Đôi chân của bạn sẽ thơm tho trở lại nếu áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp ngăn chặn vi khuẩn gây mùi hôi. Chẳng hạn, bạn nên chọn loại bít tất làm bằng bông vải để dễ thấm nước và hút được ẩm trong giày.
Đôi chân bạn đang thơm tho, bỗng nhiên xuất hiện mùi hôi mặc dù chế độ vệ sinh không thay đổi? Có thể bạn đã bị lây do đi giày dép chung với người khác; hoặc do đến phòng tắm công cộng, hồ bơi, đi tập thể dục thể hình, nơi mà nấm, bụi, vi khuẩn từ những đôi bàn chân có mùi phát tán ra môi trường.
Chứng hôi chân thật là phiền vì nó khiến bạn xấu hổ mỗi lần đến nhà ai chơi, phải cởi giày. Vào mùa hè, tình trạng này càng trầm trọng nếu bạn vẫn trung thành với đôi giày quá kín đáo và những đôi tất làm từ vật liệu có khả năng thấm và hút ẩm kém. Nấm và vi khuẩn trong chân, trong giày phát triển, gây mùi hôi nồng nặc. Thậm chí các khe ngón chân còn nứt nẻ bởi nấm ăn vào, gây ngứa ngáy khó chịu.
Để phòng, chữa hôi chân, bạn chỉ cần thực hiện các nguyên tắc sau:
- Không đi chân đất ở những nơi công cộng có khả năng lây nhiễm bệnh cao.
- Đi loại tất thấm hút tốt. Mùa hè cần đi giày có lỗ thoáng hoặc dép.
- Hằng ngày phải rửa chân từ 2 lần trở lên, nhất là đối với người đã nhiễm bệnh. Chú ý kỳ cọ sạch các ngón, nhất là các khe kẽ. Sau khi rửa, phải lau thật khô bằng khăn bông thấm nước, dùng khăn mềm để không làm sây sát da chân.
- Khi đã mắc bệnh hôi chân, cần khám để xác định có phải nấm không rồi mới dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Nếu có thuốc chống hôi chân, thuốc chống nấm, cần rắc hay xịt vào bàn chân, khe kẽ các ngón chân, vào bít tất và giày.
- Nếu bị nấm ăn các khe kẽ chân, phải khám và điều trị triệt để; vệ sinh giày; tất sau khi giặt cần là kỹ, hoặc luộc trước khi giặt.
- Xử lý vệ sinh và xịt thuốc vào giày mỗi ngày.
(Theo Sức khỏe và Đời sống)