Đặc công Việt Nam và chiến dịch ở "chìa khóa của nước Lào"
Quân Sự | Thiên Minh - 07:19 ngày 18/11/2014
Chiến dịch Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng kết thúc thắng lợi ngày 25-4-1970, sau 6 tháng chiến đấu liên tục.
Cuối những năm 1960, trong khi thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh” ở Việt Nam, Mỹ mang “học thuyết Nixơn” thí nghiệm ở Lào. (Năm 1969 - 1970, Tổng thống Mỹ đã đặt ra các yếu tố của cái được gọi là Học thuyết Nixon, theo đó Hoa Kỳ sẽ "tham gia việc phòng vệ và phát triển của các liên minh và bạn bè" nhưng sẽ để "trách nhiệm cơ bản" về tương lai của các quốc gia "bạn bè" đó cho họ tự quyết.)
Khu vực Cánh đồng Chum là một cao nguyên lớn thuộc tỉnh Xiêng Khoảng, có độ cao trung bình hơn 1000m; là chiến trường rừng núi, nhiều loại địa hình phức tạp: Xen kẽ rừng rậm, núi cao hiểm trở với những lòng chảo rộng, bằng phẳng, đất bazan, ruộng nương, cây cối xanh tốt. Đây là một trong những vùng giải phóng quan trọng nhất đối với cách mạng Lào. Phía bắc là tỉnh Sầm Nưa (Hủa Phăn), căn cứ địa của mặt trận Lào yêu nước; phía đông giáp Nghệ An, Hà Tĩnh (Việt Nam); phía tây là Quốc lộ 13 nối liền kinh đô Luông Phra-băng với thủ đô Viêng Chăn.
Như vậy, Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng nghiễm nhiên trở thành một địa bàn có giá trị chiến lược quan trọng cả về quân sự, chính trị, kinh tế, cả trước mắt và lâu dài. Giữ được địa bàn quan trọng và đắc địa này vô hình chung có tác dụng cả thế công và thế thủ tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Lào phát triển; bảo vệ trực tiếp vùng căn cứ địa cách mạng ở Sầm Nưa, tạo thế uy hiếp và góp phần tấn công Long Chẹng “Thủ đô Vương quốc Mẹo", thực chất đây là căn cứ quân sự thuộc lực lượng đặc biệt của tướng Vàng Pao được Mỹ dựng lên và nuôi dưỡng, trở thành mối đe dọa thường trực và là bàn đạp để uy hiếp thủ đô Viêng Chăn và cố đô Luông Phra-băng.
Đối với ba nước Lào - Việt Nam - Campuchia thì Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng là một hướng chiến lược rất quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ không chỉ với Lào mà cả với Việt Nam và Campuchia, nó có ý nghĩa sâu sắc trong sự phối hợp chiến trường chung; đồng thời có quan hệ mật thiết, hữu cơ tới việc bảo vệ an ninh biên giới Việt Nam - Lào. Không những thế, nó còn có liên quan chặt chẽ, sống còn đến căn cứ hậu cần và tuyến vận chuyển chiến lược từ miền Bắc Việt Nam cho các chiến trường ở Lào và Campuchia. Giới quân sự Mỹ cho rằng, “Cánh đồng Chum là chìa khóa của nước Lào”.
(Theo Quân đội Nhân Dân)
Sau khi chiếm được khu vực Mường Sủi, quân ngụy Lào thường xuyên chốt ở đây từ 5-7 tiểu đoàn, có cả pháo binh Thái Lan và cố vấn Mỹ chỉ huy. Chúng xây dựng Mường Sủi thành căn cứ bàn đạp để lấn chiếm vùng giải phóng của cách mạng Lào, đặc biệt là Cánh Đồng Chum.
Để khai thông đường 7 và đập tan âm mưu lấn chiếm của địch, tháng 6-1969, ta và bạn mở chiến dịch thu hồi khu vực Mường Sủi, với 3 tiểu đoàn đặc công, 2 sư đoàn bộ binh và các đơn vị xe tăng, pháo binh.
