Em rón rén có tí ý kiến
. Rõ ràng nhắc đến ưu điểm của 5G so với 4G sẽ nói ngay đến 2 ý chính là độ trễ (latency) thấp và tốc độ truyền dữ liệu cao. Em làm kỹ thuật nên phải có con số cụ thể, chứ thấp với cao dành cho dân xã hội thôi
View attachment 8126422
Cụ thể là latency của 4G khoảng 10 mili giây, của 5G là dưới 1 mili giây. Tốc độ tối đa của 4G khoảng 1 Gb/s, của 5G khoảng 20 Gb/s.
Vậy tại sao người ta lại cần latency thấp và tốc độ truyền dữ liệu cao? Hãy lấy ví dụ xe tự lái mà các cụ thảo luận nhiều trong thread này. Giả sử như có 1 người giám sát 1 cái xe tự lái, khi đột nhiên có 1 người băng ngang đường, hình ảnh đó truyền về bị trễ 1/1000 giây (1 mili giây) hay 1/100 giây (10 mili giây) thì với người giám sát không có khác biệt gì, vì con người không có khả năng phân biệt những khoảng thời gian cực nhỏ như vậy.
Thế còn tốc độ truyền dữ liệu? Một cái camera độ phân giải 4K, 30 hình trên giây (30 fps), chế độ chất lượng hình ảnh cao nhất cũng chỉ cần băng thông là 13,4 Mb/s (
https://www.cctvcalculator.net/en/calculations/bandwidth-calculator/). Như vậy 4G cũng thừa đủ đáp ứng.
Vậy 5G là thừa, là vô ích à? Không phải như vậy. Các giác quan của con người không thể phân biệt được 4G và 5G. Vốn dĩ 5G sinh ra không phải để truyền dữ liệu về cho con người xử lý, mà là truyền về cho máy móc xử lý. Trong ví dụ về xe tự lái ở trên, AI có thể cần dữ liệu từ nhiều camera và cảm biến gắn quanh xe, độ phân giải có thể là 8K, 16K, tần suất có thể không phải là 30 fps mà có thể là 60 fps chẳng hạn. Tất cả những cái này chỉ máy móc mới xử lý được chứ con người không thể xem và xử lý 1 lúc nhiều camera, độ phân giải quá cao cũng chẳng để làm gì... AI không chỉ cần 1 hình ảnh để ra quyết định mà cần nhiều hình ảnh liên tiếp, vì thế độ trễ thấp lại trở nên quan trọng.
Ví dụ về mổ từ xa cũng tương tự, tưởng tượng là có 1 con AI từ xa hỗ trợ. Nó sẽ cần truyền ảnh cắt lớp 3 chiều theo thời gian thực về để xử lý. Cái này nặng hơn rất nhiều so với video thông thường, và nó cũng cần độ trễ thấp tương tự như ví dụ xe tự lái.
Các vị dụ tương tự khác như điều khiển 1 bầy drone tấn công, điều khiển robot phân loại, giao hàng v.v...
Tóm lại 5G sẽ cần khi truyền dữ liệu về cho 1 bộ não trung tâm ở xa điều khiển. Tuy nhiên lúc bắt đầu nghiên cứu 5G cách đây 7-8 năm trước, khi đó viễn kiến là tính toán tập trung, điều khiển tập trung, server based AI...Tức là sẽ có 1 bộ não to ở trên mây, điều khiển tự động máy móc, xe cộ, drone, robot v.v... Nhưng hiện nay edge computing trở nên rất phát triển, rất rẻ, rất nhỏ gọn nên nhu cầu về 5G trở nên ít hơn nhiều. Bộ não xử lý được đưa về gần các cảm biến, các camera, các drone, các robot v.v... thậm chí hiện nay phần lớn được lắp trên chính các xe tự lái, các robot, các drone... và đóng vai trò bộ não xử lý chính. Còn việc kết nối về trung tâm chỉ có tính chất giám sát, theo dõi, thống kê ... không còn đóng vai trò xử lý realtime nữa. Thậm chí kết nối này có cũng được, không có cũng chẳng sao. Rõ ràng việc truyền dữ liệu giữa các chi tiết nội tại trong chiếc xe, trong con robot thì về độ trễ và tốc độ chẳng loại mạng nào địch nổi
Vì thế theo em tương lai của 5G cũng khá mù mờ. Trừ Trung Quốc, Hàn Quốc nhà nước thúc đẩy 5G với các lý do đặc thù. Chứ các nhà mạng ở các nước em thấy cũng đủng đỉnh, chờ hết khấu hao thiết bị mạng 4G thì thay thế dần bằng mạng 5G. Thời gian tồn tại song song 4G, 5G sẽ dài, và nói chung cũng chẳng có hậu quả gì mấy. Trừ khi tìm ra ứng dụng quan trọng nào đó mà chỉ có 5G mới đáp ứng được.
Ở Việt Nam giờ mới có lộ trình tắt sóng 2G để chuyển lên 4G, chưa thấy kế hoạch chuyển lên 5G nào cả (
https://vtv.vn/cong-nghe/trien-khai-tat-song-2g-tai-viet-nam-tu-thang-12-2023-20230915083342935.htm).