Một thông tin khác để Mợ chủ tham khảo:
Từ đường dòng họ Nguyễn Văn: Nơi lưu giữ phần mộ vị tướng thế thân của vua Quang Trung
Nhân dịp từ đường dòng họ Nguyễn Văn được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố, chúng tôi trở lại đất Bàng Động xưa, nay là phường Bàng La (quận Đồ Sơn) để tìm hiểu về những tích sử của từ đường.
Từ đường dòng họ Nguyễn Văn nằm ở khu văn hóa Tiểu Bàng, phường Bàng La (quận Đồ Sơn). Từ đường được xây dựng hơn 200 năm trước và tu sửa lại vào năm 1998. Đây là nơi thờ tướng quân Nguyễn Quang Thực, một vị tướng thân cận của vua Quang Trung và là Tổ thượng của dòng họ Nguyễn Văn. Từ đường được xây dựng trên diện tích hơn 400 m2 với 2 phần chính: khu lăng mộ tướng quân Nguyễn Quang Thực và khu điện thờ chính. Nhắc về danh vị Nguyễn Quang Thực và mối quan hệ huyết thống với dòng họ Nguyễn Văn, ông Nguyễn Văn Doa, hậu duệ đời thứ 8, Trưởng dòng họ Nguyễn Văn cho biết: “Sau khi lên ngôi vào năm 1778, vua Quang Trung ban cho những người thân cận chữ Quang làm tên đệm. Từ đó Tổ thượng Nguyễn Văn Thức đổi thành Nguyễn Quang Thực”.
Nguyễn Quang Thực, hiệu danh là Pháp Toàn, sinh năm 1757 tại trại Tây Sơn, trấn Quy Nhơn. Thời trẻ, với tư chất thông minh, ham học hỏi lại được dìu dắt bởi một danh sĩ Bắc Hà nên khi trưởng thành Nguyễn Quang Thực thông thuộc binh thư, binh pháp, võ nghệ hơn người. Sau khi tụ nghĩa dưới cờ Tây Sơn năm Quý tỵ 1773, ông nhanh chóng trở thành một vị tướng tài ba, tâm phúc trong đạo quân của Nguyễn Huệ. Sau hơn 20 năm theo vua Quang Trung, tướng quân Nguyễn Quang Thực đóng góp nhiều công sức, trí tuệ và có nhiều chiến công hiển hách.
Theo sách sử Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn phái, sau chiến thắng Kỷ Dậu năm 1789, mối quan hệ bang giao với triều đình nhà Thanh được bình thường hóa, vua Quang Trung chọn tướng quân Nguyễn Quang Thực đóng giả quốc vương, sang yết kiến và dự lễ mừng thọ 80 tuổi của vua Kiền Long. Khi "quốc vương" An Nam sang tới Yên Kinh (kinh đô của triều đình nhà Thanh), trước sự oai phong của Nguyễn Quang Thực, vua Thanh không thể nhận ra là vua Quang Trung giả, mừng rỡ, cho cùng ăn yến tiệc với các vương thần. Đến khi ông về nước, vua Thanh còn sai thợ vẽ truyền thần bức chân dung, ban cho bạch mã và giáp bào.
Năm 1792, vua Quang Trung bạo bệnh qua đời, triều đại Tây Sơn rơi vào tay ấu chúa quyền thần. Tướng quân Nguyễn Quang Thực rời bỏ quyền bính, xuôi về dòng sông Văn Úc tới vùng đất Đại Bàng hoang vắng, thay tên đổi họ, hòa nhập với một số dòng họ khác chinh phục thiên nhiên, dựng lên vùng đất Bàng La ngày nay. Sau khi ông qua đời, con cháu xây dựng bia mộ, từ đường trên chính mảnh đất nơi ông sinh sống. Cho tới ngày nay, mộ phần của tướng quân Nguyễn Quang Thực vẫn được đặt tại khu từ đường dòng họ Nguyễn Văn ở khu văn hóa Tiểu Bàng, phường Bàng La (quận Đồ Sơn). Nơi đây trở thành nơi sinh hoạt tinh thần, giáo dục truyền thống, lòng yêu quê hương đất nước của con cháu trong họ.
Hơn 200 năm kể từ ngày tướng quân Nguyễn Quang Thực khởi nghiệp tại đất Bàng La, tới nay lớp hậu duệ thứ 11 đã ra đời. Trải qua nhiều biến đổi thăng trầm nhưng chí khí của đức tổ vẫn sáng mãi trong các lớp hậu duệ dòng họ Nguyễn Văn. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, hàng chục con em trong họ lên đường bảo vệ đất nước, 10 người được Nhà nước truy tặng liệt sĩ và hơn 100 huân huy chương các loại được trao tặng con em dòng họ Nguyễn Văn.
Như An
Nguồn
-------------------------------------------------------------------------------------------
Trường hợp của Mợ thông tin còn rõ nét nên dễ tìm. Chứ đích thân em còn đi tìm một người họ Phạm cũng người Hải Phòng mà 10 năm sau mới tìm được, đến nơi cụ ấy bảo "Tôi họ Phạm là họ Mẹ, chứ gốc là họ Đặng. Phải đổi đi không Tây nó bắt ráo".
,