Sau khi chiến dịch Mường Sủi kết thúc thắng lợi, tháng 7-1969, địch tập trung 16 tiểu đoàn ngụy Lào dưới sự chỉ huy và chi viện hỏa lực bằng máy bay, pháo binh Mỹ-Thái Lan, mở cuộc hành quân “Củ Kiệt” lấn chiếm khu vực Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng. Sau khi chiếm được khu vực này, địch tăng quân số lên 20 tiểu đoàn; dựa vào các cao điểm tổ chức phòng ngự thành nhiều tuyến từ ngoài vào trong. Khu trung tâm có sân bay dã chiến và trận địa pháo.
Mùa khô 1969-1970, ta và bạn mở chiến dịch để thu hồi toàn bộ Cánh Đồng Chum bắt đầu từ ngày 25-10-1969. Trong lực lượng tham gia của quân tình nguyện Việt Nam có 4 tiểu đoàn và 6 đại đội đặc công.
Sau loạt trận mở đầu của ta, địch bị tiêu diệt và bỏ một số cao điểm phòng ngự những cứ điểm quan trọng bao bọc xung quanh Cánh Đồng Chum. Đêm 9 rạng ngày 10-12, bộ đội đặc công đánh chớp nhoáng và chiếm được căn cứ Phunốccốc làm cho thế phòng ngự của địch bị hở, tạo thế cho ta đánh sâu vào trung tâm Cánh Đồng Chum.
Sang đợt 2, ta tiến công địch ở tuyến giữa. Hai tiểu đoàn đặc công nằm trong đội hình của Sư đoàn bộ binh 316 hoạt động ở hướng chủ yếu, chiếm Phu Huội và Ngã ba Noọng Pẹt rồi tiến đánh Long Chẹng, phá hủy 12 máy bay , diệt 40 tên phi công và nhân viên kỹ thuật. Ngày 19-2, sở chỉ huy của trùm thổ phỉ Vàng Pao phải phân tán di tản sang đất Thái Lan và Mường Pìn.
Các chiến sĩ đặc công Sư đoàn 316 (Ảnh tư liệu. Nguồn: Quân đội nhân dân)
Tối 14-3, Đội đặc công 40 tiến công Sảm Thông, thu nhiều xe quân sự và hàng nghìn tấn gạo, quân trang, lương thực, cùng bộ binh chốt giữ căn cứ này 11 ngày.
Đầu tháng 2-1970, Bộ điều Tiểu đoàn đặc công 20 tăng cường cho chiến dịch. Đến mặt trận, đơn vị khẩn trương bước vào chiến đấu. Địch đang trong thế tan rã, nên Tiểu đoàn 20 chưa đánh, chúng đã chạy khỏi các cao điểm chốt giữ.
Khẩu đội súng cối 82mm thuộc Đại đội 17, Trung đoàn 174 lập nhiều thành tích trong chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. (Ảnh tư liệu. Nguồn: Quân đội nhân dân)
Giữa tháng 3, chúng đang trên đường tháo chạy, dừng lại để vượt sông Nậm Ngừm và Mường Pìn thì bị 2 đại đội đặc công và bộ binh thuộc Trung đoàn 174 truy kích, tập kích diệt 106 tên. Bọn còn lại bỏ chạy vào hướng bộ binh ta phục kích nên bị tiêu diệt thêm một số tên.
Chính trị viên d27 trao cờ cho tổ đặc công cắm ở căn cứ Vàng Pao tại Long Chẹng ngày 17-1-1970. Ảnh: Sách "Đặc công – Nỗi ám ảnh của giặc thù”
Chiến dịch Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng kết thúc thắng lợi ngày 25-4-1970, sau 6 tháng chiến đấu liên tục, quyết liệt, giải phóng hoàn toàn Cánh Đồng Chum, một địa bàn chiến lược quan trọng của cách mạng Lào. Bộ đội đặc công đã lập nhiều chiến công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sau chiến dịch Cánh Đồng Chum, đầu năm 1971, Sư đoàn 316 và các tiểu đoàn đặc công 13, 27, 4 quân tình nguyện Việt Nam được lệnh phối hợp với quân giải phóng Lào giành thắng lợi trong chiến dịch tiêu diệt phỉ Vàng Pao ở khu vực Bản Na, Sảm Thông, Long Chẹng, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang mà **** và Tổ quốc giao phó.
Bài viết sử dụng tư liệu từ cuốn “Đặc công – Nỗi ám ảnh của giặc thù” của Thượng tá Hồ Sĩ Thành, Nhà xuất bản