Mất chủ quyền quốc gia trên mạng
63 THANH NIÊN ONLINE
Hàng chục triệu người Việt Nam đang tự nguyện hiến dâng hầu hết thông tin cá nhân của mình cho các mạng xã hội. Điều này tạo ra những nguy cơ lớn về an ninh, về chủ quyền quốc gia. Đã đến lúc phải thay đổi.
Hàng chục triệu người Việt Nam đang tự nguyện hiến dâng hầu hết thông tin cá nhân của mình cho các mạng xã hội. Điều này tạo ra những nguy cơ lớn về an ninh, về chủ quyền quốc gia. Đã đến lúc phải thay đổi.
Con người ngày càng bị chi phối trong 'ma trận' của mạng xã hội - Ảnh: AFP
Theo Facebook, hiện nay họ có 30 triệu người dùng tại Việt Nam (trong đó 27 triệu người dùng trên thiết bị di động).
Tính đến tháng 1.2015, lượng người Việt dùng Facebook mỗi ngày đã tăng 43% so với cùng kì năm ngoái. Về độ tuổi người dùng, có đến 3/4 người Việt dùng Facebook từ 18 - 34 tuổi. Ngoài ra, người Việt hiện dành khoảng 2 tiếng rưỡi mỗi ngày cho Facebook, gấp đôi thời gian dành để xem ti vi.
Ảnh hưởng của Facebook: từ lượng thành chất
Những con số thống kê này cho thấy ảnh hưởng ngày càng kinh khủng của Facebook nói riêng và các mạng xã hội nói chung lên cuộc sống người Việt hiện nay. Chúng ta đang bỏ những nguồn lực khổng lồ của cả dân tộc vào các hệ thống công nghệ của nước ngoài, và đóng góp đáng kể cho sự thành công của những tập đoàn trị giá hàng trăm tỉ đô la Mỹ.
Sự tự do gần như tuyệt đối cùng tính vô danh tương đối của xã hội Facebook đã tạo ra sự bình đẳng giả tạo về mặt thông tin. Người ta không còn phân biệt được sự khác nhau giữa các ý kiến chuyên môn của một giáo sư toán với một cậu sinh viên, giữa một chuyên gia danh tiếng trong ngành hàng không với một kỹ sư nông nghiệp về hưu nào đó.
Không phủ nhận những mặt tích cực của mạng xã hội lên đời sống từng cá nhân và cả xã hội, nhờ có nó mà chúng ta có thể giữ được quan hệ với bạn bè, tìm kiếm các mối quan hệ mới, gặp lại những người cũ, dù chỉ trên không gian ảo. Và cũng nhờ nó mà nhiều vấn đề đã được khơi lên trong cộng đồng để rồi tạo sự thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, chẳng hạn như chất lượng các bản dịch văn học tại Việt Nam. Sau khi cư dân Facebook lên tiếng về các thảm họa dịch thuật, thì giới chuyên môn và các nhà sách đã phải cẩn trọng hơn, phải thu hồi và sửa chữa các bản dịch lỗi.
Tuy nhiên, những
mặt trái của mạng xã hội cũng làm chúng ta phải e ngại. Mới đây, một cô gái trẻ đã tự tử do không chịu nổi những lời đàm tiếu trên Facebook sau khi bị người yêu tung đoạn video quay cảnh nhạy cảm giữa hai người lên mạng. Một nhà khoa học đã phải mất nhiều ngày giải thích về bằng tiến sỹ khoa học của mình trước những tấn công vu cáo ông.
Những bài viết tràn ngập trên mạng hằng ngày đả kích các lãnh đạo đất nước, phỉ báng vĩ nhân, thậm chí là kích động hằn thù dân tộc. Rất nhiều thông tin không thể kiểm chứng và từ những nguồn không tin cậy đã làm cho thành viên Facebook hoang mang và nhiều khi dẫn đến các phản ứng tập thể mù quáng, mà những trường hợp điển hình nhất gần đây thuộc về dự án sân bay Long Thành, thay cây xanh và thiết kế đường tàu trên cao tại Hà Nội. Bất chấp các ý kiến chuyên gia và quan điểm của những người có trách nhiệm, vẫn có một phần đám đông trên Facebook không thôi hoài nghi về tính hợp lý cùng những mặt tích cực của các dự án này.
Sự tự do gần như tuyệt đối cùng tính vô danh tương đối của xã hội Facebook đã tạo ra sự bình đẳng giả tạo về mặt thông tin. Người ta không còn phân biệt được sự khác nhau giữa các ý kiến chuyên môn của một giáo sư toán với một cậu sinh viên, giữa một chuyên gia danh tiếng trong ngành hàng không với một kỹ sư nông nghiệp về hưu nào đó.
