Công an xã được tham gia tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông: Khó tránh khỏi tiêu cực
Xem tin gốc
Đời sống & Pháp luật - 32 tháng trước 1268 lượt xem
* Công an xã có lệnh mới được phạt giao thông * Người dân được quyền yêu cầu công an xã và lực lượng cảnh sát khác xuất trình lệnh huy động khi không có CSGT
Facebook Twitter 0 bình chọn Viết bình luận Lưu bài này
Thượng tá Trần Sơn cho biết: việc bổ sung công an xã vào việc tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết như quy định của dự luật giao thông đường bộ là rất hợp lý. Bởi lực lượng này rất đông đảo, cả nước có trên 11.000 xã, mỗi xã có ít nhất 2 công an viên. Vừa qua, một số địa phương như Thanh Hóa làm tốt công tác an toàn giao thông, xử lý người không đội mũ bảo hiểm là nhờ có công an xã. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi (rất ít) công an xã năng lực kém, xử phạt vượt thẩm quyền.
Ông Nguyễn Phúc Thọ- Phó trưởng phòng CSGT- Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, tất cả lực lượng phải được chuyên môn hóa, không thể cứ ùn tắc là kéo cả anh cảnh sát ma túy, công an xã tham gia xử lý. Trình độ hạn chếỏ, không am hiểu luật, công an xã có thể xử phạt lung tung. Cũng có trường hợp công an xã cứng nhắc trong việc tuần tra, kiểm soát, xử phạt, nhiều khi cứ "đè" ra xử phạt, trong khi trường hợp đó có thể "châm chước".
Nghị định 27/2010 của Chính phủ quy định từ ngày 1/6, công an xã được phép tham gia tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông. Tuy nhiên, trước thông tin này, nhiều người dân lo lắng làm sao biết là công an xã có lệnh điều động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông của cấp trên hay không?
Băn khoăn về năng lực của công an xã
Khi được hỏi về quy định này, nhiều ý kiến ủng hộ quy định cho Công an xã phối hợp với CSGT tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông, nhưng họ cho rằng phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để lực lượng nàỵ không thể... làm bậy.
Thiếu tá Hoàng Xuân Lại- cán bộ trạm kiểm soát bến xe phía Nam cho rằng: Trên thực tế, đâu đó vẫn có nhiều người dân phản ánh về việc lực lượng cán bộ công an xã có những biểu hiện không tốt, lợi dụng việc công để tư lợi. Vì thế, nếu cho phép lực lượng này tham gia giữ gìn trật tự thì Chính phủ phải có những quy định hết sức chặt chẽ, mức độ tham gia vào công việc này ra sao, thẩm quyền thực hiện đến đâu để tránh tình trạng bị lực lượng này lợi dụng, vì dù nói thế nào thì nghiệp vụ của lực lượng này là rất hạn chế. Tuy nhiên với lực lượng CSGT mỏng như hiện nay thì việc điều động lực lượng Công an xã cũng giảm tải bớt khối lượng công việc cho CSGT.
Theo Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận: "Công an xã không được đào tạo, làm sao xử phạt người vi phạm được? Vừa qua, khi huy động họ vào tuần tra thì có tình trạng công an xã này phạt người ở xã khác, còn xã mình cho qua vì toàn con cháu trong làng xã". Lại có ý kiến khác cho rằng, "tung" nhiều lực lượng kiểm soát trên đường sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Theo một số ý kiến, việc Công an xã và các lực lượng cảnh sát khác tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và dễ vi phạm. Nếu lực lượng CSGT chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thì cần tăng thêm biên chế, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để lực lượng CSGT đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo quy định tại Nghị định số 27/2010/NĐ-CP thì các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với CSGT tham gia tuần tra, kiểm soát TTATGTĐB trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến thẳng thắn: "Viết như thế là tù mù, không rõ ràng. Trường hợp nào là cần thiết?". Thực tế hiện nay, việc yêu cầu dừng xe rất tùy tiện, chẳng biết dừng để làm gì. Không loại trừ khả năng có cả chuyện tiêu cực.
Không được phạt quá 500.000 đồng
Thượng tá Trần Sơn- Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ- Đường sắt cho biết: "theo Nghị định 27, công an xã và cảnh sát khác chỉ được phép tham gia tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong các ngày lễ kỷ niệm, sự kiện chính trị -xã hội lớn, hoặc khi xảy ra tai nạn, ùn tắc, cũng như cao điểm bảo đảm trật tự giao thông. Việc tham gia của các lực lượng trên phải được thực hiện bằng các quyết định hoặc kế hoạch huy động của cấp có thẩm quyền là Bộ trưởng Bộ Công an; Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội; Giám đốc công an các tỉnh, thành phố và Trưởng công an quận, huyện, thị xã... Trong đó phải nêu rõ lực lượng, số lượng cần huy động, thời gian, địa bàn, trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của cảnh sát giao thông, cảnh sát khác và công an xã. Hết thời gian huy động mà không có văn bản huy động mới, công an xã và cảnh sát khác trở lại nhiệm vụ thường xuyên...".
Khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông, họ sẽ được trang bị còi, gậy chỉ huy giao thông, cũng như các biểu mẫu phục vụ công tác tuần tra kiểm soát. Khi làm nhiệm vụ không có CSGT đi cùng, các lực lượng trên được phép xử phạt theo thẩm quyền đến 500.000 đồng. Trường hợp các lỗi vi phạm có mức phạt tiền vượt 500.000 đồng, lực lượng trên phải lập biên bản, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết - ông Sơn nhấn mạnh.
Dân có quyền yêu cầu xuất trình lệnh
Nhiều người băn khoăn, làm sao phân biệt được những lực lượng nói trên làm nhiệm vụ theo lệnh huy động hay không? Trong trường hợp nghi ngờ, người dân có được quyền yêu cầu các lực lượng trên xuất trình lệnh huy động? Không xuất trình được lệnh điều động, người vi phạm có phải chấp hành quyết định xử phạt hay không?
Trao đổi qua điện thoại với PV ĐS&PL, ông Nguyễn Văn Thoan- cảnh sát giao thông tỉnh Thái Bình cho biết, quy định công an xã và các lực lượng cảnh sát khác chỉ được phép tuần tra khi có lệnh của cấp trên là chưa hợp lý lắm. Quy định trên sẽ khiến cho hoạt động bảo đảm an toàn giao thông của công an xã bị gò bó mà cũng khó kiểm soát được thời gian hoạt động của công an xã có đúng như kế hoạch đề ra hay không. "Hiện nay trình độ của công an xã còn nhiều hạn chế. Việc trao quyền như vậy cũng khó tránh tiêu cực" - ông Thoan nói.
Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Việt Hùng- Trưởng văn phòng luật sư Kinh Đô, người dân hoàn toàn có quyền yêu cầu lực lượng công an xã hoặc lực lượng cảnh sát khác công khai lệnh điều động. Nếu không xuất trình được có nghĩa là lực lượng trên đang làm trái quy định, người dân hoàn toàn có quyền không chấp hành. Thậm chí họ có quyền gửi phản ánh đến cơ quan chức năng cấp trên về việc làm sai trái của các cán bộ trên.
Đông Phương