Đọc cái tít mấy bài báo em nghĩ tới hai điều:
- Nước mình có thiếu anh hùng hay danh nhân để dựng tượng, làm phù điêu ... hay sao mà phải đi lo dựng lại cái phù điêu này cho nó to hơn? Trong hơn 30 năm đổi mới, có bao nhiêu anh hùng, danh nhân được tưởng niệm đơn giản bằng một bức tượng bán thân hay phù điêu nhỏ ở không gian công cộng nào đó? Hỏi vậy chắc nhiều người sẽ nhớ tới mấy cái tượng đài gắn liền với lùm xùm về tham nhũng chứ có lẽ chẳng nhớ được tượng hay phù điêu nào.
- Tại sao lại gọi đấy là phù điêu John McCain hay phù điêu cố thượng nghị sĩ John McCain, rồi là biểu tượng tốt đẹp cho quan hệ Việt Mỹ,... rồi cả tới phù điêu tưởng niệm cố thượng nghị sĩ John McCain? Cứ phải như tờ Nhân Dân gọi là 'phù điêu bắt sống phi công Mỹ John McCain' mới đúng, hay phù điêu bắt sống phi công Mỹ.
Đây là phù điêu được làm để ghi nhận chiến công của quân dân ta đã bắn hạ và bắt sống phi công Mỹ ngay trong lòng Hà Nội vào đợt Mỹ ném bom Hà Nội lần đầu tiên. Phù điêu có hình phi công ở tư thế đầu cúi xuống, hai tay giơ lên cao, hai chân gập lại ở đầu gối như quì, xung quanh và cao lên là các khối hình cách điệu của lửa khói, bên trái là xác máy bay. Tư thế phi công như đang nhảy dù, nhưng cũng giống như là đang quì xuống giơ tay hàng như lúc phải đền tội. Đấy không phải chỉ là phù điêu John McCain một cách đơn giản như vậy, càng không phải là để tưởng niệm John McCain. Vì thế đừng quàng vào nó ý nghĩa chính trị ngoại giao, biểu tượng quan hệ gì gì đấy... Cũng đừng có tư tưởng khôn lỏi kiểu làm nó to đẹp lên để thu hút khách du lịch.
Phù điêu đã được tu sửa, tôn tạo 2 lần trước đây trong những năm 1980 và 1990. Việc tôn tạo tu bổ lại là chuyện bình thường, nên muốn tiêu tiền thì cứ tiêu, không cần phải họp hành lý do lý trấu cho nó mất thời gian tốn thêm tiền...họp. Nhưng nó đã ở nơi nó ở, được dựng lên với kích thước phù hợp với ý nghĩa của nó. Nên đừng vẽ ra các kiểu lý do lý trấu. Vẽ rắn thêm chân, tự nhiên đổi hẳn ý nghĩa ban đầu của phù điêu, khác gì bắn súng vào lịch sử.
Mai mốt làm to đẹp hoành tráng hơn, lỡ có ông quan Mẽo nào qua bảo sao lại dựng tượng người Mỹ giơ tay quì gối to đùng thế này, định sỉ nhục người Mỹ sao?-Khéo lại sun mịa nó vòi vào.
Con ông McCain qua hỏi sao dựng bố tôi giơ tay quì gối to đùng lên thế này, định để bố tôi chết rồi mà vẫn mang ra bêu riếu ah?-Lúc đấy lại đổ lỗi tại tập thể chắc.
Tượng đài ở phố Khâm Thiên ghi lại vụ ném bom rải thảm của Mỹ vào Khâm Thiên, bao nhiêu người chết. Đấy mới là chỗ để đến dâng hoa. Phù điêu bắt sống phi công Mỹ ném bom phá hoại nước ta có gì mà lại đem dâng hoa? Dâng hoa thờ việc nó ném bom xuống đầu cha ông mình ah? Muốn thì dựng hẳn tượng McCain ở chỗ nào đấy rồi đến đấy mà dâng hoa thờ, chẳng phải là hợp lý hơn sao?
Nói chuyện dựng tượng tô hình nhau mới nhớ. Trước đây cái vườn hoa Lý Thái Tổ gọi là vườn hoa Lê-nin (trước nữa thì em không bàn) vì có tượng ông Lê-Nin ở đây. Sau cái thời 1984, bà Indira Gaandhi thủ tướng Ấn Độ bị ám sát. Lúc đó VN đói nghèo. Ấn độ viện trợ gạo cho VN thì phải. Hạt gạo tròn ủm, ăn cơm cứ nói là gạo bà Indira Ghandi. Mà ăn gạo của người ta thành ra cỡ năm 85 thì phải, ông Lê-Nin phải dọn đi chỗ khác, về cái vườn hoa trước Bảo tàng Quân đội (vườn hoa Canh Nông?). Bà Indira Gandhi nhảy vào thế chỗ của ông Lê-Nin. Cái vườn hoa cạnh bưu điện Bờ Hồ cũng đổi tên thành vườn hoa Indira Gandhi. Tới hồi chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, ông Lý Công Uẩn tìm về Hà Nội. Những 1000 năm nên tượng ông cũng phải hoành tráng, thành ra chỗ cho ông đứng cũng phải hoành như thế. Thế là bà Indira lại phải dọn chỗ nhường lại cho ông Lý Công Uẩn đứng chỉ tay đất này. Bà Indira về công viên hồ Thành Công. Thôi thế cũng là may, vẫn còn thu xếp được chỗ cho bà đứng, cũng có cây có hồ mát mẻ, vẫn giữa cái thủ đô tấc đất tấc vàng. Chứ mà khênh bà đi cái xó nào đấy bên Sóc Sơn hay dưới Thanh Trì gần Văn Điển thì cũng lại thành cái chuyện qua sông đấm b... vào sóng.
Nay quan hệ với Mẽo ấm nồng, ngộ nhận cái phù điêu bắt sống phi công Mỹ thành phù điêu tưởng niệm một phi công Mỹ nên đem dựng nó to ra. Mai mốt quan hệ xuống dốc không biết có đem vứt mịa nó xuống sông không.