Chứng
nghiện Facebook
Theo kết quả một thăm dò ý kiến trên một tờ báo lớn, có đến 47,9% người tham gia cho rằng “người dùng đã chia sẻ quá nhiều thứ không cần thiết trên Facebook”, 34,5% cho rằng “người dùng lãng phí thời gian trên Facebook”. Tại sao rất nhiều người bỏ thời gian quý báu của mình cho Facebook, mặc dù chính họ cũng phải công nhận rằng tuyệt đại đa số thời gian ấy là vô nghĩa, hoặc chí ít thì cũng không đem lại lợi ích vật chất hay tinh thần nào nhiều hơn so với khi họ dành chúng cho đời thực?
Chứng nghiện facebook khiến người ta không bỏ lỡ một thời khắc nào để được vào mạng - Ảnh: Shutterstock
Câu trả lời có thể tìm thấy qua bản chất của chiến lược kinh doanh mà các chuyên gia gọi là tiếp thị Skinner, lấy theo tên nhà khoa học nổi tiếng trong ngành tâm lý học hành vi. Trong thí nghiệm của mình, Burrhus Frederic Skinner đã cho một con chuột vào chiếc lồng có một cái đĩa không, một cần gạt, bóng đèn và loa; mỗi khi loa phát âm thanh hay bóng đèn bật sáng, thì chuột có thể nhận được thức ăn trên đĩa nếu nhấn vào cần gạt. Thực tế cho thấy chuột học được ngay cách gạt cần để nhận thức ăn theo các tín hiệu âm thanh và ánh sáng của chủ.
Có những người có 5.000 bạn trên Facebook và hàng chục ngàn follower (người theo dõi), nhưng đám tang họ thì lạnh lẽo ở quê với vài ba bạn học từ thời thơ ấu, khi chưa ai biết máy tính cá nhân là gì.
Hầu hết các mạng xã hội thành công đều xây dựng đế chế của mình dựa theo phát hiện này của Skinner: các icon trên Facebook sẽ đổi màu, nhấp nháy, máy tính sẽ phát tín hiệu âm thanh quen thuộc khi có tin nhắn mới, khi có feed mới, khi có email mới, khi có tin tức mới; và khi người dùng mở trang web lên sẽ nhận được “phần thưởng”, dù cho họ có thích hay không cái gọi là “phần thưởng” ấy. Đó cũng là nguyên nhân làm cho các cô bé cập nhật ảnh mới liên tục, các cậu bé ngồi lì hàng ngày trên Facebook, các ông già về hưu viết hàng chục status hằng ngày để nhận được like của những người xa lạ. Không khó hình dung sự liên hệ giữa các dụng cụ thí nghiệm với các công cụ trên trang web của Facebook.
Sau một thời gian nhất định gia nhập vào cộng đồng mạng, con người bị rơi vào ảo giác rằng họ sẽ phải thường xuyên mở trang web lên nếu không muốn bỏ lỡ điều gì đó, và thời gian họ dành cho mạng xã hội ngày càng tăng, tới mức họ không còn phân biệt được cuộc sống thật và ảo nữa. Có những người có 5.000 bạn trên Facebook và hàng chục ngàn follower (người theo dõi), nhưng đám tang họ thì lạnh lẽo ở quê với vài ba bạn học từ thời thơ ấu, khi chưa ai biết máy tính cá nhân là gì.
Nói cách khác, ngày nay máy tính đã là chiếc lồng Skinner hiện đại, và mạng xã hội, trên phương diện nào đó, là một nhà máy khổng lồ với hàng tỉ chiếc lồng như thế.
Có phải Facebook được chào đón ở mọi nơi?
Thực ra Facebook không hiền lành vô tội như nụ cười của ông chủ tỷ phú của nó. Không ngẫu nhiên mà một số quốc gia cấm sử dụng mạng xã hội nước ngoài. Việc người dùng dành quá nhiều thời gian cho mạng, lưu trữ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng, và thậm chí trao đổi các thông tin nhạy cảm trên mạng, có thể làm cho ông chủ của kho dữ liệu khổng lồ ấy có được quyền lực khổng lồ với đời sống hàng tỉ công dân nước khác.
Ngày nay, việc mất quyền kiểm soát với dữ liệu cá nhân của công dân cũng là mất một phần chủ quyền quốc gia. Có thể nói rằng, phần lớn người dân hiện nay sợ mất kết nối với Facebook và Google còn hơn là mất nước, mất điện, kẹt xe hay thiếu thức ăn. Kết nối với internet đã trở thành nhu cầu cơ bản nhất, thấp nhất, và cũng là quan trọng nhất của tháp nhu cầu Maslow.
