Nguồn coppy
Thú câu cá trê
Cuối mùa đông là mùa câu cá trê. Những cơn mưa dầm đã dứt,
Trời se se lạnh nhưng không vì thế mà chúng tôi chùn bước. Những con cá trê vàng hươm như khiêu khích đến hấp dẫn. Chúng tôi thăm dò các khẩu đập đã hàn chưa. Nếu hàn rồi là sẵn sàng lên đường. Chúng tôi chuẩn bị khá chu đáo từ cần câu, mồi câu, đến "viên gạch bùa".
Cần câu thì lúc nào cũng sẵn, nhưng dây câu mỗi loại cá đều khác nhau.
Câu trê thì lưỡi câu ngắn, chì nặng, lưỡi câu có thẻo tơ, chì cách lưỡi chừng vài ba phân, rất khác với câu hanh, chì và lưỡi cách nhau đến vài mươi phân. Mồi hấp dẫn nhất với cá trê là trùn mủ, thứ trùn hơi nhỏ, dai, trong bụng toàn thứ nhớt màu trắng đục dẻo quánh. Mồi móc trùn dồn lại thành một khối, phần thừa chừng vài phân để trùn còn ngo ngoe, hấp dẫn cá.
Điều đáng chú ý nhất là viên gạch bùa.
Đây là kinh nghiệm của chúng tôi học ở người miền Nam, tận vùng Tiền Giang, Hậu Giang. Viên gạch được nung lửa, càng nóng càng tốt. Một xị mắm cơm nục thứ ngon, để sẵn. Viên gạch vừa lấy ra khỏi lửa là tưới mắm lên. Gạch nóng hút hết mắm. Mùi thơm, tanh của mắm tỏa ra lạ lùng khó tả. Lấy dây cột viên gạch chừa mối dài như dây câu. Thế là sẵn sàng.
Cơm chiều xong, chúng tôi tơi nón lên đường. Vai vác cần, lưng mang vịt,
tay cầm gạch bùa men theo từng bụi tre, bờ ruộng đến bờ sông. Trời chạng vạng. Chọn nơi thích hợp, thường là một bụi tre, bên dưới nước hơi quặn. Nước không chảy mạnh mà quanh lại. Đó là địa điểm tốt nhất. Lấy cần thăm nước, nước sâu hoặc cạn quá đều không tốt. Ném viên gạch bùa xuống là bắt đầu. Cá trê là loài háo ăn, đánh được hơi mồi là chúng đến cả bầy. Không biết từ đâu mà người đi câu ở miền nam lại phát hiện được cá trê thích mùi mắm nêm. Họ còn bảo rằng: khi câu được con cá đầu tiên, bạn hãy ngắt đuôi cá, thả lại xuống nước.
Thông thường cá đã bị mắc câu rất nhát không ăn câu nữa.
Nhưng trước mùi vị hấp dẫn của viên gạch bùa, cá quên đau đớn mà ăn trở lại. Cho nên bạn cứ tiếp tục câu, câu cho hết bầy cá, đến khi câu được con cá bị ngắt đuôi đó là con cuối cùng, bạn phải thay đổi chỗ khác. Cá ăn là biết ngay, cá đớp mồi, rung cần khá mạnh rồi kéo tuột. Nhún cần, cá mắc vào lưỡi kéo lên. Khi được cá lớn, cần cong vòng xuống. Con cá như cố ghì ngược lại, dây câu căng, đánh lệch một vòng. Có lẽ đây là phút hồi hộp và vui nhất. Niềm vui như lớn theo tầm cỡ con cá.
Được cá chưa phải là xong, mở cá ra khỏi lưỡi mới là phút quyết định.
Phải dạn tay, vuốt theo chiều dây câu đến miệng cá, tay bóp mạnh cho hai ngạnh cá xếp lại và gỡ lưỡi ra. Nói thì dễ nhưng làm phải quen, tuần tự, nhịp nhàng, nếu không sẽ bị cá đâm ngạnh vào tay, buốt ơi là buốt, máu chảy là thường. Ngạnh cá vừa bén lại vừa có gai nên những ai mới tập câu đều dễ bị cá đâm, không đau như kim mà nhức buốt đến phát sốt.
Cái thú câu cá là lắng nghe, chờ đợi. Trong giờ câu dường như ta quên tất cả phiền muộn. Tâm hồn thanh thản. Có lẽ vì thế mà người ta gọi là thú chăng, vả lại khi câu được cá, sự vui thú càng tăng gấp bội, cái vui thú của một kẻ chiến thắng, dù đó chỉ là thắng một con cá nhép.
Những hôm trúng đậm, đem về rộng trong lu ăn dần hoặc bán bớt.
Cá có mùi tanh vì nhớt nhưng khi đã nấu chín, mùi tanh ấy dường như biến mất. Cá trê làm sạch, ướp gia vị mà nấu cháo thì ngon tuyệt. Tùy theo khẩu vị người ta mà ướp nhưng không thể thiếu ớt. Thứ gia vị không quên là củ nghệ. Bát cháo vàng ươm, ngây ngây mùi gia vị, phảng phất mùi nghệ, mùi đặc trưng của cháo cá trê. Vớt cá sắp ra dĩa, rưới một tí nước mắm ngon. Miếng cá vàng nóng hổi, ngon đến quên mời. Nếu ai là bạn của Lưu Linh thì có thể dùng một ly đế nhỏ. Cứ thế xơi cho đến khi đất trời đảo lộn. Tục ngữ có câu: "Đầu cá chép, mép cá trê" - đó là những món ngon. Mép cá trê chỉ hơi giòn giòn, béo béo mà thôi. Cá trê quý ở chỗ thịt rất lành mà lại bổ.
Ở thôn quê, mỗi mùa đều có những thú vui riêng.
Câu cá trê là thú vui đỉnh cao, hồi hộp trong chờ đợi, lặng lẽ nghe dòng nước chảy qua dây câu và cuối cùng là chiến thắng. Dù xa quê lâu năm, khi đông về lại nhớ tuổi thơ, nhớ những đêm đông trời lạnh đi câu cá trê.