chốn nào, mời ông lên đây để thấy cái ý tưởng làm khu tĩnh dưỡng kia “có gì sai sai”.
Ngay đường xuống vườn Thiên Thai, còn một căn nhà đổ nát, dấu tích một thuở. Mình tôi vào đó. Cỏ, tường xám lạnh, đá gục đầu lở lói. Lịch sử đã xếp lại một trang, sân khấu đã kéo kín vĩnh viễn một màn, diễn viên ngày cũ đi đâu hết rồi. Hẩm hiu khi đã hết vai trò, đó là trò đời cay nghiệt và đương nhiên. Bà Nà – nơi nghỉ mát, tĩnh dưỡng – là câu chuyện quá khứ. Còn bây giờ là chỉ riêng khu vui chơi, trải nghiệm, quay cuồng, ăn, hát, lăn lộn thỏa thuê trong diện tích hơn 60ha rừng đã bị san phẳng.