Con người thường nghĩ rằng mình đang làm chủ mạng internet, nhưng kỳ thực đang bị chính nó điều khiển - Ảnh: Shutterstock
EU gần đây liên tục lên tiếng yêu cầu các mạng xã hội phải đảm bảo tính riêng tư của người sử dụng, phải cho phép họ xóa vĩnh viễn các dữ liệu cá nhân. Điều nguy hiểm hơn nữa là, thông qua việc sử dụng các cookie, Facebook theo dõi các hoạt động duyệt web của người dùng ngay cả khi họ không có tài khoản Facebook, hay đã hủy tài khoản, đăng xuất ra khỏi trang hoặc tắt chức năng quảng cáo trực tuyến. Điều này vi phạm luật pháp EU. Người dùng bị Facebook theo dõi khi họ sử dụng nút "like" được đặt trên hơn hàng triệu trang web bao gồm cả các trang của chính quyền và ngành y.
Những quan ngại của EU không phải là cá biệt. Các nhà chính trị đã thấy rằng rất nhiều điều luật cần phải sửa đổi để phù hợp với phát triển vũ bão của công nghệ. Và đã có nhiều chuyên gia cảnh báo về viễn cảnh khủng khiếp - khi thế giới bị hủy diệt bởi một hệ thống mạng xã hội biết tự tiến hóa và vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính con người, như trong phim Terminator Genysis. Mặc dù hiện nay chuyện đó chỉ có thể xảy ra trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng, nhưng thực ra cũng mới chỉ chừng 10 năm trước đây, không ai trong chúng ta có thể hình dung về việc con người sẽ tiêu tốn hầu hết thời gian của mình trên mạng, và lưu trữ hầu hết cuộc đời mình trên mạng như hiện nay. Vậy nên, rất nhiều thứ khó tưởng tượng nổi cũng có thể đến trong vòng 10 năm tới.
Hành động nào của chúng ta?
Có lẽ đã quá muộn để bàn về một mạng xã hội của riêng Việt Nam. Vả lại, trình độ công nghệ cũng chưa bao giờ cho phép chúng ta làm được điều ấy. Việc xử lý khối lượng thông tin khổng lồ trong thời gian thực đòi hỏi những công nghệ phức tạp hơn rất nhiều so với chúng ta hình dung qua gương mặt hiền lành và đơn sơ của Google hoặc Facebook.
Thực ra Facebook không hiền lành vô tội như nụ cười của ông chủ tỷ phú của nó. Không ngẫu nhiên mà một số quốc gia cấm sử dụng mạng xã hội nước ngoài. Việc người dùng dành quá nhiều thời gian cho mạng, lưu trữ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng, và thậm chí trao đổi các thông tin nhạy cảm trên mạng, có thể làm cho ông chủ của kho dữ liệu khổng lồ ấy có được quyền lực khổng lồ với đời sống hàng tỉ công dân nước khác.
Tuy nhiên, nếu cứ phát triển nhanh như hiện nay, thì rất có thể sẽ đến lúc có cả trăm triệu người Việt dành trung bình mỗi ngày 8 tiếng để vào Facebook. Và viễn cảnh ấy thực sự đáng lo ngại. Để người dân không lãng phí thời gian của mình trên mạng vào việc đào bới thông tin làm giàu cho các ông chủ bên kia bờ đại dương, và không bị kích động định kỳ theo tâm lý đám đông bằng những hình ảnh cực đoan trên mạng, có lẽ cần đến những thay đổi căn bản về luật và cách tiếp cận vấn đề.
TIN LIÊN QUAN
Nếu chỉ nghĩ đến việc kiểm soát các tài khoản Facebook cá nhân và nghiêm trị các hành vi phạm pháp trên mạng thì rất khó giải quyết vấn đề. Bởi lẽ kẻ nắm quyền sinh sát với hàng triệu tài khoản Facebook Việt Nam lại không chịu kiểm soát của pháp luật Việt Nam. Và do mạng xã hội không có biên giới, cho nên rất khó có cơ sở pháp lý để xử lý những tài khoản mạng mặc dù được viết bằng tiếng Việt và chỉ hướng đến khách hàng người Việt, nhưng lại được đăng ký và sử dụng hoàn toàn ở nước ngoài. Về lâu dài thì không thể kiểm soát những thứ mà chúng ta hoàn toàn không có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu.
Có lẽ chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác, và tìm ra mô hình hợp tác hai bên cùng có lợi với các mạng xã hội. Và nên yêu cầu họ, ngoài việc kiếm lợi cho mình, phải có những hợp tác tích cực về mặt an ninh thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân, và kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống của họ. Chủ quyền trên không gian mạng không còn là chuyện gì đó xa xôi, huyễn tưởng nữa, mà đã là yêu cầu cấp thiết, trước khi quá trễ. Vì có lẽ chúng ta sẽ chẳng có cơ hội cử ai đó quay lại quá khứ để thay đổi cái ngày mà mạng xã hội được cho phép hoạt động tự do tại Việt Nam.
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là một dịch giả tự do sống và làm việc tại TP.HCM.